Tiếp cận cự ly gần, Trung Quốc "quan tâm đặc biệt" đến Su-34

Nam Đồng |

Để chuẩn bị cho cuộc thi Aviadarts 2017, nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại của Nga đã được điều động sang đất Trung Quốc.

Nét mới của cuộc thi Aviadarts năm nay đó là thay vì tổ chức tại Nga thì nó lại diễn ra trên đất Trung Quốc, có lẽ đây là lần đầu tiên một lượng lớn máy bay quân sự hiện đại của Nga thuộc đủ các chủng loại như Su-30SM, Su-35S, Su-34 hay Tu-22M3... rời sân nhà để phô diễn đầy đủ sức mạnh trên đất khách.

Tiếp cận cự ly gần, Trung Quốc có ý định đặt mua Su-34? - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu Nga trên đất Trung Quốc

Một trong những loại chiến đấu cơ gây nhiều sự chú ý nhất có lẽ chính là "Thú mỏ vịt" Su-34 bởi thiết kế cũng như các tính năng độc đáo của nó. Sự xuất hiện của Su-34 tại Trường Xuân giúp Không quân Trung Quốc (PLAAF) có nhiều cơ hội tiếp cận và đánh giá nó kỹ càng hơn.

Tiếp cận cự ly gần, Trung Quốc có ý định đặt mua Su-34? - Ảnh 2.

Máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 Fullback đã có mặt tại Trung Quốc

Khác với Tu-22M3 là một phương tiện mang tầm chiến lược, nên Bắc Kinh không thể sở hữu cho dù đã đánh tiếng muốn mua, Su-34 chỉ đơn thuần là thứ vũ khí ở cấp độ chiến thuật, do vậy nếu Trung Quốc muốn tới vài phi đội thì điều này cũng không có gì quá khó khăn.

Hiện tại, Không quân và Không quân Hải quân Trung Quốc (PLANAF) có trong biên chế một loại tiêm kích - bom giữ vai trò tương tự Su-34 đó là JH-7, nhưng dĩ nhiên chiếc "Phi báo" không thể so sánh với "Thú mỏ vịt" ở cả chức năng tấn công mục tiêu mặt đất - mặt nước lẫn không chiến.

Đối với các loại chiến đấu cơ đa nhiệm khác như Su-30MKK, J-16 hay J-15, mặc dù có thể thực hiện gần hết chức năng của Su-34, tuy nhiên chúng vẫn tỏ ra yếu thế nếu phải bay tầm thấp trên quãng đường dài với tải trọng vũ khí lớn nhằm bí mật tiếp cận mục tiêu.

Bởi vậy, việc Quân đội Trung Quốc mua bổ sung Su-32 (phiên bản xuất khẩu của Su-34) nhằm gia tăng khả năng thực hiện đa dạng các loại nhiệm vụ cho PLAAF và PLANAF là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Tiếp cận cự ly gần, Trung Quốc có ý định đặt mua Su-34? - Ảnh 3.

Mẫu thử nghiệm chiến đấu cơ sao chép Su-34 do Trung Quốc thiết kế

Trong quá khứ, Trung Quốc đã "trình làng" một bản đồ họa của chiếc máy bay tiêm kích - ném bom có thiết kế khá giống Su-34, chỉ khác là nó không sử dụng cánh mũi. Điều này cho thấy Bắc Kinh đã quan tâm đến Su-34 từ khá lâu.

Sau khi xuất hiện, chiếc phi cơ bí ẩn trên gần như đã biến mất, có thể do gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật mà bản thiết kế này chưa được hoàn thành.

Nhưng nếu sở hữu một chiếc Su-34 trong tương lai, ngoài việc nâng cấp sức mạnh tức thời, Trung Quốc sẽ có đầy đủ điều kiện để hoàn thiện nốt nguyên mẫu dang dở. 

Chính vì thế, sau khi được tiếp cận ở cự ly gần để đánh giá chi tiết năng lực của Su-34 trong phần thực hành bắn đạn thật tại Aviadarts 2017, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu thương vụ mua bán chính thức được triển khai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại