Từng bước làm chủ công nghệ then chốt trong lĩnh vực radar

HƯNG NGUYỄN |

Triển khai nghiên cứu các nhiệm vụ, dự án, đề tài khoa học đạt kết quả tích cực, từng bước làm chủ các công nghệ then chốt trong lĩnh vực radar, đồng thời luôn bám sát thực tiễn, ứng dụng kết quả nghiên cứu cùng đơn vị làm chủ VKTBKT hiện đại, bảo đảm tốt kỹ thuật phục vụ huấn luyện, SSCĐ, đó là những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của Viện Radar (Viện Khoa học và Công nghệ (KHCN) Quân sự, Bộ Quốc phòng) thời gian qua.

Góp phần làm "mắt" các chiến sĩ radar thêm sáng

Trạm Radar 500 thuộc Tiểu đoàn 151 (Vùng 1 Hải quân) là một trong những đơn vị được các nhà khoa học của Viện Radar thường xuyên hỗ trợ bảo đảm kỹ thuật. Nhiều cấu kiện siêu cao tần phức tạp như bộ khuếch đại tạp thấp, bộ xoay pha, bộ cộng, chia công suất; các hệ thống xử lý tín hiệu… đã được viện nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng tại trạm.

Theo Đại úy Nguyễn Danh Ngọc, Trạm trưởng Trạm Radar 500, nhờ sự giúp đỡ của Viện Radar mà hệ thống radar của đơn vị luôn hoạt động tin cậy, ổn định, đáp ứng yêu cầu SSCĐ trong mọi tình huống.

Nhằm giúp đơn vị làm chủ vũ khí trang bị, bảo đảm kỹ thuật tốt nhất cho khí tài radar, góp phần để "mắt" các chiến sĩ radar thêm sáng,

Viện Radar thường xuyên bám sát thực tiễn, tích cực ứng dụng kết quả nghiên cứu để chế tạo vật tư, linh kiện thay thế cho các loại radar, nhất là radar thế hệ mới; tham gia cải tiến, hiện đại hóa các đài radar thế hệ cũ…

Thượng tá, TS Lê Duy Hiệu, Chính trị viên Viện Radar cho biết: Thời gian qua, viện đã chủ trì cải tiến, hiện đại hóa một số loại radar cảnh giới biển của Hải quân và radar điều khiển hỏa lực trên tàu.

Viện đang thử nghiệm và chuẩn bị đưa vào sử dụng bộ khuếch đại công suất ở tần siêu cao với công suất radar hơn 300W phục vụ cho sản phẩm quốc gia và một số loại radar hiện đại khác. Không chỉ giúp bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân, viện còn tham gia bảo đảm kỹ thuật cả trong lĩnh vực hàng không dân dụng, khí tượng…

Ngay sau khi thành lập vào năm 1981, Viện Radar đã thực hiện thành công nhiều chương trình, dự án, đề tài khoa học trong lĩnh vực radar và kỹ thuật siêu cao tần, tiêu biểu như cải tiến radar COH-4 thành radar cảnh giới biển RB79; cải tiến radar cảnh giới biển 402, radar cảnh giới phòng không P12…

"Phát huy truyền thống, thành tích vẻ vang, những năm qua, viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu KHCN; nghiên cứu làm chủ vũ khí trang bị, khí tài radar hiện đại; tham gia tư vấn kỹ thuật công nghệ trong lựa chọn, mua sắm trang bị, khí tài radar…", Đại tá, TS Trần Văn Hùng, Viện trưởng Viện Radar khẳng định.

Giai đoạn 2010-2015, Viện Radar đã thực hiện 46 đề tài, nhiệm vụ các cấp, trong đó 2 đề tài cấp Nhà nước, 6 đề tài và nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng.

Điển hình là các đề tài nghiên cứu về ăng-ten mạng khe, ăng-ten mạng pha; khuếch đại công suất tín hiệu siêu cao tần (băng tần X) dùng linh kiện bán dẫn; nghiên cứu phát triển radar thụ động; nghiên cứu thiết kế chế tạo radar cảnh giới biển cỡ nhỏ, tầm gần phục vụ cảnh giới biển, thuộc chương trình phát triển sản phẩm quốc gia…

Hầu hết sản phẩm của đề tài, nhiệm vụ được đưa vào thử nghiệm, sử dụng trong thực tế, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, SSCĐ của đơn vị. Các kết quả nghiên cứu là nền tảng để viện từng bước làm chủ các công nghệ then chốt trong lĩnh vực radar.

Chú trọng xây dựng tiềm lực KHCN

Có được những thành tích trên, theo Thượng tá, TS Lê Duy Hiệu, bên cạnh sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên thì một nguyên nhân quan trọng là do viện đã chú trọng xây dựng tiềm lực KHCN, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Từ thực tế ở bộ phận mình, Thiếu tá Nguyễn Khả Hậu, Phó trưởng phòng Thiết kế hệ thống, Viện Radar, chia sẻ: Xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ trước hết là đầu tư cho con người.

Ở Phòng Thiết kế hệ thống, hầu hết là cán bộ trẻ nhưng đều được đào tạo cơ bản, bồi dưỡng thường xuyên. 100% cán bộ nghiên cứu được giao nhiệm vụ theo năng lực, nhờ đó thời gian qua, phòng đã chủ trì nghiên cứu hiệu quả một số đề tài cấp Bộ Quốc phòng, có nhiều sản phẩm được ứng dụng trong bảo đảm kỹ thuật cho đài radar…

Đại tá, TS Trần Văn Hùng cho biết, để không ngừng củng cố, nâng cao tiềm lực KHCN, viện thường xuyên cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ làm nghiên cứu sinh; chú trọng rèn luyện cán bộ khoa học thông qua việc đi thực tế tại cơ sở, rèn luyện năng lực nghiên cứu độc lập và khả năng làm việc theo nhóm…

Bên cạnh đó, viện cũng tập trung khai thác hiệu quả các trang bị, phòng thí nghiệm hiện có, điển hình như Phòng Thí nghiệm siêu cao tần-quang điện tử; tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm.

Hiện nay, Dự án phòng thí nghiệm thiết kế, chế thử và thử nghiệm radar phục vụ chương trình sản phẩm quốc gia với nhiều trang bị hiện đại đang được triển khai đầu tư xây dựng. Đây sẽ là công trình quan trọng góp phần nâng cao tiềm lực KHCN của viện trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại