"Đại họa năm Thìn": Nhiều người ngất xỉu khi thấy ngôi làng tan nát sau "đại hồng thủy"

Đình Thức |

Những người sống sót tìm mọi cách để trở về làng Đông An (xã Quế Phước, Nông Sơn, Quảng Nam) nhưng cảnh tượng trước mắt họ quá khủng khiếp khiến nhiều người ngất xỉu tại chỗ.

LTS: Các tỉnh miền Trung trải qua đợt lũ dữ vào tháng 10/2016 khiến nhiều người chết, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Mảnh đất miền Trung dường như đã quá quen thuộc với nỗi đau mà thiên nhiên gây ra cho người dân. Quay ngược về quá khứ cách đây 52 năm, một trận lụt cướp đi 6.000 sinh mạng ở Quảng Nam vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Trận đại hồng thủy đó được lưu truyền trong nhân gian với tên gọi "đại họa năm Thìn" và nó đã khiến nhiều làng mạc, dòng họ rơi vào cảnh tuyệt tự. Mới đây, khi có dịp trở lại Quảng Nam, PV đã gặp những nhân chứng sống của trận lụt năm Thìn. Họ vẫn còn ám ảnh cho đến tận bây giờ.

> Kỳ 1: "Đại họa năm thìn ở Quảng Nam": Hàng loạt dấu hiệu cảnh báo lạ lùng
> Kỳ 2: "Đại họa năm Thìn": Những người hiếm hoi còn sống chỉ biết thốt lên 'kinh hoàng lắm!'

Kỳ 3: "Đại họa năm Thìn": Nhiều người ngất xỉu khi thấy ngôi làng tan nát sau trận "đại hồng thủy"

Xác người chôn dưới lớp bùn non

Một tuần sau ngày xảy ra đại nạn, 19 người may mắn sống sót tìm đường về lại làng Đông An. Lúc đó, không hẹn mà gặp, cụ Huỳnh Thị Thiệp (70 tuổi), cụ Nguyễn Tấn Châu (88 tuổi), ông Lương Mân (67 tuổi) cùng một số người khác thấy nhau trên đường rồi đi chung.

Cụ Thiệp kể: "Ông Mười Hương, ân nhân cứu mạng cứ khuyên tôi ở lại sống với gia đình. Ông nói, nghe qua đài thì người làng Đông An chết hết rồi. Nhưng tôi nhất mực phải về, người chết hết thì cũng phải tìm được xác. Tôi quỳ lạy cảm ơn gia đình họ rồi đi. Đến Hương An (huyện Quế Sơn) thì gặp ông Châu, ông Mân và mấy người nữa".

Họ phải đi bộ suốt 5 ngày. Con đường bị ngập bùn non đến quá đầu gối. Mỗi ngày cả nhóm gắng hết sức cũng chỉ đi được chừng 20km. Đến tối cả nhóm lấy cơm người dân 2 bên làng cúng người chết để ăn.

"Cực không không tả nổi. Cả bọn phải dắt díu nhau đi. Vậy mà ai cũng đòi về cho bằng được. Dọc đường gặp xác người đang phân hủy ai cũng kinh hãi. Nhưng về đến cánh đồng làng thì mấy người lăn ra xỉu vì cảnh tượng trước mắt quá sức tưởng tượng", ông Mân nhớ lại.

Làng Đông An bị san phẳng, không còn dấu tích của bất cứ ngôi nhà nào. Cả làng toàn một màu trắng đục của bùn non. Đáng sợ nhất là xác người phơi trắng đồng.

Những người sống sót tìm mọi cách hỏi tung tích thân nhân nhưng vô vọng. Gia đình cụ Châu có bố mẹ, 8 người con, dì, cậu, cô đều chết hết. Cụ chỉ tìm được thi thể bố mẹ rồi đem chôn cất.

Gia đình ông Mân có 10 người chết nhưng vớt được thi thể mẹ và chị gái. Các gia đình còn lại có nhà tìm được 1 - 2 thi thể nhưng phần lớn là mất tích.

Những người chết không tìm thấy xác đều được đắp mộ gió. Theo cụ Châu, xác người không chỉ nằm trên mặt đất mà còn bị chôn vùi dưới lớp cát và bùn non.

"Chúng tôi đi trên cát, bùn. Chỗ nào nước trào lên mà có màu máu là lấy đất lấp lại thành gò để sau này thắp hương cho người không may mắn", cụ Châu kể.

Đám giỗ lụt, cúng tế cho hàng ngàn người

Sau trận lũ dữ, người dân làng Đông An đi làm ăn xa khắp nơi đổ về làng tìm kiếm người thân. Cụ Lương Lang (79 tuổi, anh trai ông Lương Mân) đang làm việc ở Hội An cũng tìm về.

"Hai anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Nhà họ Lương có phúc nhất làng khi ngoài ông Mân còn có 2 người chị cũng may mắn sống sót sau khi bị nước cuốn", cụ Lang nói.

Khi đó, kể cả những người ở xa về thì cả làng chỉ còn vỏn vẹn 62 người thuộc 18 hộ. Nhiều gia đình từ đó tuyệt tự, tuyệt tôn. Cụ Châu lần giở tờ giấy ghi chép đã cất giữ suốt 50 năm qua để dò tìm lại từng con số.

Đại họa năm Thìn: Nhiều người ngất xỉu khi thấy ngôi làng tan nát sau đại hồng thủy - Ảnh 1.

Cụ Châu với mảnh giấy nhỏ ghi lại số người chết của từng gia đình trong trận "đại hồng thủy năm Thìn".

Tờ giấy bạc phếch ghi rõ: Trước 1964, cả làng Đông An có 395 hộ gia đình. Sau lũ, nơi này có 1.481 người chết, trong đó có 888 nạn nhân từ 1 đến 16 tuổi.

"Cả ngôi làng trù phú ngày xưa, đi đâu cũng nghe tiếng í ới mà bây giờ như bãi tha ma, ảm đạm đến ghê rợn. Cô đơn đến tận cùng", cụ Châu trải lòng.

Những người thoát chết phải sống lay lắt trong túp lều dựng tạm và dựa vào gạo cứu đói của chính quyền.

Theo cụ Châu, sau lụt, cá ở sông Vu Gia nhiều đến nỗi chèo thuyền thì mái chèo cũng va vàochúng. Vậy nhưng chẳng ai dám bắt cá về ăn hay bán.

"Lúc đó thiếu đồ ăn tươi dữ lắm, toàn lương khô, thịt hộp. Cá nhiều nhưng chúng tôi không dám bắt vì ám ảnh bởi số người chết", cụ nói.

Cũng theo nhân chứng này, sau trận đại hồng thủy thì bí đao mọc đầy làng Đông An và lớn nhanh vùn vụt, dây nào cũng trĩu trái. Người trong làng hái bí đao làm thực phẩm cho cả năm sau đó và phân phát cho các làng bên cạnh.

Đại họa năm Thìn: Nhiều người ngất xỉu khi thấy ngôi làng tan nát sau đại hồng thủy - Ảnh 2.

Cổng làng Đông An ngày nay, dấu tích về trận "đại hồng thủy" năm xưa bây giờ chỉ còn trong ký ức

6 tháng sau trận đại hồng thủy, cuộc sống dần ổn định trở lại. Nhưng lúc này, nhiều người rời làng ra đi tìm nơi ở mới.

Ông Lương Mân là một trong số đó. Ông ra Đà Nẵng ở nhờ nhà người bà con để đi học. Ít lâu sau ông đậu Đại học Y ở Huế. Sau khi tốt nghiệp, ông về lập nghiệp ở huyện Điện Bàn, lấy vợ và sinh con.

Đại họa năm Thìn: Nhiều người ngất xỉu khi thấy ngôi làng tan nát sau đại hồng thủy - Ảnh 3.

Cuộc sống yên bình của ông Lương Mân bây giờ

"Tôi bị ám ảnh nên không thể ở lại làng. Tôi chọn cho mình vùng đất mà trong lịch sử chưa bị lụt lần nào để định cư. Dù không sống ở làng Đông An nhưng năm nào tôi và con cháu đều về dự giỗ làng ngày mồng 5, mồng 6 tháng 10 Âm lịch", ông Mân nói.

Còn cụ Châu nhớ lại, khi đó đám cưới giữa cụ Lương Lang (anh trai ông Mân) và cụ Thiệp là tin vui lớn nhất sau đại họa.

"Gia đình hai bên chết hết, tôi lúc đó làm chủ hôn. Nói là đám cưới chứ từ lều ông Lang qua lều bà Thiệp chỉ mấy bước chân. Lễ vật là mấy trái cau, ngoài ra không có gì. Hai người dựng lều rồi sống chung", cụ Châu nhớ lại.

Sau đám cưới, cụ Lang đưa cụ Thiệp về Hội An sinh sống, nhưng rồi cả 2 lại quay về làng. Cụ phân trần: "Đi đâu cũng không bằng làng xưa xóm cũ, nhắc lại chuyện xưa ai nấy đều không khỏi xót xa. Thương làng mà trở về để gây dựng và thờ cúng ông bà tổ tiên". Cũng chính cụ là người sau này đứng ra tổ chức đám giỗ lụt cho cả làng.

Cụ Châu cho hay, từ đó, cụ và người trong làng vận động dân ở làng khác đến dựng nhà ở. Làng hồi sinh trở lại với những mái nhà mới và bây giờ đã ngót nghét hơn 300 hộ.

Dưới những mái nhà bên dòng Vu Gia, trận đại hồng thủy năm Thìn 1964 vẫn luôn được nhắc đến, để thế hệ sau không bao giờ quên. Nó đã làm thay đổi số phận và còn ám ảnh mãi mãi những người sống sót.

Mỗi năm, người làng Đông An tổ chức giỗ lụt để cúng tế những nạn nhân của trận "đại hồng thủy năm Thìn".

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại