Chuyên gia Anh phản bác yêu sách chủ quyền của TQ

Dao Quân - TNL |

Đầu thế kỷ 20, các quan lại nhà Thanh đưa ra tuyên bố chủ quyền sai lệch chỉ để chứng minh họ đang chống lại các thế lực nước ngoài.

Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông không mang tính lịch sử. Nhà địa lý Bill Hayton, người Anh đã khẳng định như trên tại hội nghị của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington, D.C. ngày 22-9 (giờ địa phương).

Chuyên gia Bill Hayton ở Viện Nghiên cứu hoàng gia các vấn đề quốc tế tại London (Anh) là tác giả cuốn Biển Đông - Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á.

Trung Quốc “sản xuất” bản đồ

Trang web phân tích hàng hải USNI News của Viện Nghiên cứu hải quân Mỹ đưa tin nhà địa lý Bill Hayton nhận xét yêu sách chủ quyền của TQ đối với phần lớn diện tích biển và các thực thể địa lý thật ra dựa trên những sự kiện xảy ra vào thế kỷ 20, từ thời điểm xảy ra phong trào Nghĩa Hòa đoàn cho đến khi quân đội Nhật hoàng bị đánh bại trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Phong trào Nghĩa Hòa đoàn xảy ra vào những năm cuối triều đại Mãn Thanh (từ tháng 11-1899 đến 9-1901) nhằm chống lại ảnh hưởng của các thế lực nước ngoài.

Chuyên gia Bill Hayton giải thích học sinh TQ nào cũng được dạy rằng bãi cạn James (TQ gọi là Tăng Mẫu) là phần cực Nam của lãnh thổ TQ.

Tuy nhiên, ông khẳng định TQ không tiến hành nhiều công tác khảo sát ở biển Đông và ngư dân TQ cũng không sinh sống liên tục trên các rạn san hô và bãi ngầm ở biển Đông.

Thật ra trong phần lớn quá khứ của TQ, hầu hết biển Đông lại là nơi hùng cứ của bọn hải tặc.

Trong những thập niên đầu của thế kỷ 20, TQ bắt đầu “sản xuất” các bản đồ được gọi là “bản đồ sỉ nhục dân tộc”.

Các bản đồ cho thấy TQ kiểm soát một số thực thể địa lý ở biển Đông vốn đã bị Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines đòi chủ quyền.

Các đoạn trong bản đồ (vốn đã được thay đổi nhiều lần) đã được dùng để tạo cảm giác vùng lãnh thổ này trở nên liền lạc.

Chuyên gia Bill Hayton giải thích năm 1946, lần đầu tiên “đường chín đoạn” mới xuất hiện trong tài liệu chính thức. Trong một bản đồ của TQ năm 1947, “đường chín đoạn” được vẽ ra ôm trọn lấy quần đảo Trường Sa.

Sự điều chỉnh này là một phần trong thỏa thuận sau chiến tranh giữa các nước trong khối Đồng minh: Tất cả lãnh thổ bị phát xít Nhật chiếm đóng phải được trả về cho TQ.

Nhà Thanh chống thế lực nước ngoài

Theo lý giải của Bill Hayton, lý do khiến các quan lại thời nhà Thanh (TQ) vào đầu thế kỷ 20 đưa ra tuyên bố chủ quyền như đã nêu ở trên nhằm chứng minh họ đang đứng lên chống lại các thế lực nước ngoài.

Nhà Thanh đã cố gắng giành lại quyền kiểm soát các mối quan hệ ngoại giao và lãnh thổ cũng như cố gắng củng cố sự ủng hộ của người dân.

Sau đó, chính phủ TQ tiếp tục làm theo bằng cách đưa cả quần đảo Trường Sa vào yêu sách lãnh thổ và tiếp tục chỉ trích Nhật và bất cứ nước nào không tôn trọng yêu sách chủ quyền và lãnh thổ của TQ.

Ngoài phần trình bày tại hội nghị CSIS, chuyên gia Bill Hayton cũng trả lời nhiều câu hỏi của cử tọa.

Khi được hỏi liệu có phải các phương tiện truyền thông đang làm gia tăng căng thẳng trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông hay không, ông giải thích “câu chuyện đã bị thay đổi”.

Ban đầu là chuyện về yêu sách chủ quyền của TQ đối với một phần lãnh thổ trong tranh chấp với Nhật và Pháp vào đầu thế kỷ 20. sau đó, chuyện đã được chuyển sang chủ đề TQ hay Mỹ có ảnh hưởng nhất trong khu vực.

Nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài công bố ngày 12-7, ông nhấn mạnh phán quyết đã chỉ ra rằng các thực thể địa lý trong yêu sách “đường chín đoạn” của TQ đều không phải là đảo.

Ông giải thích không có ghi chép nào cho thấy có người dân TQ định cư trên các thực thể địa lý.

Trong khi đó, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) yêu cầu “phải có sự sinh sống của con người”, vì vậy nếu xét đến yếu tố này thì các thực thể địa lý không phải là đảo.

Chuyên gia Bill Hayton dự báo TQ sẽ tiếp tục xem yêu sách chủ quyền là quyền lợi đương nhiên và không có ý định từ bỏ.

Đài truyền hình ABC News (Úc) ngày 25-9 đưa tin tập đoàn công nghệ điện tử TQ khẳng định đã chế tạo được một loại radar có thể phát hiện máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ bằng cách dò tìm bóng của máy bay trong khi bay.

Tập đoàn này cho rằng radar có công suất mạnh gấp năm lần so với bất kỳ sản phẩm nào của chương trình DARPA của Lầu Năm Góc. Radar có thể phát hiện máy bay B-2 từ 96 km.

Chuyên gia Douglas Barrie ở Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London (Anh) nhận xét chỉ trong một thời gian ngắn từ thập niên 1990, TQ đã có tiến bộ về công nghệ quân sự bằng cách mua lại công nghệ của Liên Xô cũ và của Israel.

ABC News nhận định radar mới có thể giúp TQ chiếm lợi thế về quân sự trên biển Đông vào lúc Mỹ đã triển khai hơn 50% lực lượng hải quân trên Thái Bình Dương.

____________________________________

Philippines và Mỹ dự kiến sẽ tập trận chung từ ngày 4 đến 12-10 tại Philippines theo thông báo ngày 24-9 của đại sứ quán Mỹ tại Manila.

Khoảng 1.400 binh sĩ Mỹ đóng tại căn cứ Mỹ ở Okinawa (Nhật) và 500 binh sĩ Philippines sẽ tham gia cuộc tập trận đổ bộ và bắn đạn thật tại nhiều địa điểm trên đảo Luzon và Palawan.

Mục đích tập trận nhằm tạo cho các binh sĩ Mỹ và Philippines khả năng chuẩn bị sẵn sàng tốt hơn để phối hợp trong xử lý các vấn đề thảm họa thiên nhiên hay xung đột vũ trang.

Tuần rồi, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thừa nhận Philippines cần đến quân đội Mỹ sau khi ông tuyên bố Philippines sẽ không tham gia tuần tra chung với Mỹ trên biển Đông.

Trước đó, TQ và Nga đã tham gia cuộc tập trận hải quân mang tên "Phối hợp hàng hải 2016" trên vùng biển Quảng Đông từ ngày 12 đến 19-9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại