Sếp Google, sếp IBM và văn hóa lãnh đạo ở Mỹ trong mắt một kỹ sư Việt

Nguyễn Thành Danh |

Ở Mỹ, từ lúc làm công việc chân tay đến khi làm việc trí thức, đa phần khi đi ăn chung, tôi đều được sếp bao. Chưa một lần, chưa lần nào tôi phải bỏ tiền ra bao sếp.

Trong kỳ tiếp theo của tuyến bài "Công dân toàn cầu - Đường ra thế giới", xin trân trọng giới thiệu đến độc giả góc nhìn của anh Nguyễn Thành Danh, hiện đang làm việc tại công ty SADA Systems, Los Angeles, Mỹ về một khía cạnh trong văn hóa công sở ở Mỹ: quan hệ giữa sếp với nhân viên.

Khi mới đến Mỹ, tôi xin làm lao động phổ thông trong một kho hàng lớn để lấy tiền đi học lại. Và chính ở công việc đầu tiên này, tôi đã biết được nhiều điều về văn hóa lãnh đạo ở nước Mỹ.

Đầu tiên là chuyện cậu Vince, một "con ông cháu cha" tiêu biểu xứ Hoa Kỳ. Bố mẹ Vince giữ cổ phần lớn trong công ty, tức là ông bà chủ, là sếp tối cao của kho hàng.  Vince đang học lớp 11, mùa hè rảnh rỗi, cậu ấy vào công ty làm việc kiếm thêm tiền tiêu vặt.

Vince thường là mục tiêu cho mấy chú nhóc ngoài kho hàng khích bác, trêu ghẹo.  Không ít lần, chúng nhại tên Vince thành Vinny (Vince bé tý) làm cậu ấy nổi điên.  Tôi chẳng thể nào quên được cảnh Vince vừa khóc vừa rượt bọn kia chạy khắp kho hàng, còn mấy chú kia vừa chạy vừa cười ha hả.

Điều đó làm tôi rất ngạc nhiên.  Con ông chủ, con sếp mà vậy ư?  

Sếp Google, sếp IBM và văn hóa lãnh đạo ở Mỹ trong mắt một kỹ sư Việt - Ảnh 2.

Lúc ấy, nhớ lại ông sếp mình ở Việt Nam. Ông có thằng cu con be bé đang học cấp một.  Mỗi lần chú nhóc kinh lý vào nơi bố làm việc, thì các cô, các chú, nếu không cưng nó ra mặt thì cũng đố dám chọc. Nó có nghịch ngợm thì các cô chú cũng cười xòa thông cảm mà thôi.

Ở ta, nhân viên cần sếp hơn là ngược lại.  Trong khi đó, sếp Tây cần nhân viên hơn là nhân viên cần sếp.  Bởi thế, bên ta thì nhân viên phải cầu cạnh, biếu xén sếp.  Sếp nhỏ biếu xén sếp vừa, sếp vừa lại biếu sếp to.

Ở Mỹ, cái trật tự đó đảo lộn hết.  Sếp Mỹ muốn chạy việc để cấp trên khen mình, thì phải o bế, chiêu đãi mấy đứa nhân viên để chúng làm việc cho tốt.

Đối xử tệ với chúng ư? Dạn thì nó phê bình thẳng mặt sếp, nhát thì nó báo cáo lên cấp cao hơn, rồi bỏ qua nhóm khác làm cho sếp khác, có khi bỏ luôn công ty kiếm việc làm khác.  Nhất là mấy đứa nhân viên giỏi, chúng mà bỏ qua làm cho công ty đối thủ thì "thôi rồi Lượm ơi".

---

Ở Mỹ, từ lúc làm công việc chân tay đến khi làm việc trí thức, đa phần khi đi ăn chung, tôi đều được sếp bao. Chưa một lần, chưa lần nào tôi phải bỏ tiền ra bao sếp.

Sếp Google, sếp IBM và văn hóa lãnh đạo ở Mỹ trong mắt một kỹ sư Việt - Ảnh 3.

Có khi các bác ấy cũng lấy lại được tiền của công ty, nếu bữa ăn đó có liên quan đến hoạt động hay công việc trong công ty.  Tuy vậy, tôi biết chắc nhiều lần sếp của mình bỏ tiền túi ra mời nhân viên ăn, để tỏ lòng biết ơn họ đã làm việc tốt.

Sếp đi đâu mua quà tặng nhiên viên thì tôi đã thấy nhiều, nhưng ngược lại, chẳng bao giờ thấy đồng nghiệp nào đi du lịch về mà mua quà tặng cho sếp. Một lần tôi được mục kích ông sếp mình năn nỉ một anh kỹ sư đang có ý định bỏ đi qua công ty khác.  Lúc tuyệt vọng rồi ông còn hỏi "Do you want me to dance for you on the table?" (Chẳng lẽ cậu còn muốn tôi leo lên bàn múa cho cậu coi mới chịu hay sao?)

Sếp Google, sếp IBM và văn hóa lãnh đạo ở Mỹ trong mắt một kỹ sư Việt - Ảnh 4.

---

Sau khi ra trường ở Mỹ, tôi làm việc cho một công ty chế tạo thiết bị điện tử, lúc cao điểm có khoảng 4.000 - 5.000 nhân viên, coi như cỡ trung bình.  Công ty có bản doanh ở thành phố Boston, nơi có trường đại học MIT nổi tiếng, không hề ngẫu nhiên vì hai người đồng sáng lập ra công ty đều là cựu sinh viên của MIT.

Lâu lâu các ông sếp lớn trong công ty - CEO, chủ tịch, phó chủ tịch … bay qua chi nhánh ở California để thăm nhân viên và làm việc ít ngày.

Lần đầu gặp ông CEO, tôi ngạc nhiên quá đỗi khi thấy ông thuê xe và tự lái đến công ty, chẳng có "tiền hô, hậu ủng" gì cả.  Vào hãng ông ngồi làm việc trong một cái cubicle (chỗ ngồi) y như một kỹ sư bình thường, không đòi hỏi văn phòng riêng.

Lương của ông cả chục triệu một năm, ở ngoài đời có lẽ cuộc sống rất sang trọng, nhưng đến trưa thì vẫn xuống căng tin xếp hàng mua đồ ăn bình đẳng như mọi người.

Công ty tôi hiện tôi đang làm là một công ty gia đình, trên dưới 200 nhân viên.  Ông bố là kỹ sư, sáng lập công ty, và đóng luôn vai CTO (Giám đốc Kỹ thuật).  Bà mẹ làm CFO (Giám đốc Tài chính).  Anh con trai lớn tốt nghiệp MBA ở Harvard được bố mẹ chọn làm CEO (Giám đốc Điều hành).

Tóm lại, giới chủ toàn là phe ta cả.  Hãng làm ăn được, có đồng ra đồng vào, nên lo cho nhân viên bữa trưa, đặt cơm nhà hàng đem vào (catering).  Mỗi lần đồ nhà hàng dọn ra ngào ngạt quyến rũ, ai cũng đói bụng nên mau mau ra xếp hàng.

Chỉ có hai ông bà chủ ngày nào cũng đợi nhân viên lấy đồ ăn xong hết, hàng trống trơn, rồi mới đến lượt.  Lắm khi, những món ngon đã được đám nhân viên vô tình dọn gần sạch, chẳng biết hai ông bà ăn gì?

---

Nói thêm về tính giản dị, hòa đồng trong công việc của sếp Tây, có lẽ chẳng nơi đâu rõ nét như Google.  Tôi may mắn được làm việc ở đó vài năm, nên cũng học được nhiều điều thú vị.  Chẳng biết có phải vì giới lãnh đạo ở Google còn trẻ, xuất thân từ giới kỹ sư, nhờ tài năng mà trở thành sếp, nên họ không ngại "chen vai, thích cánh" với nhân viên hay không?

Sếp Google, sếp IBM và văn hóa lãnh đạo ở Mỹ trong mắt một kỹ sư Việt - Ảnh 5.

Tuần nào cũng vậy, cuối ngày thứ Sáu có tiệc nhẹ, bộ ba "sếp lớn" Larry Page, Sergey Brin hay Eric Schmidt luân phiên nhau nói chuyện trực tiếp với nhân viên - lúc cuối bao giờ cũng có phần hỏi đáp & trả lời, rất thẳng thắn, công bằng.

Cậu Sergey (tạm gọi vậy vì hắn nhỏ tuổi hơn tôi nhiều) rất thích chơi bóng chuyền với nhân viên.  Ngoài sân là sếp, là người sáng lập Google, trong sân chỉ là bạn chơi bóng chuyền.  Tôi thấy họ chơi sòng phẳng, đập thẳng cánh, không hề có chuyện "em nâng cho anh đập".

Có lần tôi phải đi công tác ở đại bản doanh tại thành phố Mountain View, buổi trưa đang xếp hàng lấy cơm, một lúc có ông nào cao to đang bàn luận chuyện gì say sưa lắm sau lưng, quay lại thì đụng ngay ông Urs Holzle – ông trùm của mạng nhện các trung tâm tính toán của Google khi đó.

Một lần nữa, ngày thứ Sáu, tôi lần mò đến gần sân khấu để nghe cho rõ cậu Larry đang nói gì, suýt nữa thì tông vào ông Vic Gundotra, sếp của hệ điều hành Android, cũng đang lang bang ở đó.  Ông này giỏi và có duyên ăn nói lắm.  Ông ấy giới thiệu sản phẩm mới thì kiến trong lỗ cũng muốn bò ra.  Bọn nhân viên đến sớm đã chiếm hết ghế, sếp to đến trễ cũng phải chầu rìa luôn.

Nói dông dài vậy không phải để khoe, mà tôi chỉ muốn nêu một ý, là phần lớn các sếp to ở Google có tác phong bình dị, gần gũi với nhân viên. 

Trong công việc, họ ra quyết định.  Nhưng trong sinh hoạt thường ngày, họ không khác nhân viên là mấy.  Nhờ vậy, họ dễ dàng nghe được, thấu hiểu va tiếp nhận suy nghĩ, nguyện vọng và cả sáng kiến của cấp dưới. 

Chắc chắn rằng sự thành công vượt bậc của Google một phần lớn là do cái văn hóa làm sếp, văn hóa lãnh đạo của họ.

Sếp Google, sếp IBM và văn hóa lãnh đạo ở Mỹ trong mắt một kỹ sư Việt - Ảnh 6.

Ở Google, sếp không những xếp hàng lấy đồ ăn như nhân viên, mà còn có thể đi biểu tình cùng nhân viên. Ảnh: Sergey Brin diễn thuyết tại cuộc biểu tình của nhân viên Google chống lại sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump. Ảnh: Forbes

Nhân tiện xin chia sẻ với các cụ một chuyện có thể nói là quái lạ ở một số công ty ở Mỹ.  Đôi khi họ đem các sếp lớn ra làm trò đùa cho nhân viên (tôi nghe nói một số công ty ở Việt Nam cũng có chuyện nhân viên diễn kịch chế giễu sếp).  Không phải đùa vô bổ, mà có mục đích đàng hoàng.

Năm đó tôi gần ra trường, xin được công việc thực tập ở IBM.  Lúc gần xong thì công ty có một sự kiện, hình như là để tổng kết nửa năm.  Mọi người tập hợp dưới sân uống bia, lai rai đồ ăn nhẹ.

Vài bài diễn văn, thông báo ngắn.  Nhưng cái đinh của hôm đó là việc đem các sếp lớn đi nhúng nước, tiếng Anh gọi là "water dunking".  Họ thuê một thiết bị đặc biệt, có một thùng nước khổng lồ phía dưới, trên nắp thùng có một ghế ngồi, đủ cho một sếp ngồi vững chãi.

Bên cạnh thùng có một cái đích ngắm.  Nếu có ai lấy trái banh tennis ném trúng vào cái đích, thì cái máy sẽ kích hoạt mở cái đáy ghế, và người ngồi trên đó sẽ rơi tõm vào thùng nước, bảo đảm ướt như chuột lột.

Hôm đó, sếp chi nhánh là một bà, veston chững chạc rơi tõm vào thùng nước trước, và thêm vài sếp nữa.  Nhìn thấy bà lóp ngóp leo ra, quấn cái khăn bông lên bộ cánh sũng nước, thấy tội quá.

Chuyện là thế này, các sếp ở đó phát động phong trào thi đua trích lương cho quỹ từ thiện ở châu Phi.  Phòng, ban hay nhóm nào đóng được nhiều nhất thì được quyền cử người ra nhúng nước sếp.  Đóng nhiều hơn, thì nhúng nước sếp to hơn. Thì ra các sếp tự rước vào thân, không ai ép cả!

** Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại