LTS: Các tỉnh miền Trung trải qua đợt lũ dữ vào tháng 10/2016 khiến nhiều người chết, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Mảnh đất miền Trung dường như đã quá quen thuộc với nỗi đau mà thiên nhiên gây ra cho người dân. Quay ngược về quá khứ cách đây 52 năm, một trận lụt cướp đi 6.000 sinh mạng ở Quảng Nam vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Trận đại hồng thủy đó được lưu truyền trong nhân gian với tên gọi "đại họa năm Thìn" và nó đã khiến nhiều làng mạc, dòng họ rơi vào cảnh tuyệt tự. Mới đây, khi có dịp trở lại Quảng Nam, PV đã gặp những nhân chứng sống của trận lụt năm Thìn. Họ vẫn còn ám ảnh cho đến tận bây giờ.
> Kỳ 1: "Đại họa năm thìn ở Quảng Nam": Hàng loạt dấu hiệu cảnh báo lạ lùng
Kỳ 2: "Đại họa năm Thìn": Những người hiếm hoi còn sống đến nay chỉ biết thốt lên 'kinh hoàng lắm!'
Cả làng Đông An (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) ngày ấy chỉ có 19 người may mắn thoát khỏi bàn tay thủy thần năm 1964. Họ bị cơn lũ dữ cuốn trôi về hạ nguồn hàng trăm km.
Về Quảng Nam, tìm gặp những người còn sống sau đại họa năm Thìn, tất thảy họ vẫn chưa hết kinh hoàng và mỗi khi nhắc lại chỉ biết thốt lên: "Kinh hoàng lắm!". Cái đêm mồng 6 tháng 10 Âm lịch mãi mãi hằn sâu trong tâm trí họ.
Đêm hãi hùng...
19 người sống sót sau đại họa ấy nhiều người đã qua đời. Có người thì bỏ làng tìm quê hương mới lập nghiệp vì không thoát khỏi những ám ảnh.
Ở làng Đông An bây giờ chỉ còn 2 nhân chứng sống là cụ Nguyễn Tấn Châu (88 tuổi) và Huỳnh Thị Thiệp (70 tuổi), sức khỏe giảm sút, trí nhớ không còn minh mẫn.
Có những chuyện trong gia đình họ đã quên lãng nhưng chuyện may mắn sống sót sau đêm đại hồng thủy thì chưa bao giờ kể sai một chi tiết. "Kinh hoàng quá, làm răng mà quên được?", cụ Châu nói.
Cụ Châu, người may mắn sống sót nhưng luôn ám ảnh trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên
Cụ Thiệp tiếp lời: "Nhiều đêm trong suốt những năm qua, trong giấc mơ tôi nghe tiếng kêu cứu, tiếng la hét của họ vang văng vẳng. Ám ảnh lắm!".
Cụ Châu kể, tối mùng 6 tháng 10, khi căn nhà tre đổ sập thì cụ và cha rơi xuống nước. Vốn là tay bơi giỏi, cụ cố bơi lại gần để nắm tay người cha nhưng bất lực. Dòng nước chảy xiết khiến cụ đuối sức, không điều khiển được mình, đành nhìn cha trôi ra xa.
"Lúc đó là hơn 7h tối, tôi chỉ nghe tiếng kêu của cha để định hướng chứ không nhìn thấy gì cả. Rồi cha tôi im bặt. Tôi biết ông đã bịcuốn trôi. Tôi cũng thả mình theo dòng nước. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ chết", cụ Châu kể.
Trong giây phút cận kề cái chết, cụ may mắn bấu víu được vào một khúc gỗ khá lớn.
Cụ nhớ lại: "Tôi lấy hết sức ôm chặt nó. Nước cứ chảy, tôi không biết mình trôi đi đâu. Hàng chục cú va đập mạnh nhưng tôi cố không buông tay. Trôi chừng 2 giờ thì tôi bị dòng nước tống vào một gốc cây cổ thụ. Tôi thả khúc gỗ và bám lấy cây cho đến sáng".
Cụ Châu cho biết, đến sáng hôm sau, người dân phát hiện cụ đang bám ở cây cổ thụ nên chèo ghe ra cứu.
"Lúc đó tôi mới biết mình đã trôi về xã Đại An (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), cách làng Đông An 40 km. Bà con vớt tôi lên, cho ăn uống, sưởi ấm và chăm sóc như con cái trong nhà. Tôi mới biết là mình thoát chết nhưng vẫn chưa dám trở về làng", cụ bồi hồi.
Nhắc đến chuyện thoát chết, cụ Thiệp thẫn thờ.
"Chắc do ông bà phù hộ chứ không biết răng mà sống được. Cả căn nhà ngói nơi tôi trú lụt, người ta chết hết, còn lại mình tôi…", cụ Thiệp nói mà nước mắt chảy dài.
Theo cụ Thiệp, khi căn nhà bị sập thì phần mái vẫn còn nguyên và bị nước cuốn trôi. Ngoài cụ thì còn khoảng 10 người nữa bám víu vào để níu giữ hy vọng. Số còn lại đã trôi theo dòng nước hoặc chìm nghỉm.
Mái nhà bị đẩy vào một lũy tre nằm sát sông Vu Gia. Tất cả mọi người vội vã bám vào từng cây tre, nhưng rồi trước áp lực nước, cả lũy tre bật gốc trôi tuột.
Cụ Thiệp bị dòng nước cuốn trôi, chới với suốt đêm trước khi được cứu sống
Đang chới với trong dòng nước lũ, cụ Thiệp may mắn bám vào được một tấm ván to bằng cái bàn. "Tôi cố ôm tấm ván rồi thả trôi, có lúc đuối sức muốn buông tay. Đến giờ tôi cũng không biết điều gì đã cho tôi sức mạnh ấy", nhân chứng này nói.
Cụ bị cuốn trôi theo dòng nước rồi dạt vào một căn nhà chỉ còn nổi phần mái tại làng Gò Nổi (xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam).
"Tôi bám víu rồi trèo lên nóc nhà ngồi run rẩy trong đêm. Khi trời sáng, tôi lấy hết sức dỡ mái tranh để vào bên trong nhưng không được.
Lúc đó tôi 20 tuổi, dòng nước lũ đã lột sạch áo quần không còn một mảnh trên người. Tôi trần truồng ngồi trên mái đến khoảng 9h sáng thì có mấy chiếc thuyền bơi ra cứu.
Họ toàn đàn ông, bảo tôi nhảy xuống nước rồi kéo lên. Nói thật lúc đó chẳng còn biết ngại là chi, chỉ biết mình được ông trời cho sống", cụ thuật lại.
Nhân chứng sống này vẫn nhớ như in việc mình được gia đình ông Mười Hương cứu, cho ăn uống, tá túc suốt một tuần liền. Sau đó cụ xin phép gia đình họ để về quê để tìm lại gia đình. Do cuộc sống khó khăn, đường xá xa xôi nên mất liên lạc với gia đình ân nhân. Cụ vẫn đau đáu vì chẳng trở lại cảm ơn họ được một lần.
Những tiếng kêu thảm thiết giữa dòng nước
Trong cuộc trò chuyện, cụ Thiệp kể cho chúng tôi nghe về người em chồng của cụ là ông Lương Mân cũng may mắn sống sót. Ông Mân bị dòng nước cuốn trôi xa nhất, về tận TP Hội An cách làng Đông An hơn 100km.
Lần theo địa chỉ bà Thiệp cung cấp, chúng tôi về thôn Phong Lục Tây (xã Điện Thắng Nam, Điện Bàn) nơi ông Mân đang sinh sống.
Ông Mân năm nay bước sang tuổi 67, lúc xảy ra đại họa năm Thìn, ông mới là chàng trai tuổi 17. "Tôi chứng kiến hết từng cái chết của người thân. Sau đó tôi bỏ quê chọn vùng đất này để lập nghiệp. Ở đây, ngay cả trận lụt như năm 1964 cũng không ngập", ông nói.
Ông hồi tưởng lại từng giây phút trong ngày định mệnh cuốn trôi cả làng Đông An. Câu chuyện nhiều lần bị ngắt quãng bởi ánh mắt ông đỏ hoe vì quá xúc động.
Ông Lương Mân, người may mắn sống sót sau trận đại hồng thủy đã chọn vùng đất không bao giờ bị ngập để định cư
Năm đó gia đình ông có 14 người sống chung trong một căn nhà. Nước lũ lên nhanh nhưng cả gia đình ông quyết không đi tránh. Nước hung tợn cuốn phăng căn nhà cùng các thành viên trong gia đình vào một bụi tre gần đó.
"Không chỉ nhà tôi mà nhiều người trong làng cũng bị cuốn vào đó, họ kêu khóc thảm thiết một hồi lâu nhưng không ai cứu được. Ai cũng kiệt sức", ông Mân nhớ lại.
Ông cùng vài người nữa thoát được ra khỏi bụi tre, bám vào một cây mít. Cha và anh trai cả của ông cũng bị nước cuốn nhưng cố bám vào 2 chiếc thuyền nhỏ. Họ dùng hết sức bơi ngược dòng nước cứu mọi người.
"Tôi bám vào cây mít nhìn sang bên bụi tre. Thuyền của cha tôi tới trước. Mọi người trong lúc hoảng loạn ai cũng bám lấy chiếc thuyền để tìm cách trèo lên. Sức chứa chiếc thuyền có hạn, người thì đông nên nó nhanh chóng chìm nghỉm kéo theo hàng chục người, trong đó có cha tôi.
Anh trai tôi đưa chiếc thuyền thứ đến cứu mọi người nhưng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Họ chết ngay trước mắt mà tôi không làm gì được", nhân chứng xúc động kể.
Trời tối, màn đêm đen kịt. Mọi người bám trên cây mít nói chuyện để động viên nhau. Nhưng rồi dòng nước xiết khiến từng người kiệt sức.
"Tôi, bà Quỳnh, ông Dung là 3 người sau cùng còn bám trụ lại cây mít. Bà Quyển bồng đứa cháu nội mới mấy tháng tuổi đã chết cứng nhưng nhất quyết không buông. Đến lúc kiệt sức không trụ được nữa thì bà nói "tôi đi trước, anh Dung, thằng Mân cố gắng sống", rồi buông tay.
Ông Dung cũng không chịu nổi buông tay khỏi cây mít trôi theo dòng nước. Tôi ôm cây mít chứng kiến hàng chục người trôi qua ngay cạnh mình mà bất lực. Có người vẫn còn vẫy vùng kêu gào thảm thiết", ông Mân bần thần nói.
Trời gần sáng, nước càng hung tợn, cây mít bị cuốn trôi. Chưa đầy 2 giờ sau, ông Mân thấy mình dạt vào ven sông, phía xa có nhiều người dân đang nhặt củi. Rồi ông được cứu...
Đoạn sông Vu Gia qua làng Đông An ngày nay, nơi ông Mân bị cuốn trôi và được cứu sống sau hơn 100km
Nơi đây là làng La Nghi (gần TP Hội An bây giờ), cách làng Đông An gần 100 km.
"Từ làng Đông An về La Nghi bây giờ đi ca nô cũng phải mất 5 giờ. Trong khi đó tôi bị trôi chưa đầy 2 giờ, như vậy có thể biết dòng nước kinh hoàng đến thế nào", ông Mân nói.
Ông Mân và những người còn sống, khi trở về, cảnh tượng làng Đông An rất kinh hoàng, cả ngôi làng trù phú trở thành bãi tha ma...
(Còn tiếp)