Chủ tịch QH: "Tôi sẽ nhắc ông Võ Kim Cự không tránh né báo chí"

Hoàng Đan |

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bà sẽ nhắc ông Võ Kim Cự phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là khi giai đoạn đó mình đang là lãnh đạo tỉnh nhà.

Sáng 23/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí sau khi được bầu tái đắc cử vào sáng 22/7.

Tham dự buổi gặp còn có các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Tổng thư ký Quốc hội và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội.

Nhấn mạnh hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội xác định sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân đặt ra với những người đứng đầu các cơ quan.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, chuyển dần từ một Quốc hội tham luận (chuẩn bị trước) sang một Quốc hội thảo luận và tranh luận. Khuyến khích tinh thần tranh luận, thảo luận về hội trường là một mục tiêu Chủ tịch Quốc hội đề ra.

Sau phần trình bày, Chủ tịch Quốc hội dành thời gian để trao đổi trực tiếp với các cơ quan báo chí. Phóng viên các báo đã đặt câu hỏi về một số vấn đề nóng hổi, dư luận quan tâm:

PV Thời báo Kinh tế VN: Kinh nghiệm của nguyên Chủ tịch QH khóa 13 Nguyễn Sinh Hùng bà tâm đắc nhất điều gì và bà sẽ phát huy như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân: Đây là một người tiền nhiệm mà tôi học tập rất nhiều. Tôi có thời gian làm viện tại Bộ Tài chính và khi nguyên Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng làm Phó Thủ tướng TT thì tôi là thành viên Chính phủ

Cái kinh nghiệm mà tôi tâm đắc nhất là bản lĩnh chính trị và quyết đoán.

Bản lĩnh chính trị khi đứng trước các vấn đề hết sức khó khăn và tính quyết đoán khi thấy việc đó đúng với tình hình, chủ trương. Khi quyết đoán sai thì sẽ chịu trách nhiệm.

Luật Biểu tình lùi vô thời hạn, bà có thể nói gì về điều này?

Quyền biểu tình đã quy định trong Hiến pháp. Luật Biểu tình là liên quan đến quyền của công dân. Lùi Luật Biểu tình để nghiên cứu một cách căn cơ, thấu đáo, phù hợp với tình hình đất nước.

Đất nước ta rất ổn định còn nhiều nơi lo lắng nên ban hành Luật như thế nào thì phải phù hợp với lợi ích, tình hình đất nước. Chúng ta phải bảo đảm quyền của người dân nhưng phải tuân thủ pháp luật, tránh làm rối loạn/

Luật Biểu tình sẽ được QH khóa 14 xem xét kỹ lưỡng sau khi Chính phủ trình.

PV Truyền hình Nhân dân: Thời gian tới, để phát huy tính dân chủ của Quốc hội cần phát huy điều gì?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: QH là dân, dân bầu ra, nói tiếng nói của dân, nghe được hơi thở, tâm tư, tình cảm của dân. Phải trở thành diễn đàn đưa tại QH thảo luận. 3 chức năng cơ bản của QH phải phù hợp với lợi ích, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, Đó là phát huy dân chủ.

PV Tuổi trẻ: Vấn đề nợ công tăng cao, xin bà cho biết quan điểm?

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: QH đang kiểm soát chặt chẽ nợ công. QH cũng có trách nhiệm trong việc phát hành trái phiếu bao nhiêu... có Nghị quyết của Quốc hội.

Quốc hội khóa này. quyết tâm kiểm soát chặt chẽ nợ công. Chúng tôi đã yêu cầu CP có báo cáo riêng. Hiện nợ công vẫn nằm trong tầm quyết soát nhưng QH yêu cầu có an toàn hay không, an toàn đã vay phải trả, làm có hiệu quả không không mới là an toàn chứ không phải trên dưới 65%.

Hiện nợ công đang có vấn đề, chưa có nguồn lực để trả đúng hạn nên đã xảy ra việc vay để trả nợ đáo hạn.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa có đề xuất thành lập Ủy ban lâm thời điều tra Formosa, bà nghĩ sao?

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Hiện nay chưa có chủ trương này. Để có kết luận về Formosa Chính phủ đã rất cố gắng, huy động nhà khoa học trong và ngoài nước, kiểm tra thực địa, đối tượng đã nhận, cam kết bồi thường, thay đổi công nghệ...

Đó là thắng lợi bước đầu. Dân nói chậm nhưng biển mênh mông làm rõ phải có căn cứ khoa học, khách quan, rõ ràng

Chính phủ đang thực hiện việc này. Chúng tôi sẽ giám sát. Chưa đặt Ủy ban lâm thời vì các cơ quan đã vào cuộc. Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, nghe báo cáo, chỉ đạo về vụ Formosa. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ.

PV VNexpress: Sự cởi mở của ĐBQH với báo chí nhưng báo chí chúng tôi khó tiếp cận với một số ĐBQH có liên quan và khó tiếp cận với nguyên Bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự, xin bà chia sẻ về điều này?

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Vấn đề Formosa thực ra bản thân chúng tôi cũng biết chi li, cặn kẽ, nguyên nhân thôi nhưng có thể nhiều ĐB ở địa phương khác không ở Hà Tĩnh thì không biết rõ. Do đó, ĐB thông tin cho báo chí thì phải biết rõ thì mới nói chứ không phải Formosa thì ĐB nào cũng biết.

Cụ thể, ông Võ Kim Cự mà tránh thì là quyền của ông Võ Kim Cự, hôm nay tôi mới biết. Tôi sẽ gặp gỡ ông Võ Kim Cự để nhắc nhở, là ĐBQH thì phải tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí.

Nhất là sự kiện xảy ra trong lúc mình làm lãnh đạo tỉnh nhà thì hơn ai hết mình phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí . Những thông tin cung cấp, kịp thời cho báo chí thì báo chí sẽ có nhìn nhận đầy đủ, đưa thông tin kịp thời còn hơn chúng ta cứ mập mờ, tránh né.

Trong sinh hoạt với ĐBQH, tôi cũng nói có những cái trả lời báo chí có những cái từ chối không hay. Do đó, chúng tôi trong sinh hoạt với ĐBQH chúng tôi sẽ đề nghị ĐB cung cấp thông tin chính thức những thông tin trung thực, khách quan, còn cảm nhận thì tùy ĐB.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho hay, được sự tín nhiệm của QH khóa 14, lãnh đạo Quốc hội thấy trách nhiệm rất nặng nề khi được cử tri bầu làm ĐBQH và QH bầu đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng mà cử tri cả nước giao.

"Chúng tôi sẽ phát huy kinh nghiệm của các lãnh đạo tiền nhiệm cùng với tập thể UBTVQH và các ĐBQH thực hiện đúng thẩm quyền theo Hiến pháp, pháp luật", bà Ngân nêu.Bà Ngân cũng nhắc lại lời cam kết về việc sẽ hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và niềm tự hào của dân tộc.

Nói về hoạt động lập pháp, Chủ tịch Quốc hội trình bày, Quốc hội khóa XIV sẽ cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế Nghị quyết Đảng vào hệ thống pháp luật. Quốc hội cũng tập trung hoàn thiện các luật về quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các hiệp ước Quốc tế, các cam kết với Liên Hợp Quốc khi Việt Nam tham gia tổ chức này.

Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội dự kiến sẽ chọn những vấn đề đang bức xúc trong cuộc sống để trình Quốc hội chấp nhận giám sát một vài chuyên đề, một số khác sẽ giao UB Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát, sau nữa tới các UB của Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động điều trần cụ thể với những vấn đề phát sinh.

Quốc hội sẽ tập trung vào những dự án trọng điểm, giám sát những vấn đề chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng. Để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm này, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động.

Trước hết là nghiên cứu đổi mới quy trình lập pháp theo hướng chú trọng đến chất lượng và tính khả thi của các dự án luật, từ khâu xây dựng đề cương của các đạo luật, lấy chất lượng là tiêu chí hàng đầu, để khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, thiếu tính khả thi.

Thực tế, bà Ngân xác nhận, có những đạo luật ban hành chưa phù hợp và theo kịp yêu cầu của cuộc sống. Tính khả thi, theo đó, là yêu cầu rất quan trọng với hoạt động lập pháp.

Nói thêm về hoạt động giám sát, theo bà Ngân, trong khóa XIII, Quốc hội đều ra Nghị quyết sau mỗi cuộc giám sát, ví như cuộc giám sát về chính sách đầu tư các công trình thủy điện. Theo đó, Quốc hội đã dứt khoát yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch hàng trăm dự án, công trình.

Nghị quyết giám sát này sẽ được theo dõi đến cùng trong khóa XIV này, chứ nhất quyết không để tình trạng "đánh trống bỏ dùi". Quốc hội sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại