Căng thẳng leo thang với Ấn Độ, vũ khí hạng nặng Trung Quốc xuất hiện ở biên giới?

Thùy Dương |

Trong khi Ấn Độ cùng với Mỹ và Nhật Bản gửi thông điệp chiến lược tới Bắc Kinh bằng một cuộc tập trận hải quân, quân đội Trung Quốc đã huy động lực lượng ở phía Đông Tây Tạng tiến hành diễn tập bắn đạn thật rầm rộ.

Đây là những động thái rất đáng chú ý trong bối cảnh tranh chấp biên giới leo thang giữa Ấn ĐộTrung Quốc.

Tập trận bắn đạn thật

Theo bản tin trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 18/7, các binh sĩ trang bị súng máy, bệ phóng tên lửa và súng cối đã tập tấn công vào vị trí kẻ thù vào cuối tuần qua.

Binh sĩ Trung Quốc đã sử dụng radar để dò tìm máy bay kẻ thù rồi tấn công bằng súng phòng không, đồng thời sử dụng cả lựu đạn chống tăng.

Toàn một binh sĩ trong một lữ đoàn đã tham gia tập trận. Theo cơ cấu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), một lữ đoàn có từ 4.000 đến 7.000 binh sĩ.

Bản tin của CCTV cho thấy cuộc tập trận diễn ra trong 11 giờ với hàng chục tình huống giả định là một cuộc thử nghiệm về khả năng tác chiến phối hợp của quân đội Trung Quốc.

Bản tin của CCTV không nói rõ thời gian, địa điểm tập trận mặc dù binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đang xảy ra căng thẳng nhất trong nhiều chục năm qua ở khu vực giáp với Bhutan.

Lực lượng tham gia cuộc tập trận đóng quân ở khu vực Linzhi thuộc phía Đông Tây Tạng, gần khu vực căng thẳng. Đây là một trong hai lữ đoàn duy nhất của Trung Quốc đóng quân tại khu vực miền núi cao nguyên ở Tây Tạng.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, một nhà quan sát cho rằng tập trận phô trương sức mạnh có thể một lời cảnh báo cho Ấn Độ. Nhà bình luận quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh nhận định: “PLA muốn chứng minh rằng có thể dễ dàng áp đảo Ấn Độ”.

Trong khi đó, Ấn Độ có gần 200.000 binh sĩ đóng quân ở các khu vực tranh chấp với Trung Quốc, gấp 15 đến 20 lần quân số của lực lượng Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Zhou cho rằng Trung Quốc có lợi thế rõ ràng về tốc độ di chuyển, hỏa lực và hậu cần. Theo ông Zhou, bằng một cuộc tập trận nhỏ, Trung Quốc muốn kiểm soát vấn đề và hạn chế nguy cơ xung đột lớn hơn.

Theo ông Wang Dehua, chuyên gia nghiên cứu Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra chiến tranh ở biên giới năm 1962, một phần vì lãnh đạo bấy giờ của Ấn Độ là Jawaharlal Nehru coi quan điểm nhẹ nhàng của Trung Quốc là “đèn xanh” để lấn tới mà không sợ bị trả đũa.

Ông Wang nói: “Thể hiện với đối thủ là mình đã sẵn sàng chiến đấu có khả năng sẽ ngăn chặn một cuộc chiến thực sự” và việc đưa tin về cuộc tập trận trên CCTV có thể là để trấn an dư luận rằng PLA có lực lượng mạnh ở đó, có khả năng và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức đầu tháng 7 qua.

Theo Sputnik, họ đã đề cập tới một loạt vấn đề và xung đột ở Sikkim chắc chắn đã được đưa ra. Dường như căng thẳng đã giảm sau cuộc gặp của hai lãnh đạo.

Tuy nhiên, giáo sư Srikanth Kondapalli thuộc Đại học Jawaharlal Nehru nói rằng bế tắc giữa hai nước hiện nay có nhiều khía cạnh.

Trước đó, ngày 11/7, nhóm tàu tấn công Mỹ do tàu sân bay USS Nimitz dẫn đầu đã tập trận cùng Hải quân Ấn Độ và Nhật Bản. Thiếu tướng Hải quân Mỹ William Byrne coi cuộc tập trận là một “thông điệp chiến lược” gửi tới Trung Quốc.

Lý lẽ đôi bên

Ngày 18/7, Trung Quốc tuyên bố Ấn Độ không nên lấy việc xâm phạm khu vực Doklam ở Sikkim làm công cụ chính trị để đạt mục tiêu chính trị, đồng thời đề nghị Ấn Độ ngay lập tức rút binh sĩ để tránh leo thang căng thẳng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đang liên lạc chặt chẽ với các phái đoàn ngoại giao ở Bắc Kinh về xung đột với Ấn Độ. Người phát ngôn Lục Khảng của bộ này cho rằng “nhiều nhà ngoại giao nước ngoài ở Trung Quốc đã sốc về vấn đề và muốn xác nhận xem nó có đúng sự thật không”.

Về phần mình, Ấn Độ duy trì quan điểm giải quyết xung đột biên giới hiện nay theo con đường ngoại giao như trước đây. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Gopal Baglay nói rằng các kênh ngoại giao sẵn có giữa hai nước sẽ tiếp tục được sử dụng.

Nhận định về các tuyên bố từ Trung Quốc và báo chí nước này, ông Baglay nói rằng Ấn Độ đã nói rõ quan điểm và cách tiếp cận giải quyết vấn đề.

Các khu vực tranh chấp

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, xung đột hiện nay xảy ra từ cuối tháng 6, khi binh sĩ Ấn Độ ngăn công nhân Trung Quốc thực hiện dự án xây đường ở khu vực biên giới tranh chấp. Để trả đũa, Trung Quốc ngăn một nhóm hành hương Ấn Độ đi qua một con đèo phía Trung Quốc tới núi Kailash, một khu vực linh thiêng ở Tây Tạng dành cho tín đồ Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Căng thẳng leo thang với Ấn Độ, vũ khí hạng nặng Trung Quốc xuất hiện ở biên giới? - Ảnh 1.

Trung Quốc và Ấn Độ tranh chấp nhiều khu vực ở biên giới. Ảnh: SCMP

Một điểm nóng khác trên biên giới hai nước là phía Tây biên giới Ấn Độ giáp với khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Khu vực Aksai Chin do huyện Hotan ở Tân Cương quản lý nhưng Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền các khu vực này, coi đây là các phần thuộc khu vực Ladakh của bang Jammu và Kashmir.

Hai bên biên giới là trọng tâm xung đột kéo dài. Phần lớn hơn nằm về phía Đông ở khu vực biên giới trải dài giữa Bhutan và Myanmar.

Phía biên giới bên Ấn Độ gồm khu vực Arunachal Pradesh, nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khu vực này và gọi đây là Nam Tây Tạng. Ấn Độ kiểm soát tu viện Tawang bên phía biên giới mình, một nguồn cơn gây bất đồng vì tu viện là một trong những khu vực thiêng liêng đối với người Phật giáo Tây Tạng.

Một khu vực nữa cũng bị tranh chấp là vùng đất hẻo lánh mà Trung Quốc gọi là Donglang, giáp ranh với bang Sikkim của Ấn Độ và Bhutan. Khu vực hiện do Trung Quốc kiểm soát.

Trung Quốc và Ấn Độ đàm phán 15 vòng về biên giới từ giữa những năm 1990 nhưng kết quả hạn chế. Biên giới hai nước nhìn chung yên bình, không tiếng súng suốt hơn 50 qua nhưng tranh chấp vẫn âm ỉ.

http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cang-thang-leo-thang-voi-an-do-vu-khi-hang-nang-trung-quoc-xuat-hien-o-bien-gioi-20170718193439518.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại