Hiệu ứng domino "đáng sợ" từ biến đổi khí hậu đang khiến con người lâm vào cảnh khốn cùng

Nguyễn Hằng |

Hệ quả của biến đổi khí hậu có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng và một trong số đó là tình trạng khan hiếm lương thực.

Không ít nghiên cứu đã chỉ ra nhiệt độ gia tăng ảnh hưởng đến khí hậu và mực nước biển. Tuy nhiên, sự nóng lên toàn cầu cũng có thể gây ra một loạt những thảm họa khác.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Peace Research cho thấy, biến đổi khí hậu có thể là tác nhân dẫn tới tình trạng bạo lực do các xung đột xoay quanh vấn đề nguồn lương thực ngày càng khan hiếm. Như quân cờ domino sụp đổ, sẽ kéo theo hàng loạt hệ quả đáng sợ từ biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu được Bear Braumoeller, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học bang Ohio (Mỹ) cùng hai người nghiên cứu sinh tiến sĩ là Benjamin Jones (tại Đại học Mississippi - Mỹ) và Eleonora Mattiacci (tại Đại học Amherst - Mỹ) thực hiện.

Hiệu ứng domino đáng sợ từ biến đổi khí hậu đang khiến con người lâm vào cảnh khốn cùng - Ảnh 1.

Khan hiếm thực phẩm đang trở thành vấn đề đáng lo ngại ở nhiều quốc gia. Ảnh: Inhabitat

Các nhà nghiên cứu cho rằng tình hình thời tiết cực đoan (chẳng hạn như hạn hán và lũ lụt) có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. 

Điều này có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn, xung đột ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề hoặc nguồn lương thực trở nên vô cùng khan hiếm.

Braumoeller cho biết: "Chúng tôi đã bắt đầu nhìn nhận biến đổi khí hậu như là một vấn đề không chỉ dừng lại ở những khu vực giáp biển, mà còn có thể là nguyên nhân gây ra những cuộc tranh chấp vì lương thực ở một số nơi trên thế giới".

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu ghi nhận về những ảnh hưởng của tình trạng mất an ninh lương thực. Các phép đo về "sự tấn công" của mất an ninh lương thực và tình trạng dễ bị tổn thương của các quốc gia cũng được tính đến.

Đối với "cú hích" thay đổi về thực phẩm có liên quan đến biến đổi khí hậu, nhóm nghiên cứu đã phân tích lượng mưa, nhiệt độ, giá cả lương thực quốc tế, trong đó bao gồm cả những "đột biến" giá.

Để xác định những quốc gia dễ bị tổn thương nhất, các nhà nghiên cứu đã phân tích sự phụ thuộc của đất nước vào sản xuất nông nghiệp, nhập khẩu, sự giàu có.

Một giải pháp ngắn hạn là cung cấp viện trợ lương thực để bù đắp sự thiếu hụt, trong khi đó, các nỗ lực dài hạn bao gồm việc củng cố các chính sách "tăng trưởng xanh" nhằm cải thiện nền kinh tế.

Phó giáo sư Braumoeller cho biết, hỗ trợ phát triển là rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại và còn quan trọng hơn trong tương lai khi chúng ta tìm ra những giải pháp để gia tăng khả năng chịu đựng trước tình trạng khí hậu thay đổi, diễn biến khó lường.

Các quốc gia cần phải thống nhất đưa ra các giải pháp mang tính toàn cầu cho vấn đề an ninh lương thực, chú trọng phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường, nỗ lực phấn đấu hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nguồn: Inhabitat, Sciencedaily

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại