Vào tay quốc gia này, tiêm kích đa năng Su-30MK2 có những điều kỳ lạ!

Nguyễn Bình |

Tiêm kích đa năng Su-30MK2 hiện đại là xương sống của không quân nhiều quốc gia. Tuy nhiên, có những cách đánh số hiệu hết sức kỳ lạ.

Nghèo cũng phải cố mua vũ khí hiện đại

Uganda - một quốc gia nghèo ở châu Phi đã dồn mọi nỗ lực nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân nghèo nàn của mình bằng những chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK2 tiên tiến đặt mua từ Nga.

Hợp đồng trọn gói trị giá ước tính vào khoảng 327 triệu USD được Uganda và Nga ký tháng 5 năm 2011, theo đó, Không quân nước này sẽ nhận được 6 chiếc Su-30MK2 với dịch vụ hậu mãi gồm huấn luyện, đào tạo phi công, thợ máy và bảo đảm kỹ thuật,... Trong hợp đồng còn có điều khoản Uganda được quyền chọn mua thêm 6 chiếc nữa.

Theo một số nguồn tin thì tổng giá trị hợp đồng có thể lên tới 740 triệu USD chứ không phải là 327 triệu USD, tuy nhiên mức giá này có lẽ cần phải được kiểm chứng thêm.

Vào tay quốc gia này, tiêm kích đa năng Su-30MK2 có những điều kỳ lạ! - Ảnh 1.

2 chiếc Su-30MK2 mang số hiệu AF 019 và AF 031 của Không quân Uganda.

Những điều kỳ lạ!

Thứ nhất, theo đại diện của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nhà nước Nga Rosoboronexport công bố, thỏa thuận sơ bộ về việc mua Su-30MK2 của Uganda được nhất trí hồi tháng 10/2010. Nhưng quá trình đàm phán gặp nhiều trắc trở nên mãi tới tháng 5/2011, hợp đồng mới được ký chính thức.

Ngạc nhiên là, mặc dù các bên tranh cãi gay gắt về nhiều điều khoản, phía Nga vẫn tiến hành sản xuất lô máy bay theo thỏa thuận sơ bộ. Thế nên, chỉ 60 ngàysau khi hợp đồng chính thức được ký, vào tháng 7/2011, 2 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK2 đầu tiên đã được bàn giao cho Không quân Uganda.

Sau đó, tháng 10/2011, một chiếc máy bay vận tải hạng nặng An-124 của Hãng vận tải hàng không Volga Dnepr vượt hàng nghìn km chở 2 chiếc Su-30MK2 tiếp theo bàn giao cho Không quân nước này. Hai chiếc cuối cùng theo hợp đồng được bàn giao vào đúng ngày cuối cùng của tháng 5/2012.

Thứ hai, lý do hợp đồng chính thức được ký muộn là do phía Nga đòi giá quá cao, lên tới 327 triệu USD cho 6 chiếc Su-30MK2, tương đương gần 55 triệu USD/chiếc, trong khi thông thường họ bán cho các đối tác quen thuộc khác chỉ ở mức trên dưới 45 triệu USD/chiếc.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự, đây là mức giá trên trời, dù cho phía Nga đảm bảo trọn gói cho vòng đời hoạt động cùng tất tật vũ khí trang bị đi kèm của những chiếc Su-30MK2 này. Tuy nhiên, không hiểu sao Uganda vẫn chấp nhận, có lẽ họ quá nôn nóng muốn hiện đại hóa Không quân của mình chăng?

Thứ ba, cách đánh số hiệu trên những chiếc Su-30MK2 của Không quân Uganda cũng hết sức kỳ lạ, chẳng liên tục như Không quân Indonesia hay hoàn toàn rời rạc như Không quân Venezuela, mà họ chọn các số thứ tự AF 011, AF 015, AF 019, AF 023, AF 027, AF 031.

Vào tay quốc gia này, tiêm kích đa năng Su-30MK2 có những điều kỳ lạ! - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Venezuela được đánh số hoàn toàn rời rạc. Ảnh: Airliners.net.

Cách đánh số hiệu này tất nhiên chẳng ảnh hưởng gì tới hoạt động tác chiến, những nếu bảo là để giữ bí mật thì không phải, vì nếu thế phải chọn các số hoàn toàn rời rạc mới có ý nghĩa. Thực chất, khi có xung đột nổ ra, nghệ thuật sử dụng và trình độ của phi công mới quyết định thắng bại.

Thứ tư, sự cố đặc biệt nghiêm trọng đầu tiên đối với Su-30MK2 của Không quân Uganda được ghi nhận đó là sáng 14/08, chiếc máy bay mang số hiệu AF 015 đã phải tiếp đất bằng bụng do càng đáp không bung ra ngoài. Rất may bất trắc trên không của chiếc Su-30MK2 đã được phi công xử lý thành công nên nó đã không bị hư hại quá nặng.

Vào tay quốc gia này, tiêm kích đa năng Su-30MK2 có những điều kỳ lạ! - Ảnh 3.

Chiếc Su-30MK2 số hiệu AF 015 của Không quân Uganda tiếp đất "bằng bụng" vào hôm 14/08/2016.

Trước đó, tháng 9/2011 cũng chính chiếc Su-30MK2 số hiệu AF 015 này bị chim chui vào động cơ gây hỏng nặng và phải mất tới gần 1 năm rưỡi các kỹ sư ở KnAAPO mới khắc phục xong để có thể bay trở lại.

Các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 Uganda được cho là đã tham gia các phi vụ không kích những mục tiêu của Al Qaeda ở Somalia bằng nhiều loại bom và tên lửa không đối đất có điều khiển chính xác. Bên cạnh đó, những chiếc máy bay này cũng tham gia không kích tiêu diệt các lực lượng đối lập ở Nam Sudan.

Được biết, cả 2 phía Uganda và Nga đang đàm phán cho hợp đồng đặt mua thêm 6 chiếc Su-30MK2. Tuy nhiên, nhiều khả năng thỏa thuận mới sẽ không được ký và đã có tin KnAAPO - đơn vị sản xuất dòng máy bay này đang có kế hoạch đóng cửa dây chuyền lắp ráp để chuyển sang các loại tiêm kích thế hệ 5 và 4++ hiện đại hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại