S-400 – Sự lựa chọn khôn ngoan của Thổ Nhĩ Kỳ

Tuấn Sơn |

Việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện những bước đi cuối cùng tiến tới ký hợp đồng cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumph là tín hiệu về sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Ankara đối với Mỹ và phương Tây.

Đây cũng là bước đi giúp mang lại nhiều lợi ích cho Ankara về cả kinh tế, lẫn mong muốn tiếp cận công nghệ vũ khí hiện đại của Ankara.

Ankara cần S-400 làm "đối trọng" với Mỹ và phương Tây

Đầu tuần, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chính thức xác nhận việc ký hợp đồng mua tổ hợp tên lửa S-400 với Nga và khẳng định Washington không có quyền can thiệp vào thỏa thuận này giữa Ankara và Moscow.

"Tại sao họ lại quan tâm tới vấn đề này? Mỗi quốc gia cần có các phương án khác nhau để đảm bảo an ninh. Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với phía Mỹ về vấn đề này, nhưng không nhận được sự hồi đáp tương xứng. Chính vì thế chúng tôi lựa chọn phương án mua tổ hợp S-400 từ Nga", Tổng thống R. Erdogan tuyên bố.

S-400 – Sự lựa chọn khôn ngoan của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

S-400 ở thời điểm hiện tại là sự lựa chọn khôn ngoan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, giới chức quân sự Mỹ lại coi việc Ankara mua tổ hợp S-400 là vấn đề lớn đối với Washington. "Về căn bản, truyền thông đưa chưa đúng thông tin. Họ (Thổ Nhĩ Kỳ) chưa mua S-400. Đó mới chỉ là dự định và thực tế là họ sẽ không làm điều đó", Chủ tịch Hội đồng Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford tuyên bố.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đề cập tới vấn đề tương thích và bảo mật của tổ hợp S-400 với hệ thống phòng không NATO và yêu cầu phía Thổ Nhĩ Kỳ giải thích rõ nguyên nhân tại sao lại chọn vũ khí phòng không Nga thay vì các sản phẩm của NATO.

Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Ağar nhận định, việc Ankara chọn S-400 chính là để chống lại kế hoạch "can thiệp vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ" của Mỹ và phương Tây.

"Ba năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối phó với hệ quả của kế hoạch do Mỹ và phương Tây thực hiện. Trong đó, nghiêm trọng nhất là việc Mỹ hỗ trợ lực lượng người Kurd (Ankara coi lực lượng này là phong trào khủng bố) đe dọa nghiêm trọng tới sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia A. Ağar đánh giá.

Theo nhận định của chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ sau cuộc chiến tại Iraq năm 2003, Mỹ và phương Tây đang muốn "vẽ lại bản đồ Cận Đông". Việc này đã gia tăng bất ổn trong khu vực, trong đó có cả sự trỗi dậy của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

"Chính sách như vậy có thể dẫn tới khả năng can thiệp quân sự của nước ngoài vào khu vực Cận Đông. Thổ Nhĩ Kỳ cần đối sách để đối phó với làn sóng đó. Thỏa thuận cung cấp tổ hợp S-400 là minh chức cụ thể", chuyên gia A. Ağar nói.

S-400 – Sự lựa chọn khôn ngoan của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 2.

Dù có nhu cầu, nhưng Ankara vẫn không thể tiếp cận được các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot do giá thành cao và từ chối chuyển giao công nghệ.

Phương Tây đang mất dần uy tín với Ankara khi tiếp tục hoạt động hỗ trợ của tổ chức, phe nhóm ly khai lãnh thổ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và không cho Ankara giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Mặt khác, những vấn đề liên quan tới việc cung cấp tổ hợp tên lửa Patriot với Mỹ đã buộc Ankara cần có sự lựa chọn khác và S-400 có vẻ là phương án tối ưu.

"Thực tế, thỏa thuận cung cấp S-400 chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch lớn hơn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực năng lượng và an ninh. Đây là tín hiệu rõ ràng của Ankara muốn rời xa khỏi quỹ đạo của phương Tây", chuyên gia A. Ağar nhận định.

S-400 – Một mũi tên trúng nhiều đích của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo thỏa thuận với phía Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tổng cộng sẽ mua 4 sư đoàn S-400 với tổng trị giá hợp đồng khoảng 2,5 tỷ USD. Trong đó, 2 đơn vị S-400 sẽ được lắp ráp tại Nga và 2 đơn vị còn lại sẽ lắp ráp tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara công bố thỏa thuận mua S-400 gần như đồng thời với việc ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Eurosam (châu Âu) phát triển và hoàn thiện tổ hợp tên lửa phòng không SAMP/T sử dụng đạn tên lửa Aster-30.

S-400 – Sự lựa chọn khôn ngoan của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 3.

SAMP/T về dài hạn sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ được tiếp cận công nghệ vũ khí phòng không hiện đại từ phương Tây.

Hai thỏa thuận trên tưởng như riêng biệt, nhưng lại có liên hệ mật thiết với nhau. Với SAMP/T, Ankara có thể yêu cầu Moscow nhượng bộ các điều khoản liên quan tới việc chuyển giao S-400.

Và điều này đã được cụ thể hóa bằng việc Ankara được cung cấp S-400 theo khoản vay do Moscow hỗ trợ và việc chuyển giao công nghệ thông qua việc lắp ráp tổ hợp tên lửa phòng không này trong nước. Trong khi đó, với S-400, Ankara đã gây sức ép rõ ràng lên châu Âu trong việc chuyển giao công nghệ phòng không hiện đại.

Điều trước đây, Ankara rất khó có cơ hội tiếp cận. Điều này có thể thấy rõ khi ngay khi công bố thỏa thuận mua S-400 với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với châu Âu phát triển SAMP/T.

Mặt khác, với hợp đồng cung cấp S-400 với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhanh chóng lấp đầy khoảng trống phòng không tầm trung, xa mà Ankara đang thiếu. Đây là phương án rất hợp lý về ngắn hạn.

Trong khi đó, hợp tác với châu Âu phát triển và hoàn thiện SAMP/T cho phép Thổ Nhĩ Kỳ được học hỏi và hoàn thiện công nghệ hiện đại có thể sử dụng trong tương lai trên các tổ hợp vũ khí phòng không nội địa. Đây chính là hiệu quả rõ ràng về dài hạn.

Như vậy, Ankara đang đi một nước cờ khôn ngoan được cả về kinh tế và chiến lược phát triển quốc phòng lâu dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại