Hải quân Nga: Hào quang một thời và bước lùi đến vực thẳm

QS |

Theo nhà phân tích Robert Farley, Hải quân Nga hiện là một mớ hỗn độn và tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn nữa trong tương lai.

Năm vừa qua, Hải quân Nga đã đảm nhận một số hoạt động đáng chú ý, trong đó phải kể đến đợt triển khai tàu sân bay Admiral Kuznetsov ngoài khơi Syria và vụ phóng tên lửa hành trình từ các tàu chiến trên biển Caspian. Hoạt động của tàu ngầm Nga cũng tăng lên, dù chưa tới mức như thời Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Robert Farley, trên thực tế, Hải quân Nga là một mớ hỗn độn và tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn nữa trong tương lai.

Lực lượng tàu chiến mặt nước hiện tại

Hải quân Nga thừa hưởng một hạm đội tàu mặt nước và tàu ngầm quy mô lớn, hiện đại. Song phần lớn trong số chúng đều biến mất nhanh chóng, bởi Nga không có khả năng duy trì một hạm đội như vậy. Các tàu còn lại của Hải quân Nga rất cũ và không rõ có được sửa chữa hay không.

Trong số 24 tàu chiến mặt nước chủ lực mà Hải quân Nga vận hành, chỉ có 3 tàu (các khinh hạm thuộc lớp Admiral Grigorovich) được khởi đóng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Phần lớn các tàu thừa hưởng từ Hải quân Liên Xô đều sắp hết tuổi thọ hoạt động, mặc dù Nga đã nỗ lực phần nào để sửa chữa và nâng cấp.

"Nga còn duy trì tàu sân bay Admiral Kuznetsov được bao lâu khi không tiến hành nâng cấp quy mô lớn?" là một câu hỏi nghiêm túc. Dù đã đưa ra những lời hứa hẹn đầy tham vọng nhưng cho tới nay, vẫn chưa có mẫu tàu thay thế nào được khởi đóng.

Tuần dương hạm hạt nhân Pyotr Velikiy của Nga vẫn hoạt động tích cực trong thập kỷ qua và một số nguồn tin cho biết tàu Admiral Nakhimov sẽ trở lại hoạt động trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, cả hai con tàu này đều đã hơn 30 năm tuổi.

Các dự án tương lai

Nếu Moscow đều tiến hành những dự án mà họ hứa hẹn xúc tiến trong thập kỷ qua thì giờ đây Hải quân Nga sẽ trở thành lực lượng hàng đầu thế giới. Các cơ quan an nnh quốc gia Nga đưa ra rất nhiều tuyên bố về các dự án lớn nhưng không có mấy dự án được thực hiện.

Theo các tiêu chuẩn quốc tế, thành tích đóng tàu mặt nước của Nga trên thực tế khá đáng thất vọng.

Thành công lớn nhất của ngành công nghiệp đóng tàu Nga là hai khinh hạm Admiral Grigorovich (4.000 tấn) và Admiral Gorshkov (5.400 tấn).

Hải quân Nga: Hào quang một thời và bước lùi đến vực thẳm - Ảnh 1.

Khinh hạm lớp Admiral Grigorovich.

Admiral Grigorovich có thời gian chế tạo gần 7 năm và Admiral Gorshkov là khoảng 9 năm. Nga đã đưa vào biên chế 2 khinh hạm Grigorovich và đang đóng thêm 4 chiếc khác. Trong khi đó, theo dự kiến, chiếc Gorshkov đầu tiên sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay, thêm 3 chiếc khác thuộc lớp này đang được chế tạo.

Trái ngược với Nga, Anh chỉ mất khoảng 6 năm để đóng tàu khu trục Type 45, Mỹ chỉ mất 4 năm cho một tàu Arleigh Burke, Nhật chỉ mất 4 năm cho tàu Atago và thậm chí Trung Quốc cũng chỉ mất 4 năm để đóng một tàu Type 052D. Điều đáng nói là, tất cả những con tàu này đều có kích cỡ gấp gần 2 lần so với các khinh hạm mà Nga đang phải vật lộn để hoàn thiện.

Hải quân Nga: Hào quang một thời và bước lùi đến vực thẳm - Ảnh 2.

Khinh hạm lớp Admiral Gorshkov.

12 tàu khu trục lớp Lider, với lượng giãn nước dự kiến 17.000 tấn, có thể dễ dàng thay thế hạm đội tàu tuần dương và tàu khu trục hiện tại của Nga, tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy Kremlin sắp khởi đóng những con tàu này, cũng như khó có khả năng họ hoàn thiện chúng trong một khung thời gian hợp lý.

Ngoài ra, việc Nga sáp nhập Crimea đã cắt đứt khả năng mua tàu chiến từ nước ngoài (chủ yếu là các tàu đổ bộ lớp Mistral), mặc dù vào một lúc nào đó, Moscow cũng có thể cân nhắc mua tàu từ Trung Quốc.

Lực lượng tàu ngầm

Vị thế của Nga phụ thuộc rất lớn vào việc họ đánh giá vai trò thiết yếu của tàu ngầm hạt nhân đối với sức mạnh hải quân.

Các tàu ngầm hạt nhân (gồm tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu ngầm hạt nhân chiến lược) là những sản phẩm duy nhất mà ngành công nghiệp đóng tàu Nga đã làm tốt kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Mặc dù quy mô của hạm đội tàu ngầm đã suy giảm nhưng Hải quân Nga đã nỗ lực để đảm bảo các phương án thay thế.

Hải quân Nga: Hào quang một thời và bước lùi đến vực thẳm - Ảnh 3.

Tàu ngầm lớp Borei.

8 tàu ngầm lớp Borei (3 chiếc trong biên chế, 5 chiếc đang hoàn thiện) sẽ đóng vai trò là phương tiện răn đe đáng gờm của Hải quân Nga trong tương lai gần. Còn 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen sẽ là một nhân tố hiện đại, tiên tiến để bổ sung vào kho tàu ngầm hiện có của Hải quân Nga, bên cạnh các tàu lớp Akula, Oscar và Sierra.

Tương quan

Hải quân Nga đã trải qua một thế kỷ 20 với nhiều biến động. Năm 1905, Nga đã có sức mạnh hải quân hạng 2 trên thế giới, với hạm đội tàu chiến quy mô đáng kể và hiện đại tại khu vực Baltic, Thái Bình Dương và biển Đen.

Họ rơi vào khủng hoảng sau khi 2 hạm đội tàu chiến bị tiêu diệt trong tay quân Nhật nhưng trong vòng 13 năm sau trận Tsushima, Nga đã đưa vào hoạt động 7 tàu chiến có hỏa lực mạnh, bất chấp sự gián đoạn do Thế chiến I gây ra.

Điều này đã đưa Nga lên cùng hàng với Pháp, Ý, mặc dù vẫn đứng sau Anh, Đức, Nhật và Mỹ.

Song, giống như Liên bang Nga ngày nay, Liên Xô đã phung phí thời gian trong suốt 20 năm tồn tại đầu tiên mà không rõ mình mong muốn điều gì từ lực lượng hải quân.

Đến khi họ bắt tay vào một chương trình đóng tàu quy mô lớn thì cũng là lúc Thế chiến II sắp nổ ra. Chiến tranh đã làm gián đoạn kế hoạch này nhưng đã cho thấy rõ một điều: Sức mạnh và an ninh của Nga phụ thuộc vào lục quân nhiều hơn hải quân.

Bất chấp điều ấy, Hải quân Liên Xô vẫn gia tăng sức mạnh nhanh chóng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, có thời điểm còn vượt qua hạm đội Anh và Pháp, trở thành lực lượng hải quân mạnh thứ 2 thế giới.

Tuy nhiên, sau đó, mọi thứ một lần nữa đổ vỡ. Hải quân Nga không thể duy trì hạm đội mà họ được kế thừa, cũng không có đủ khả năng trang trải để duy trì tiến độ đóng tàu mới, dù điều đó rất cần thiết trong việc duy trì nền công nghiệp đóng tàu quân sự.

Một vòng xoáy luẩn quẩn diễn ra, chi phí duy trì các tàu chiến cũ và thời gian đóng tàu mới đều tăng lên, khiến chất lượng bảo dưỡng và chất lượng thi công tàu mới giảm sút nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng tài chính vài năm gần đây, do các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm mạnh, đã dập tắt sự sống của mọi dự án, ngoại trừ chương trình tàu ngầm.

Hải quân Nga: Hào quang một thời và bước lùi đến vực thẳm - Ảnh 4.

Tàu sân bay Admiral Kuznetsov,

Nga không có bất cứ lợi thế nào khi xét trong tương quan với các lực lượng quốc tế. Trung Quốc sẽ có ít nhất 3 tàu sân bay vào thời điểm Nga biên chế chiếc thứ 2 (nếu khởi đóng), Ấn Độ và Anh cũng sẽ có ít nhất 2 tàu sân bay.

Xét về lực lượng tàu tác chiến mặt nước, tình hình có vẻ còn tồi tệ hơn. Như đã đề cập ở trên, Pháp, Anh, Nhật và Trung Quốc đều đã đưa vào biên chế các tàu chiến mặt nước cỡ lớn trong thập kỷ qua, tất cả đều vượt trội hoàn toàn các tàu chiến "di sản" của Nga về công nghệ.

Đặc biệt, nếu như Nga mới chỉ biên chế 5 tàu chiến mặt nước cỡ lớn từ năm 2000 (3 tàu trong số này được đặt ky từ thời Liên Xô) thì Trung Quốc đã biên chế tới 40 tàu. Khoảng cách này sẽ còn tăng lên trong vài năm tới.

Kết luận

Như nhà phân tích Dmitry Gorenburg đã từng nhận định trong bài viết trên trang "War on the Rocks", các tham vọng hải quân của Moscow có vẻ rất phi thực tế.

Nếu không thể tái thiết được ngành công nghiệp đóng tàu, Nga sẽ không thể cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, nếu không khôi phục được nền kinh tế, họ sẽ không thể tái thiết ngành công nghiệp đóng tàu.

Bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ cho quốc phòng, Nga vẫn chỉ có thể cạnh tranh với các nước khác ở một số khía cạnh rất hạn hẹp như tàu ngầm tấn công hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, tàu hộ tống và khinh hạm hạng trung.

Nhưng xét một cách lạc quan thì ngành công nghiệp Nga đã có sự thể hiện đáng khen trong việc tích hợp công nghệ tên lửa mới vào các hệ thống hiện có.

Cuối cùng, cần đề cập rằng liên bang Nga ngày nay đang gặp phải những trở ngại với lực lượng hải quân, cũng giống như Liên bang Xô viết và Đế quốc Nga trước đây.

Hải quân Nga được phân bổ thành 4 hạm đội: Biển Đen, Baltic, phương Bắc và Thái Bình Dương nhưng các hạm đội này không dễ dàng hỗ trợ được cho nhau.

Việc tàu Admiral Kuznetsov được điều tới Địa Trung Hải rồi trở về nước mà không gặp phải sự cố nghiêm trọng nào được xem là một thành tựu lớn.

Điều này trái ngược với Trung Quốc. Bắc Kinh hiện duy trì 3 hạm đội dễ dàng luân chuyển hỗ trợ nhau.

Tóm gọn lại thì Hải quân Nga đang rơi vào tình trạng tồi tệ và họ hiện không có đủ tiềm lực để khôi phục lại. Trong tương lai gần, Nga nên tiến hành nghiêm túc các dự án hải quân mà họ thực sự cần thiết và nằm trong khả năng của mình.

Mục tiêu trước mắt có lẽ là một hạm đội tàu ngầm hạt nhân có khả năng răn đe và một hạm đội tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ được giao nhiệm vụ giám sát các hoạt động bảo đảm hàng hải thông thường. Những mục tiêu cao hơn có vẻ khó mà đạt được.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Robert Farley, giảng viên cấp cao trường ngoại giao và thương mại quốc tế Patterson, Đại học Kentucky.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại