Hải quân Nhật Bản đã trở nên lợi hại nhất châu Á như thế nào?

Anh Tuấn |

Theo tạp chí National Interest, lực lượng hải quân Nhật Bản mạnh nhất châu Á hiện nay dù chỉ có 114 tàu chiến và 45.800 người, song đó đều là những tàu hiện đại có thể săn tàu ngầm, đánh chặn tàu chiến cùng các tên lửa đạn đạo của đối phương.

Trên lý thuyết, Hải quân Nhật Bản là một "lực lượng tự vệ", có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ đất nước mà không vi phạm những giới hạn mà hiến pháp nước này đặt ra. Dù vậy, đây được coi là lực lượng hải quân mạnh nhất châu Á hiện nay.

Thành phần chính của Hải quân Nhật Bản là các hạm đội gồm 46 tàu chiến và tàu khu trục, nhiều hơn tổng số tàu chiến của Anh và Pháp cộng lại. Được chia thành nhiều đội tàu, lực lượng hải quân Nhật Bản có mục đích bảo vệ đất nước khỏi các cuộc xâm lược, giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và đảm bảo các tuyến đường biển được thông thoáng.

Tàu chiến lợi hại nhất của Nhật Bản hiện nay gồm 4 tàu lớp Kongo mang tên Kongo, Kirishima, Myoko và Chokai. Cả bốn cái tên này đều được đặt cho các chiến hạm của Phát xít Nhật thời Thế chiến II.

Các tàu lớp Kongo được thiết kế dựa trên tàu lớp Arleigh Burke của Mỹ, và cũng giống như tàu Mỹ, tàu lớp Kongo được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis hiện đại cho phép xác định và đối đầu với các mối đe dọa trên không.

Phần lớn các loại vũ khí trên tàu lớp Kongo đều phục vụ cho mục đích phòng vệ. Mỗi tàu có các tên lửa phòng không SM-2MR và tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA (sau này sẽ được thay thế bằng SM-3 Block IIA). Tàu cũng có một pháo chính, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 6 ống phóng ngư lôi săn tàu ngầm và hai hệ thống phòng vệ tầm gần Phalanx.

Một tàu chiến khác đáng chú ý của Nhật Bản là tàu Izumo. Với lượng giãn nước đầy tải 27.000 tấn và dài gần 250m, Izumo có boong đậu máy bay, một tháp chỉ huy và không lưu và một khoang chứa máy bay lớn.

Nhật Bản gọi tàu Izumo là một tàu sân bay trực thăng, và hiện tại nó có thể chở 14 trực thăng quân sự có chức năng khác nhau, từ săn tìm tàu ngầm đối phương, dò tìm thủy lôi cho đến không kích. Nhờ các loại trực thăng này, Izumo có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Hiện tại, tàu lớp Izumo thứ hai mang tên Kaga đang được chế tạo.

Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Nhật Bản cũng có vai trò rất quan trọng. Nhật Bản đang có 22 tàu ngầm, trong đó bao gồm hai lớp tàu Oyashio và tàu lơp Soryu.

Với lượng giãn nước 4.100 tấn, tàu ngầm lớp Soryu là tàu ngầm lớn nhất của Nhật Bản được chế tạo sau Thế chiến II. Tàu có thể hoạt động bí mật dưới lòng biển tối đa hai tuần và có vận tốc 13 hải lý/giờ khi nổi và 20 hải lý/giờ khi lặn.

Mỗi tàu lớp Soryu có 6 ống phóng ngư lôi, và tàu có 20 ngư lôi định vị mục tiêu Type 89 và tên lửa Harpoon. Tàu Soryu cũng có thể đặt ngư lôi để ngăn chặn các lực lượng xâm lược tiến vào những vùng biển hẹp.

Cuối cùng, Nhật Bản có 3 tàu đổ bộ lớp Osumi. Hình dáng của tàu có phần giống các tàu sân bay cỡ nhỏ, có boong đậu máy bay. Tàu được thiết kế để có thể triển khai xe tăng của quân đội Nhật Bản qua các đảo một cách nhanh chóng, qua đó củng cố khả năng quốc phòng của đất nước.

Tàu Osumi có thể chở tối đa 1.400 tấn hàng, 14 xe tăng Type 10 hoặc Type 90 cùng 1.000 binh sĩ. Mỗi tàu có các xuồng LCAC do Mỹ sản xuất, qua đó các loại khí tài cỡ lớn có thể được đưa vào bờ biển một cách dễ dàng.

Một trong những lý do mà Nhật Bản được coi là lực lượng hải quân mạnh nhất ở Châu Á là bởi, khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản vào ngày 11/03/2011, Phó Đô đốc Hiromi Takashima, chỉ huy của Quân khu Yokosuka đã nhanh chóng ra lệnh tàu bộ các tàu chiến Nhật Bản di chuyển đến khu vực xảy ra thiên tai.

Chỉ 45 phút sau khi thảm họa xảy ra, tàu chiến đầu tiên đã rời cảng và nối tiếp là 17 tàu khác mang hàng cứu trở được triển khai trong 18 giờ sau đó. Việc có thể triển khai quân nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp đã cho thấy sự chuyên nghiệp của hải quân Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại