Vắng bóng sau sự cố
Từ tháng 4/2016, khi cá bắt đầu chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, người được báo chí săn đón là ông Võ Kim Cự. Dù PV nhiều lần liên lạc chỉ một lần ông bắt máy.
PV Tiền Phong ngỏ ý muốn gặp, trao đổi về những vấn đề liên quan Formosa, ông lập tức từ chối, nói "thông cảm" rồi cúp máy.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho PV Tiền Phong biết, giờ Bí thư hay Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh gọi, ông Cự cũng không nghe máy!
Liên quan dự án Formosa, kể từ năm 2008, khi tập đoàn của Đài Loan đổ bộ vào Kỳ Anh, Tiền Phong đăng nhiều bài điều tra, cảnh báo về những vấn đề nổi cộm liên quan Formosa (từ chính sách ưu đãi, các yêu sách vô lý, năng lực tài chính, đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư,...). Dù rất khó tiếp cận, nhưng PV Tiền Phong vẫn "đụng" ông Cự 3 lần.
Lần đầu, vào năm 2008, khi ông còn là Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng. Gặp tại trụ sở Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH-ĐT) ở đường Hoàng Diệu, Hà Nội.
Chỉ chào nhau trong chốc lát, nhưng tôi biết ông đến để hỏi về các thủ tục khi muốn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Formosa (sở dĩ tôi biết được thông tin này vì lúc đó vừa làm việc với ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài về Formosa).
Lần thứ 2 tôi gặp ông là tháng 8/2010. Sau khi không thể liên lạc phỏng vấn về những vấn đề nổi cộm mà Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh về Fomosa, PV Tiền Phong đành lên chờ ngay cửa phòng làm việc của ông Cự tại trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Sáng đó, sau khi được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông trở về phòng làm việc với vẻ mặt hớn hở. Gặp PV Tiền Phong, ông nói: "Các cậu gọi nhiều quá. Không biết tôi đang bận à. Thôi gặp 5 phút nhé!".
Chúng tôi bước vào phòng, chưa kịp đặt vấn đề, ông nói liền tù tì một mạch về Formosa. Câu chuyện giữa PV và ông Cự kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ.
Sau đó Tiền Phong có bài phỏng vấn ông Võ Kim Cự: "Nếu trục trặc, mất luôn môi trường đầu tư" (http://m.tienphong.vn/xa-hoi/neu-truc-trac-mat-luon-moi-truong-dau-tu-508506.tpo).
PV Tiền Phong (đội mũ) được lãnh đạo sở ban ngành Hà Tĩnh dẫn đi kiểm tra tại dự án Formosa (Trong ảnh: Người mặc áo trắng bên phải là ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh). Ảnh: Công Hùng.
Lần gặp thứ 3, tháng 5/2014. Có lẽ đây là lần gặp đầy cảm xúc của ông Cự. Ông liên tục phản ứng các nội dung trong loạt bài viết về Formosa.
Buổi sáng, ông cử đại diện các sở, ban ngành của tỉnh dẫn đoàn công tác báo Tiền Phong đi khảo sát ở Formosa và các xã lân cận Khu kinh tế Vũng Áng.
Buổi chiều, ông bố trí đầy đủ đại diện lãnh đạo các sở ban ngành Hà Tĩnh (phó bí thư Tỉnh ủy, các phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Ban Tuyên giáo, lãnh đạo Sở Công an, TT-TT, TN&MT, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh...) làm việc với đoàn công tác báo Tiền Phong.
Tại buổi làm việc, ông Cự "đay nghiến" về những nội dung phản ánh trên Tiền Phong. Ông nói liền một mạch hơn 1 giờ đồng hồ mà không cho một đại diện sở, ban, ngành nào của Hà Tĩnh lên tiếng.
Vì sao chọn Formosa?
Thực tế, trước khi Formosa vào Khu Kinh tế Vũng Áng làm nhà máy và cảng biển, trước đó, Tata - một tập đoàn có kinh nghiệm sản xuất thép hơn 100 năm của Ấn Độ đã quyết tâm đầu tư vào Vũng Áng.
Nhưng sau đó, chính ông Võ Kim Cự đã chọn Formosa và ký cấp phép cho Formosa đầu tư thời hạn tới 70 năm (sau này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc cấp phép này trái với quy định của pháp luật).
Lúc đó, trả lời phỏng vấn của PV Tiền Phong, ông Cự khẳng định: "Đúng là Tata vào trước... Đáng ra, Tata phải được ưu tiên nhưng do họ triển khai quá chậm nên Formosa đã chớp lấy cơ hội!".
Thực tế, từ ngày Formosa vào Kỳ Anh đến nay, đã có biết bao hệ luỵ.
Bên cạnh một nhà máy sừng sững và phần nào đó có sự thay da đổi thịt ở 5 xã thuộc huyện Kỳ Anh cũ (nay là TX Kỳ Anh) thì kèm theo đó là cả tá hệ luỵ mà không một khoản tiền nào bù đắp nổi.
Người dân sau khi nhường đất cho Formosa, di dời lên chỗ ở mới, gặp nhiều khó khăn. Tiền đền bù, người dân cho xây nhà mới, rồi mua sắm phương tiện, đồ dùng...
Công việc của đa số người dân luôn bấp bênh, trong khi việc chuyển đổi nghề rất chậm. May chăng, người dân ở 5 xã (nay là phường) dọc quốc lộ 1A có thể làm thêm các nghề dịch vụ.
Nhưng dịch vụ phát triển, cũng là lúc kéo theo hàng loạt tệ nạn xã hội.
Theo nhiều người, tình hình tại các phường thuộc thị xã Kỳ Anh nơi tiếp giáp với Formosa giờ rất phức tạp. Các tệ nạn như ma tuý, mại dâm, bảo kê... đã được các cơ quan chức năng ở đây cảnh báo nhiều lần.
Từ khi lộ chuyện Formosa xả thải trộm khiến cá chết hàng loạt, mọi hoạt động của người dân tại Kỳ Anh bị đảo lộn. Ngư dân ngại không ra khơi đánh cá.
Buôn bán cầm chừng. Cửa hàng ăn uống héo hon. Vào mùa hè, trước đây du khách thường tấp nập, nay biển vắng hoe.
Đỉnh điểm, Formosa lại tiếp tục đổ bùn thải gây ô nhiễm môi trường tại thị xã Kỳ Anh và Cẩm Xuyên (đang có thông tin Formosa ký kết đổ chất thải với một doanh nghiệp tại Phú Thọ) càng khiến người dân cả nước bức xúc.
Hành vi thiếu tôn trọng pháp luật về môi trường của Formosa ngày càng rõ khiến dư luận đặt câu hỏi: Khi cấp phép cho Formosa, ông Võ Kim Cự và các bộ ngành liên quan đã tính đến phương án xử lý chất thải cho Formosa trong suốt 70 năm hay chưa?
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan Formosa, đặc biệt là những người trực tiếp cấp phép cho Formosa.
Trích phỏng vấn ông Võ Kim Cự khi dự án Formosa chưa đi vào hoạt động, tháng 8/2010:
Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự án?
Tôi khẳng định đây là dự án chủ lực của Hà Tĩnh. Nếu đi vào hoạt động, dự án sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Riêng tiền thu được từ thuế cũng lên đến hàng chục tỷ USD. Ngoài ra, còn tạo ra hàng ngàn việc làm cả trong và ngoài hàng rào nhà máy.
Khi đi vào hoạt động, 12 huyện thị của Hà Tĩnh sẽ trở thành khu hậu cần cho dự án. Hơn nữa, dự án sẽ tạo ra cú hích để cấu trúc lại kinh tế cho nhiều thế hệ. Đây là cơ hội tốt để người dân Hà Tĩnh đổi đời.
Tuy nhiên, nếu không có dự án hoặc dự án bị trục trặc (chúng tôi cũng đã đặt ra giả thiết từ đầu) thì cái mất lớn nhất là Hà Tĩnh mất luôn môi trường đầu tư. Dự án này quyết định sự phát triển của Hà Tĩnh.