Việt Nam tận dụng tên lửa R-13M của MiG-21 để chế tạo hệ thống phòng không tầm ngắn

Sao Đỏ |

Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân đang tiến hành dự án chế tạo tổ hợp tên lửa tầm gần sử dụng tên lửa hàng không R-13M.

R-13M, hay còn có tên gọi K-13M (tiếng Nga Р-13М, NATO định danh AA-2C Advanced Atoll) là một biến thể của tên lửa không đối không tầm ngắn Vympel K-13 do Liên Xô chế tạo. R-13M chính thức phục vụ trong biên chế Không quân Liên Xô từ cuối thập niên 1960, nó được nhận xét tương đương với AIM-9G Sidewinder của Mỹ.

Phiên bản tên lửa R-13M có đầu tự dẫn hồng ngoại cải tiến với đầu đạn lắp ngòi nổ cận đích, đây là vũ khí chủ lực của các tiêm kích MiG-21 cũng như Su-22 của Không quân Việt Nam trong một thời gian dài.

Việt Nam tận dụng tên lửa R-13M của MiG-21 để chế tạo hệ thống phòng không tầm ngắn - Ảnh 1.

Tên lửa không đối không tầm ngắn Vympel R-13M

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 1979 - 1981, Việt Nam đã được Liên Xô chuyển giao một số lượng rất lớn tên lửa không đối không R-13M để trang bị cho tiêm kích MiG-21MF.

Hiện nay những "cánh én bạc" MiG-21 không còn tung cánh trên bầu trời, trong khi các chiến đấu cơ thế hệ sau như Su-22/27/30 đều quay sang sử dụng tên lửa hồng ngoại R-60/73 mạnh hơn nhiều lần. Do vậy, số đạn R-13M còn lại trong kho bỗng trở thành hàng dư thừa, cần được hoán cải sang một vai trò mới hữu ích hơn.

Ngay trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, Viện Kỹ thuật Quân sự đã nghiên cứu cải tiến tên lửa không đối không R-13 thành loại đất đối không để chống lại máy bay cường kích AC-130E hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn. Hiệu quả của chương trình trên mặc dù chưa được công bố nhưng đây vẫn là một gợi ý tốt để áp dụng với số tên lửa R-13M còn lại.

Việt Nam tận dụng tên lửa R-13M của MiG-21 để chế tạo hệ thống phòng không tầm ngắn - Ảnh 2.

Hệ thống phòng không tầm thấp của Nam Tư với 2 tên lửa R-13 gắn trên khung gầm xe tải TAM-150

Và mới đây, bài viết "Những sản phẩm từ trí tuệ người lính" đăng trên báo Quân đội nhân dân đã cho biết, Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân bên cạnh việc cải tiến bom thông thường thành bom thông minh, hay tiếp tục thử nghiệm các loại radar mạng pha 3D mới... còn đang tiến hành chế tạo tổ hợp tên lửa tầm gần sử dụng tên lửa hàng không R-13M. 

Nếu được áp dụng những công nghệ dẫn đường và kết nối dữ liệu tiên tiến, hàng trăm quả đạn tên lửa không đối không R-13M dư thừa hứa hẹn sẽ có một "cuộc sống mới".

Ngoài tác dụng tiết kiệm một lượng không nhỏ ngân sách quốc phòng, tên lửa R-13M hoán cải sẽ đóng góp tích cực cho lưới lửa phòng không bảo vệ bầu trời Việt Nam, hỗ trợ đắc lực cho những hệ thống tối tân như SPYDER-SR, Pechora 2TM hay S-300PMU1 hiện đại. 

Đây là một hướng đi vô cùng đúng đắn, cần được khuyến khích cũng như đầu tư thích đáng để sản phẩm nhanh chóng hoàn thiện rồi đi vào phục vụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại