Lá bùa "giữ chân" Tây Môn Khánh và muôn kiểu bùa yêu trong xã hội phong kiến TQ

Trần Quỳnh |

Từ thời xa xưa, những loại "vu thuật" như đồng cốt, bùa chú, cổ thuật… đã hết sức thịnh hành trong cả giới quý tộc và các tầng lớp bình dân Trung Hoa.

Các loại bùa yêu được gọi chung là "mị thuật" là "sản phẩm" của các thầy mo, thầy pháp đã ra đời từ rất sớm và được cổ nhân… dùng nhan nhản!

Cho tới ngày nay, công dụng thực sự của những loại bùa yêu thời cổ đại đã không thể tiến hành kiểm chứng. Sự xuất hiện của chúng chỉ được ghi lại qua một số tư liệu và đều mang màu sắc mê tín dị đoan.

Muôn kiểu "giữ chân" tình nhân của phụ nữ phong kiến

Các loại hình bùa yêu được sử dụng phổ biến bắt đầu từ thời nhà Đường. Bấy giờ, dân chúng thường dùng bùa chú vào nhiều mục đích như cầu bình an, cầu con cái, cầu tình yêu, đuổi bệnh tật…

Đó cũng là lý do bùa chú thời Đường không chỉ "nở rộ" và mặt chủng loại mà còn phong phú về cách thức sử dụng. Những hình thức dùng bùa như đeo, nuốt, đốt… đều có mặt vào thời kỳ này.

Vào triều nhà Đường, hai loại bùa yêu phổ biến nhất thường được phụ nữ sử dụng có tên là "Hòa hợp chú" và "Lạp ca thần phú chú". Cả hai loại bùa chú này đều từng xuất hiện trong một số tư liệu lịch sử, tiêu biểu là "Vạn pháp tàng điển" và "Linh nghiệm thần phù đại quan".

Khách hàng chủ yếu của hai loại bùa này là những phu nhân muốn "giữ chân" người chồng, hoặc các tiểu thư đang tương tư đơn phương.

Theo đó, hai loại bùa trên chỉ cần đặt trên người đối tượng hằng mong nhớ, hoặc cho người đó uống là chuyện tình cảm có thể "được như ý nguyện".

Lá bùa giữ chân Tây Môn Khánh và muôn kiểu bùa yêu trong xã hội phong kiến TQ - Ảnh 1.

Bùa yêu thời phong kiến cũng là chiêu thức "giữ chân" tình lang của phụ nữ cổ đại. (Tranh minh họa).

"Đường thư" trong phần "Lệ vương truyện" từng ghi lại quá trình tranh sủng của hai vị phi tử. Một người trong số đó đã tìm tới thầy pháp và được cho một lá bùa, sau đó lén đặt lên giày của phu quân thì sẽ được yêu thương.

Hiện tượng này trở nên phổ biến và thịnh hành trong xã hội có liên quan trực tiếp tới Đạo gia. Khác với quan niệm nhân số phụ thuộc vào mệnh trời của thuyết Âm Dương Ngũ Hành, Đạo gia tin rằng khả năng của con người có thể tác động tới "đạo trời" và "việc đời".

Từ quan niệm này, họ hình thành một loại hình "mị thuật" bằng cách vẽ bùa hoặc vẽ chú. "Hòa hợp chú" và "Lạp ca thần phú chú" cũng ra đời từ đó.

Tiểu thuyết "Kim Bình Mai" thời nhà Minh cũng từng đề cập tới một loại bùa yêu có tên là "hồi bối", sở hữu công dụng làm đàn ông hồi tâm chuyển ý.

Lá bùa giữ chân Tây Môn Khánh và muôn kiểu bùa yêu trong xã hội phong kiến TQ - Ảnh 2.

Loại bùa yêu khiến đàn ông "hồi tâm chuyển ý" từng xuất hiện trong câu chuyện của Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh. (Tranh minh họa).

Trong hồi 13, khi Tây Môn Khánh đang mê đắm Lý Quế Thư, Phan Kim Liên đã nhờ Vu Bà tìm "hồi bối".

"Hồi bối" thực chất là hai mảnh gỗ liễu tạc thành hai bức tượng nam nữ, khắc ngày sinh tháng đẻ lên trên, dùng tơ hồng cuốn quanh, cúng 49 ngày. Sau đó lại lấy vải đỏ bịt mắt bức tượng đàn ông, lấy vải dán vào ngực, lấy kim đâm vào tay, dùng keo dán chân lại rồi bí mật để dưới gối của chồng.

Theo đó, lấy vải bịt mắt là để người đàn ông thấy vợ "đẹp tựa Tây Thi", lấy ngải dán vào ngực là để chồng say mê vợ mình, lấy kim đâm vào tay, keo dán vào chân để người chồng không ra ngoài tìm phụ nữ khác.

Đàn ông cũng dùng bùa để "trêu hoa ghẹo nguyệt"

Nếu phụ nữ dùng bùa chú để được nên duyên cùng người mình yêu thường, thì đàn ông cổ đại lại dùng bùa yêu để… đùa giỡn mỹ nữ!

Danh sĩ thời nhà Tấn là Trương Bối từng viết trong "Cảm ứng loại tòng chí" về một loại bùa chú được nhiều bậc trượng phu sử dụng với vợ mình.

Theo đó, lấy vải lót kinh nguyệt của vợ đốt thành tro, dùng tro này rải lên bậc cửa ở phòng ngủ, khi vợ bước vào thì sẽ lưu luyến không muốn rời đi.

Nhưng nam giới dùng bùa để "giữ lửa" hạnh phúc vốn là chuyện hiếm, dùng để đùa giỡn mỹ nhân lại là việc nhan nhản.

Lá bùa giữ chân Tây Môn Khánh và muôn kiểu bùa yêu trong xã hội phong kiến TQ - Ảnh 3.

Đàn ông thời xưa cũng dùng bùa yêu, nhưng mục đích lại chủ yếu để đùa giỡn phụ nữ. (Ảnh minh họa).

Danh sĩ nhà Tống là Hồng Mại trong "Di kiên chí" từng ghi lại việc một đạo sĩ nửa đêm dùng bùa chú để dụ dỗ khuê nữ vào mật thất giam dâm.

Đến thời nhà Thanh, Kỷ Hiểu Lam cũng từng viết trong quyển thứ 15 của "Duyệt vi thảo đường bút ký" về việc "lạt ma của Hồng giáo của thuật chuyên thu hút phụ nữ".

Ở Trung Hoa cổ đại, tóc được xem là "chất dẫn" cho nhiều loại bùa phép. Người xưa cho rằng, tóc có thể đuổi quỷ, cũng có thể yểm bùa hại người.

"Kim Bình Mai" cũng có tình tiết: Tây Môn Khánh vì quá mê mẩn Lý Quê Thư, liền nghe lời nàng, lén lấy tóc Phan Kim Liên mang tới. Quế Thư sai người nhét tóc của tình địch vào đế giày, ngày ngày dẫm lên. Kể từ đó, Phan Kim Liên mỗi ngày đều "đau đầu, nôn mửa, không ăn uống gì được".

Lá bùa giữ chân Tây Môn Khánh và muôn kiểu bùa yêu trong xã hội phong kiến TQ - Ảnh 4.

Trong khi phụ nữ cổ đại tìm mọi cách để có được trái tim người mình yêu, thì chính họ lại trở thành "nạn nhân" của những loại bùa yêu. (Ảnh minh họa).

Vậy mới thấy, trong xã hội xưa, cuộc sống của những người phụ nữ buộc phải phụ thuộc vào đàn ông, dùng trăm phương ngàn kế để chiếm được cảm tình của tình lang.

Tiếc thay nam tử bạc tình, hầu hết đàn ông thời xưa lại sử dụng bùa chú để thỏa mãn dục vọng, đem phụ nữ ra làm trò đùa giỡn.

Mặc dù bị cho là mang màu sắc mê tín dị đoan, nhưng những loại bùa yêu thời xưa đều phản ánh phần nào những mâu thuận xã hội và định kiến của xã hội cũ Trung Hoa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại