NBC- nỗi khủng khiếp của chiến tranh
Vũ khí hủy diệt lớn - thường viết tắt là NBC, bao gồm: vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học là những thứ vũ khí hết sức nguy hiểm, có sức công phá rất mạnh, hiệu suất cao, tác động trên diện rộng, để lại hậu quả lâu dài... đối với các bên tham chiến cũng như môi trường, cảnh quan khu chiến.
Tuy gộp chung vào một cái rọ "Vũ khí hủy diệt lớn" (VKHDL), song mỗi loại vũ khí trên đều có cơ chế hoạt động và tác động tới con người cũng như trang bị vũ khí khác nhau.
1. Vũ khí hạt nhân (N): là loại vũ khí mà năng lượng của nó do các phản ứng phân hạch hoặc nhiệt hạch gây ra. Theo thuyết tương đối của Anh-x-tanh thì khi có m khối lượng vật chất chuyển hóa hoàn toàn thành năng lượng nó sẽ sản sinh ra một năng lượng cực lớn là E= mc2, trong đó c là vận tốc ánh sáng.
Trong các phản ứng hạt nhân - kể cả phân hạch và nhiệt hạch thì đều có một sự "hụt khối" nhất định, nghĩa là có một lượng vật chất biến hóa hoàn toàn thành năng lượng. Vì vậy, một vũ khí hạt nhân nhỏ nhất cũng có sức công phá lớn hơn bất kỳ vũ khí thông thường nào.
Năng lượng được giải thoát bởi vụ nổ bom hạt nhân được đo bằng kiloton hoặc megaton - tương đương với hàng ngàn và hàng triệu tấn thuốc nổ TNT (tri-nitro-toluen). Vũ khí phân hạch đầu tiên có sức công phá đo được là vài ngàn kiloton, trong khi vụ nổ bom khinh khí lớn nhất đo được là 10 megaton.
Sức hủy diệt của vũ khí hạt nhân. Ảnh minh họa.
Trên thực tế vũ khí hạt nhân có thể tạo ra các sức công phá khác nhau, từ nhỏ hơn một kiloton ở các vũ khí hạt nhân cầm tay như Davy Crockett của Hoa Kỳ cho đến 54 megaton như Bom Sa hoàng (Tsar-Bomba) của Liên Xô.
Trong lịch sử thế giới có hai quả bom hạt nhân đã được dùng trong Chiến tranh thế giới thứ hai: quả bom thứ nhất được ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào ngày 6 tháng 8 năm 1945; quả thứ hai được ném xuống Nagasaki, cũng ở Nhật Bản ba ngày sau đó làm chết khoảng hơn 200.000 người, hai thành phố bị tàn phá nặng nề và hậu quả để lại đến tận ngày nay.
Năng lượng từ vụ nổ vũ khí hạt nhân thoát ra ở bốn dạng và đó cũng chính là các tác nhân gây hại của nó. Cụ thể:
Bức xạ nhiệt - chiếm khoảng 30- 50% tổng năng lượng. Với cường độ cực lớn, nhiệt độ cực cao bức xạ nhiệt sẽ thiêu hủy hoàn toàn các vật thể ở gần tâm vụ nổ, đồng thời gây cháy với các vật thể khác như vũ khí thông thường.
Sóng xung kích - chiếm khoảng 40- 60% tổng năng lượng. Nhìn chung, các vụ nổ hạt nhân đều tạo ra sóng xung kích lan truyền rất nhanh ra xung quanh, tạo một áp lực rất lớn lên tất cả các vật thể nó gặp trên đường. Và chính áp lực này sẽ phá hủy chúng như các loại vũ khí thông thường song quy mô và sức tàn phá thì mạnh gấp nhiều lần.
Bức xạ xuyên - chiếm khoảng 5% tổng năng lượng. Các vụ nổ hạt nhân đều tạo ra các tia phóng xạ, bao gồm tia gam-ma, bê-ta, an-pha và nơ-tron. Các tia này có khả năng xuyên thấu qua nhiều loại vật cản gây sát thương cho sinh lực ở sau nó.
Bức xạ dư - chiếm khoảng 5- 10% tổng năng lượng. Sau khi vụ nổ hạt nhân xảy ra, rất nhiều vật chất, nguyên tố chịu ảnh hưởng và biến thành các nguyên tố phóng xạ. Các nguyên tố này tiếp tục hoạt động tạo ra bức xạ và gây hại cho sinh vật đến nhiều năm sau vụ nổ.
Ngoài ra, các loại vũ khí hạt nhân còn gây ra hiệu ứng điện từ có thể phá hủy hoặc gây can nhiễu đến các thiết bị điện, điện tử... như hệ thống điện, các phương tiện chỉ huy thông tin, radar v.v...
Hiệu ứng quan trọng nhất của vũ khí hạt nhân là áp lực và bức xạ nhiệt có cơ chế phá hủy giống như các vũ khí quy ước. Sự khác biệt cơ bản là vũ khí hạt nhân có thể giải thoát một lượng lớn năng lượng tại một thời điểm.
Mức độ tàn phá của ba loại năng lượng đầu tiên khác nhau tùy theo kích thước của bom. Bức xạ nhiệt suy giảm theo khoảng cách chậm nhất, do đó, bom càng lớn thì hiệu ứng phá hủy do nhiệt càng mạnh. Bức xạ xuyên bị suy giảm nhanh chóng trong không khí, nên nó chỉ nguy hiểm đối với các vũ khí hạt nhân hạng nhẹ.
Sóng xung kích suy giảm nhanh hơn bức xạ nhiệt nhưng chậm hơn bức xạ ion. Ngoài ra, tất cả các tác nhân trên đều bị suy giảm tác động khi gặp phải các vật che đỡ như công sự, hầm hào hay vỏ thép của xe tăng...
Xe tăng T-90 phô diễn sức mạnh.
2. Vũ khí hóa học (C): là loại vũ khí sử dụng chất hóa học (thường là chất độc quân sự) gây tổn thương, nguy hại trực tiếp cho người, động vật và cây cỏ; là một trong những loại vũ khí hủy diệt lớn gây chết người hàng loạt.
Vũ khí hóa học dựa trên đặc điểm độc tính cao và gây tác dụng nhanh của chất độc quân sự để gây tổn thất lớn cho đối phương. Các loại vũ khí hóa học chính bao gồm: Vũ khí hóa học gây ngạt; Vũ khí hóa học gây tổn thương thần kinh; Vũ khí hóa học gây loét da; Vũ khí hóa học diệt cây...
So sánh với vũ khí thông thường vũ khí hoá học có các đặc điểm sau:
- Tác dụng sát thương chủ yếu bằng độc tính của chất độc quân sự;
- Phạm vi sát thương rộng;
- Thời gian tồn tại tác hại lâu dài;
- Chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và địa hình;
Các con đường trúng độc thường là: hô hấp, tiêu hóa và tiếp xúc. Vì vậy, để ngăn chặn tác động của vũ khí hóa học thì cần phải cách ly được người với chất độc trên cả 3 con đường trên.
Vũ khí hóa học đã được sử dụng ở nhiều nới trên thế giới, đặc biệt trong chiến tranh Việt Nam. Tại đây Mỹ đã sử dụng một lượng lớn chất diệt cỏ trên một phạm vi rất rộng, để lại di hại đến tận bây giờ.
3. Vũ khí sinh học (B): là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt dựa vào đặc tính gây bệnh hay truyền bệnh của các vi sinh vật như vi trùng, vi khuẩn; hoặc các độc tố do một số vi trùng tiết ra để gây mầm bệnh hay cái chết cho con người, cho động vật hoặc cây trồng, đưa đến những hậu quả không thể lường trước được, tùy thuộc vào khả năng lan truyền của chúng trong cơ thể động vật hay cây trồng.
Trong chiến tranh sinh học những bệnh tật đáng sợ nhất là do những tác nhân lan truyền qua nước, bụi hay động vật, có khả năng gây bệnh cao.
Đó là dịch hạch, dịch tả, những bệnh do virus gây ra như sốt vàng da, bệnh virus vẹt, cúm, những bệnh do trùng rận gây ra như sốt chấy rận, những bệnh do độc tố trong thức ăn, nước uống gây ra ngộ độc hàng loạt.
Những đặc điểm lý tưởng của các vũ khí sinh học là dễ lây nhiễm, hiệu lực cao, dễ phát tán... Vũ khí sinh học không phá hủy các công trình kiến trúc, cơ sở vật chất kỹ thuật như cầu cống, đường sá,...
Các con đường nhiễm vũ khí sinh học cũng bao gồm: hô hấp, tiêu hóa và tiếp xúc. Tuy nhiên, nó nguy hại hơn vũ khí hóa học ở khả năng lây nhiễm giữa người với người, giữa động vật với người. Để phòng chống vũ khí sinh học cũng phải cách ly tuyệt đối con người với các tác nhân gây nhiễm theo cả ba con đường trên.
Vũ khí sinh học cũng đã được sử dụng ở một vài nơi nhưng chủ yếu ở dạng thử nghiệm trên quy mô nhỏ bởi tác hại của nó rất khó lường, có khi gây hại cả cho bên sử dụng.
Xe tăng T-90MS.
Với xe tăng hiện đại như T-90MS, NBC không quá đáng sợ
Lục quân Việt Nam đã được xác định tăng tốc hiện đại hóa trong thời gian tới, trong đó, xe tăng chiến đấu chủ lực sẽ được ưu tiên. Trong trường hợp Việt Nam mua xe tăng T-90MS, liệu vũ khí NBC có đáng sợ không?
Với thế mạnh có vỏ thép dày, bản thân xe tăng T-90MS đã là một vật che chắn hiệu quả đối với kíp xe trước các tác nhân gây hại chủ yếu của vũ khí hạt nhân.
Nếu ở không quá gần tâm vụ nổ và được làm kín tốt, nó sẽ hoàn toàn cách ly được kíp xe với thế giới bên ngoài và do đó ngăn cản được các tác nhân gây hại của vũ khí hạt nhân, chất độc hóa học và các nguồn gây bệnh.
Dựa trên nguyên lý đó người ta đã thực hiện thành công "Hệ thống bảo vệ chống vũ khí NBC" cho xe tăng hiện đại như T-90MS, đảm bảo cho chúng hoàn toàn có thể tác chiến trong điều kiện đối phương sử dụng vũ khí NBC.
Để thực hiện được yêu cầu trên, hệ thống bảo vệ chống vũ khí NBC của xe tăng T-90 MS cũng như các loại xe khác thường bao gồm các thiết bị chủ yếu sau:
Thiết bị cảm biến: có nhiệm vụ phát hiện nhanh nhất vụ nổ hạt nhân, qua đó tự động thực hiện các thao tác phòng chống. Đó thường là một buồng i- on rất nhạy với bức xạ quang của vụ nổ.
Đối với vũ khí hóa học và sinh học kíp xe phát hiện qua các dấu hiệu nhận biết hoặc từ thông báo của cấp trên. Riêng đối với xe tăng T-90MS đã được trang bị thiết bị trinh sát hóa học ПКУЗ-1-2, có thể nhận biết khi chất độc hóa học xuất hiện và báo hiệu cho kíp xe.
Xe tăng T-90MS. Ảnh minh họa.
Các thiết bị làm kín: có nhiệm vụ bịt kín tất cả những chỗ hở cần thiết của xe tăng khi hoạt động, chiến đấu bình thường như: lỗ bắn súng, cửa kính ngắm, cửa khí v.v... nhằm ngăn chặn sóng xung kích, chất độc hóa học cũng như tác nhân gây dịch bệnh đến kíp xe.
Các thiết bị này có thể hoạt động ở 2 chế độ: tự động đóng kín bằng cách gây nổ cho hạt nổ trên thiết bị khi có tín hiệu từ cảm biến báo về hoặc đóng mở bằng tay.
Máy tăng áp: có nhiệm vụ lọc sạch không khí để cung cấp cho kíp xe và tạo ra một áp suất dư bên trong xe tăng với bên ngoài, đảm bảo nếu có khe hở nào đó chưa được bịt kín thì không khí bên ngoài cũng không thể tràn vào được.
Khi vũ khí hạt nhân nổ, ánh sáng từ vụ nổ chiếu đến thiết bị cảm biến. Thiết bị này lập tức làm việc, cấp điện cho các hạt nổ tại các thiết bị làm kín phát nổ và tất cả các vị trí cần làm kín sẽ được bịt kín ngay tức thì. Đồng thời, nó cũng ra lệnh cho quạt tăng áp làm việc để đảm bảo lọc sạch không khí đưa vào xe.
Trường hợp cần tác chiến trong vùng nhiễm xạ thì sau khi bức xạ quang và sóng xung kích tràn qua, kíp xe sẽ mở những vị trí cần thiết nhất như cửa kính ngắm, khóa nòng pháo... song yêu cầu phải thao tác thật nhanh.
Khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của cấp trên hoặc quân bạn là có vũ khí hóa học hoặc vũ khí sinh học kíp xe sẽ thực hiện các thao tác làm kín và bật quạt tăng áp bằng tay. Sau đó dùng tốc độ cao vượt qua khu vực nhiễm độc, nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên, tất cả các trường hợp trên, sau khi kết thúc chiến đấu đều phải đưa xe về khu vực cách ly để tiến hành tẩy xạ, tẩy độc bằng trang thiết bị và hóa chất chuyên dùng.