Nga không bán T-72 nâng cấp, Việt Nam sẽ phải mua thêm T-90MS?

Nam Đồng |

Khả năng rất lớn Nga sẽ không đồng ý bán các trang thiết bị quân sự dư thừa trong kho nhằm bảo toàn thị phần cho vũ khí sản xuất mới.

Sau khi xuất hiện các thông tin cho rằng Lục quân Việt Nam có thể đặt mua xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS, đã xuất hiện ý kiến cho rằng do đơn giá rất cao (khoảng 5 triệu USD), chúng ta chỉ nên mua một số lượng nhỏ làm mũi nhọn, còn lại hãy học tập Quân đội Nga trang bị thêm các phiên bản T-72 nâng cấp để tác chiến bên cạnh theo mô hình cao - thấp thường thấy.

Điều này càng có ý nghĩa hơn khi gần đây Nga liên tiếp giới thiệu các biến thể mới của T-72 như T-72B3M (T-72B4) hay chiếc T-72M1M đặc biệt vừa xuất hiện tại Triển lãm Quốc phòng ADEX 2016 tổ chức ở Azerbaijan.

Xe tăng T-72 sau khi được hiện đại hóa có năng lực tác chiến không thua kém nhiều so với T-90, ngang ngửa Leopard 2A6, M1 Abrams, hay Type 96B, trong khi giá thành lại rẻ hơn đáng kể, rất phù hợp với các quốc gia có ngân sách quốc phòng còn hạn hẹp.

Nga không bán T-72 nâng cấp, Việt Nam sẽ phải mua thêm T-90MS? - Ảnh 1.

Xe tăng T-72M1M thế hệ mới được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng ADEX 2016

Tuy nhiên vào thời điểm này, khả năng Nga đồng ý bán T-72 nâng cấp cho Việt Nam hay bất cứ nước nào khác là rất khó, họ chỉ đang tiến hành hiện đại hóa T-72 cũ lên chuẩn B3/B4 để trang bị riêng cho quân đội của mình.

Quân đội Nga đã ngừng đặt hàng T-90 để chờ đợi T-14 Armata hoàn thiện, giới chức quốc phòng lại không thể tạm đóng cửa nhà máy sản xuất vì sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực cũng như làm xuất hiện nhiều vấn đề an sinh xã hội do công nhân kỹ thuật cao bị mất việc làm.

Hơn thế nữa, Nga hiện chỉ duy trì năng lực sản xuất phục vụ sẵn sàng chiến đấu chứ họ không giữ tư duy thời Liên Xô là chế tạo thật nhiều rồi lưu kho, sẽ cần nguồn kinh phí cực lớn, tiềm lực nước Nga hiện tại không thể đáp ứng được, mà lúc cần dùng thì hàng niêm cất bảo quản lại đã trở nên lạc hậu.

Nga không bán T-72 nâng cấp, Việt Nam sẽ phải mua thêm T-90MS? - Ảnh 2.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 trong cuộc thi Tank biathlon

Mặc dù Nga vẫn cung cấp T-72 cũ cho một vài đồng minh như Mông Cổ hay mới đây nhất là Syria, nhưng dễ dàng nhận thấy các quốc gia trên hoặc là phên dậu - tuyến phòng thủ từ xa, hoặc đang trong tình trạng chiến tranh cần viện trợ vũ khí gấp...

Trường hợp trên cũng tương tự việc Nga "biếu tặng" Belarus và Kazakhstan các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PS trong tình trạng niêm cất bảo quản, nhưng họ vẫn nhất quyết không bán đồ cũ để bảo toàn thị phần cho S-30PMU1/2 hay S-400.

Nếu Nga đồng ý bán T-72B3/B4 cho nước ngoài chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số của T-90, đe dọa nghiêm trọng đến nền sản xuất nội địa, trong khi số tiền thu về lại chẳng thể so sánh với bán vũ khí mới.

Chính vì vậy, khả năng lớn là kế hoạch mua T-72B3/B4 để tạo thành đội hình tác chiến hỗn hợp với T-90MS sẽ rất khó trở thành hiện thực. Trong tương lai, nếu muốn tiếp tục đưa lục quân tiến thẳng lên hiện đại, có lẽ Việt Nam phải đặt hàng số lượng lớn T-90 hay thậm chí là T-14 Armata.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại