Chuyên gia VN bật mí tuyệt chiêu "vít cổ, hạ nhục" pháo đài bay B-52 bằng... mắt thường!

Trần Minh Thành |

Bên cạnh các thủ pháp từ các đài tên lửa "vạch mặt" B-52 trong nhiễu, Bộ đội phòng không còn sử dụng các giải pháp khác, phối hợp nhận dạng B-52 trên hướng và độ cao vào đánh phá.

Trong 12 ngày đêm chống trả Cuộc tập kích đường không của Không quân chiến lược Mỹ, đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12-1972, bên cạnh các thủ pháp từ các đài radar tên lửa "vạch mặt" B-52 trong nhiễu, Bộ đội Phòng không Việt Nam còn sử dụng các giải pháp khác, phối hợp nhận dạng B-52 trên hướng và độ cao vào đánh phá.

Nhờ vậy, bộ đội tên lửa liên tiếp vít cổ B-52, góp phần vào chiến thắng, đánh gục uy thế pháo đài bay Mỹ.

Trong một tài liệu viết tay của nguyên Đại đội trưởng Đại đội radar 45 Đinh Hữu Thuần, chốt tại trận địa Đồi Si (Nghệ An), ông viết: "Các trắc thủ đài sóng mét và centimet của Đại đội 45 qua nhiều năm cọ sát với các tín hiệu máy bay B-52 và các loại máy bay chiến thuật trong nhiễu đã có nhiều kinh nghiệm "vạch nhiễu tìm thù".

Đài radar P-35 có đài trưởng và trắc thủ biết điều chỉnh tỷ lệ tín hiệu trên nền nhiễu tạp theo từng giai đoạn, chuyển chế độ làm việc sáng tạo, bảo đảm phát hiện B-52 sớm và đúng, thông báo sớm cho các đơn vị hoả lực chủ động đón đánh.

Đài radar đo cao PRV-11, trắc thủ Đại đội 45 sử dụng có nhiều kinh nghiệm. Đài này từng bị tên lửa sa-rai của Mỹ bắn thẳng vào bệ anten PVK tại Nghệ An, mất sức chiến đấu. Trắc thủ PRV-11 từng phát huy tính năng tia sóng hẹp, công suất lớn của đài, có những thao tác rất hiệu quả".

Được biết, đài này công suất máy phát tới 1.800kw, tia sóng chỉ hẹp 1 con số, tính bằng độ. Khi dừng anten chiếu xạ trực tiếp vào tốp mục tiêu, nhiễu bị suy hao đi đáng kể, B-52 có thể lộ ra dưới dạng tín hiệu nhìn thấy, hoặc lộ ra dải nhiễu đặc trưng của chúng.

Chuyên gia VN bật mí tuyệt chiêu vít cổ, hạ nhục pháo đài bay B-52 bằng... mắt thường! - Ảnh 1.

Đài radar đo cao PRV-11.

Nhờ vậy, giúp các SCH nhanh chóng khẳng định máy bay B-52 vào các khu vực. Các trận địa tên lửa có chỉ số độ cao "tương đối chính xác" để khi phát sóng là nhận diện nhanh tốp B-52.

Đài đo cao PRV-11 góc anten quét theo góc "chúc-ngẩng", tuy thế nó có thể quét nhìn vòng bằng mô-tơ, thay vì quay tay theo các giẻ quạt hẹp. Trên đài có các màn hình quét theo nhiều chế độ, lên-xuống, lật quạt.

Nhưng tại các osilo kiểm tra ở các tủ, tín hiệu mục tiêu còn thể hiện dạng sóng biên độ. Hai người (đài trưởng và trắc thủ) nếu phối hợp tốt có thế cùng nhận ra tại phương vị X, tín hiệu có biên độ cao nhất, rõ nhất.

Trong lòng sóng có sự chuyển động "co-bóp" khác nhau, giúp cho đài có thể xác định được các tốp F và B-52. Như thế có tác dụng chỉ chuẩn, so sánh và loại suy đúng, giúp ta không bắn nhầm, giúp chỉ chuẩn đúng phương vị đón bắt B-52 để tiêu diệt.

Tuy nhiên, do đài PRV-11 "quý hiếm", ta chỉ có trên đầu ngón tay, thường giành để phục vụ đo chênh cao trong dẫn đường cho không quân, nên không thể đi cùng các trung đoàn tên lửa để "chỉ chuẩn phối hợp" cùng các phương tiện khác.

Hơn nữa khi dừng anten, chiếu xạ vào mục tiêu, PRV-11 thường bị sơ-rai bám cánh sóng tấn công, dễ bị tổn thương.

Nhưng các chỉ huy radar khẳng định, PRV-11 phối hợp xác đinh độ cao tốp mục tiêu khá chính xác, tại các đơn vị cảnh giới, dẫn đường, giúp chỉ huy phân biệt và quyết đoán trong chặn đánh B-52.

Chuyên gia VN bật mí tuyệt chiêu vít cổ, hạ nhục pháo đài bay B-52 bằng... mắt thường! - Ảnh 2.

Máy bay B-52 Mỹ.

Những trắc thủ quang học quả cảm

Trên nóc anten xe thu phát sóng thuộc tổ hợp tên lửa C-75, có hai vị trí công tác, trong một "chuồng cu", nơi đó hai trắc thủ quang học, quan sát bằng kính ngắm bội số lớn dòng TZK. Gọi là trắc thủ PA-00.

Đây là vị trí nguy hiểm, vì chính diện hướng tên lửa sơ-rai lao vào đánh phá đài điều khiển. Khác với các xe chiến đấu khác có công sự che chắn. Ở đây bốn bề trống hoác.

Tuy vậy tác dụng của hai trắc thủ PA-00 khá quan trọng. Khi B-52 vào đánh phá ban đêm, (và cả ban ngày) hai trắc thủ có thể điều khiển tay quay, hướng đài tới phương vị nghi vấn, góc tà nghi vấn, quan sát mục tiêu trực tiếp bằng mắt.

Cự ly phát hiện có thể ngoài 12km. Tuy các anh không lái đạn, nhưng có tác dụng "chỉ chuẩn" hướng góc, để kíp chiến đấu đón góc chuẩn, phương vị chuẩn, bất ngờ phát sóng, nhanh chóng thao tác, phóng đạn.

Từ tháng 6 năm 1972, trong một trận, Tiểu đoàn tên lửa 57 vào chiến đấu. Nhiễu quá nặng, sĩ quan điều khiển không bắt được mục tiêu. Trên "chuồng cu" hai trắc thủ quang học PA-00, sử dụng kính TZK là Đoàn Văn Súc, Nguyễn Đình Thanh báo cáo, nhìn thấy mục tiêu và vê tay quay theo tầm nhìn.

PA-00 đồng bộ với sen-sơ của 3 trắc thủ trong xe, kíp chiến đấu đã căn cứ vào tầm, hướng PA-00 để "so kim", thống nhất bám sát vào dải nhiễu và phóng đạn. Kíp chiến đấu phóng 2 quả đạn, trúng mục tiêu. Tiếng hô mục tiêu bị diệt, vang lên sớm nhất cũng từ 2 trắc thủ PA-00.

Chuyên gia VN bật mí tuyệt chiêu vít cổ, hạ nhục pháo đài bay B-52 bằng... mắt thường! - Ảnh 3.

" Chuồng cu" của 2 trắc thủ PA-00 trên nóc đài điều khiển tên lửa SAM-2.

Chiếc F-4 rơi từ độ cao 4.000 mét xuống cánh đồng Đại Kim, Thanh Trì. Đơn vị lập công bắn rơi chiếc thứ 3.700 trên miền Bắc. Đây là chiếc máy bay đầu tiên được trên công nhận "bắn rơi tại chỗ" ngay trên Thành phố Hà Nội.

Theo lời nhiều trắc thủ đã trực tiếp chiến đấu đánh B-52 trong chiến dịch 12 ngày đêm, tổ hợp PA-00 với tầm quan sát phù hợp, do không thể bị gây nhiễu đã đóng góp rất lớn vào việc tiêu diệt các máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ.

Tại Tiểu đoàn 77, trong 12 ngày đêm và trước đó, trắc thủ PA-00 Nghiêm Xuân Danh trong nhiều trận đánh B-52 cũng sử dụng trang bị "so kim", "chỉ chuẩn" này, góp phần cùng tiểu đoàn tại trận địa Chèm và khu vực phụ cận đánh gục nhiều B-52, trên hướng Bắc đánh vào Hà Nội.

Đài "chỉ chuẩn" từ khí tài dẫn bắn pháo

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phan Thu, vốn là kỹ sư vô tuyến, thuộc đơn vị trinh sát, phân tích nhiễu kể lại: "Trong suốt thời gian hoạt động trinh sát nhiễu, chúng tôi không thu được nhiễu rãnh sóng 3cm của địch. Như vậy, B-52 chưa gây nhiễu dải sóng 3cm đối với các loại radar phòng không".

Ông nói: Thực tế, không phải người Mỹ lơ là bỏ qua việc gây nhiễu ở dải sóng này. Trên B-52 có lắp một máy gây nhiễu ALR-18, nhưng loại máy nhiễu này được dùng chủ yếu để đối phó với radar của máy bay đánh chặn MiG-21, do đó, anten gây nhiễu lại hướng về phía đuôi B-52. Vì vậy, không ảnh hưởng đến các radar dưới mặt đất.

Trong lực lượng phòng không của ta có trang bị một loại radar làm việc ở rãnh sóng 3cm, đó là đài radar bắt mục tiêu K8-60 thường dùng dẫn bắn cho pháo cao xạ 57mm, do Trung Quốc chế tạo.

Đài K8-60 làm việc ở 2 rãnh sóng 10cm và 3cm. Từ loại khí tài cũ này đã bật lên ý tưởng cho các kỹ sư, rằng nếu ghép với đài điều khiển tên lửa, sẽ cho phép chỉ điểm mục tiêu rất lợi hại.

Từ tháng 11/1971, các cán bộ trinh sát nhiễu cùng cán bộ phòng nghiên cứu kỹ thuật đã đề xuất lên Quân chủng PK-KQ dùng radar có bước sóng thích hợp này, ghép và truyền phần tử mục tiêu tới đài điều khiển tên lửa, để thống nhất hướng, góc có B-52, bộ khí tài này được gọi chung là KX.

Chuyên gia VN bật mí tuyệt chiêu vít cổ, hạ nhục pháo đài bay B-52 bằng... mắt thường! - Ảnh 4.

Đài radar K8-60.

Kết quả, trong 2 tháng đầu năm 1972, khí tài KX đã bắt được mục tiêu 18 lần, trong đó có 2 lần bắt được B-52 và 16 lần bắt được máy bay chiến thuật. Cự ly bắt được khoảng 40 km, có lần là 60 km, bám tự động chính xác 30 km.

"Tháng 11- 1972, nhóm còn tiến hành một cuộc thử nghiệm bằng máy bay Il-28 và một MiG-21 của ta. Kết quả, phần tử mục tiêu của 2 đài radar đều trùng khít với nhau", Trung tướng Phan Thu kể tiếp.

Thế là 6 bộ khí tài tên lửa S-75 Dvina ở Hà Nội trong những ngày chuẩn bị đánh B-52 được lệnh lắp gấp. Nhưng chỉ mới có 2 bộ hoàn thành được. Do thời gian đã quá gấp gáp. Đó là khí tài của Tiểu đoàn 79 Trung đoàn 257 bố trí ở Nam sông Hồng và Tiểu đoàn 57 Trung đoàn 261 bố trí ở Bắc sông Hồng".

Thực chiến trong chiến dịch 12 ngày đêm, Tiểu đoàn 57 đã tận dụng tốt thông báo phần tử mục tiêu từ radar K8-60 để đánh B-52. Trong trận đánh rạng sáng ngày 21-12, chỉ trong 10 phút, Tiểu đoàn 57 đã đánh một trận xuất sắc, bắn rơi 2 chiếc B-52 bằng 2 quả đạn S-75.

Đặc biệt, ở Tiểu đoàn 79 đã bắn rơi một B-52 hoàn toàn bằng phương pháp "so kim" thống nhất phần tử với radar K8-60.

Thấy rõ hiệu quả của đài K8-60, sau ngày 25-12, Bộ Tư lệnh Quân chủng cho sử dụng toàn bộ đài K8-60 có trên địa bàn Hà Nội để bắt B-52.

Lệnh, nếu bắt được mục tiêu thì thông báo ngược về các sở chỉ huy trung đoàn, sư đoàn phòng không cho đến tận Sở chỉ huy Quân chủng. Điều này khiến cho chỉ huy các hướng, chủ động lệnh sớm cho các phân đội hoả lực đón đánh trúng và đúng B-52.

Chuyên gia VN bật mí tuyệt chiêu vít cổ, hạ nhục pháo đài bay B-52 bằng... mắt thường! - Ảnh 5.

Các chuyên gia Liên Xô xem mảnh vỡ máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ ngày 23/12/1972 ở Hà Nội.

Cùng với các kinh nghiệm từ trận đánh trước, từ ngày 26-12 trở đi (ngày mở trận then chốt chiến dịch) cho đến khi kết thúc chiến dịch chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi ròn rã hơn.

Nhìn thấy địch, biết rõ địch là yếu tố đầu tiên chặn đánh chúng hiệu quả. Các trắc thủ tên lửa một phần nhờ các phương tiện "so kim", "chỉ chuẩn" đã "đón sóng" đúng hướng, tầm, đúng lúc B-52 vào, chọn thời cơ phát sóng, phóng đạn ở cự ly hiệu quả, giành chiến thắng, trong tình huống nhiễu B-52 và các máy bay Mỹ dày đặc.

Minh chứng sức sáng tạo của chiến sĩ Việt Nam, phát huy cao nhất tính năng khí tài của bạn bè, đánh thắng đối phương ròn rã.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại