Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái 7.000 tỷ: Bộ Giao thông từng đề xuất vay ODA Trung Quốc

Nguyễn Thảo |

Bộ Giao thông vận tải từng có văn bản báo cáo Thủ tướng đề nghị đưa 2 tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào danh mục dự án vay vốn ODA Trung Quốc, đồng thời đã xây dựng đề cương chi tiết dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đề xuất vay vốn ODA

Liên quan đến thông tin Trung Quốc muốn cho Việt Nam vay 300 triệu USD tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, theo nguồn tin của BizLIVE, hồi đầu năm 2016, Bộ này đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sớm đầu tư hoàn thiện đoạn cao tốc, chấp thuận chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc để đầu tư tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái từ UBND tỉnh Quảng Ninh về Bộ Giao thông vận tải.

Cụ thể, tại văn bản này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, tuyến đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái là đoạn tuyến cao tốc được xác định trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020, theo quy hoạch, đoạn cao tốc Hạ Long - Móng Cái được ưu tiên đầu tư hoàn thành trước năm 2020.

Để đáp ứng nhu cầu vận tải Thủ tướng đã giao UBND Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư theo hình thức BOT dự án xây dựng đường bộ cao tốc Hạ Long - Móng Cái và cải tạo nâng cấp QL 18 đoạn Hạ Long - Móng Cái.

Theo Bộ Giao thông, do tổng mức đầu tư tuyến đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái lớn nên UBND tỉnh Quảng Ninh mới triển khai thực hiện đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, chiều dài 59,7km, kết hợp cải tạo, nâng cấp QL 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức BOT dự kiến hoàn thành năm 2018.

Công văn do Bộ trưởng Đinh La Thăng (khi ấy) ký nêu rõ, do nhu cầu cần thiết phải đầu tư tiếp đoạn cao tốc từ Vân Đồn - Móng Cái khoảng 90km nhằm hoàn thiện đoạn tuyến cao tốc từ Hạ Long đến Móng Cái, kết nối cửa khẩu quốc tế Móng Cái với khu di sản thế giới Hạ Long và các cảng biển quốc tế khu vực phía Bắc như Cái Lân, cảng Hải Phòng, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực, Bộ Giao thông vận tải từng có văn bản số 9192 ngày 15/7/2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị đưa 2 tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào danh mục dự án vay vốn ODA Trung Quốc, đồng thời đã xây dựng đề cương chi tiết dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng chấp thuận chuyển thầm quyền quyết định đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc để thực hiện đầu tư đoạn tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái từ UBND tỉnh Quảng Ninh về Bộ Giao thông vận tải theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 2529/VPCP-HTQT ngày 25/11/2015 nêu trên, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với UBND Quảng Ninh trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư đoạn tuyến này”, công văn của Bộ Giao thông nêu.

"Vay ưu đãi đều có ràng buộc"

Mới đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có báo cáo về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Theo thông tin trên Dân trí, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục khẳng định, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là dự án quan trọng, cấp bách và có tầm quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông nêu rõ lý do cần phải chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ UBND tỉnh Quảng Ninh sang Bộ Giao thông. Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng, đây là dự án có nguồn thu trực tiếp, không thuộc đối tượng cấp phát mà lại từ nguồn vốn vay của Chính phủ, trong khi Bộ Giao thông không thuộc đối tượng vay lại theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị không chuyển thẩm quyền đầu tư và không áp dụng cơ chế sử dụng vốn cấp phát cho dự án.

Cũng theo Bộ Tài chính, do dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định về thẩm quyền đầu tư nên Bộ Giao thông gửi đề cương để đăng ký sử dụng vốn vay là chưa có căn cứ pháp lý.

Bộ Tài chính cũng đề nghị chủ đầu tư phân tích đầy đủ về hiệu quả kinh tế và có phương án tài chính phù hợp với quy định trước khi đề xuất về nguồn vốn sử dụng và cơ chế tài chính cho dự án.

Bộ này cũng cho biết, các khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc đều là các khoản vay có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị Trung Quốc. Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp.

Giải trình về các nguồn vốn cho dự án này, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, dự án này khó thu hút các nhà đầu tư tham gia theo hình thức BOT do kinh phí đầu tư lớn. Ngoài ra, đây là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư, đặc biệt thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông không thu phí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại