Hà Nội trồng nhiều phượng: Chuyên gia chê "vẫn lười suy nghĩ"

Hoàng Đan |

TS Hiệp cho rằng, nếu vào mùa hè, Hà Nội có những đợt nắng nóng hơn 40 độ C, đi trên những tuyến phố ngập màu đỏ hoa phượng sẽ thấy không khí ngột ngạt hơn.

Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 300 cây phượng được công ty trồng mới trên dải phân cách các tuyến phố Kim Liên - Xã Đàn, Hoàng Cầu, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, đầu đường Giải Phóng…

Ngoài ra, Công ty Cây xanh cũng đang tiếp tục khảo sát các tuyến phố khác để xem xét trồng nếu hội đủ điều kiện.

Xung quanh việc Hà Nội trồng "ồ ạt" cây phượng, trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam cho hay, phượng cũng là loại cây có thể trồng trong đô thị.

Đồng thời, phượng có đặc tính tán lá phát triển ngang, không vươn lên cao, gỗ phượng giòn, dễ gãy. Tán phượng thưa, đảm bảo tỉa cành thường xuyên cây sẽ ít gãy đổ vào mùa mưa bão.

Tại Hải Phòng trồng gần như toàn thành phố và Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác cũng đã trồng phượng trên nhiều tuyến phố từ hàng chục năm nay.

"Phượng là loại cây phù hợp làm cây đô thị nhưng không phải lựa chọn duy nhất để trồng đại trà trên dải phân cách như Hà Nội đang làm", ông Hiệp nói.

Hà Nội trồng nhiều phượng: Chuyên gia chê vẫn lười suy nghĩ - Ảnh 1.

TS Nguyễn Tiến Hiệp

TS Hiệp nêu quan điểm, trong việc lựa chọn cây trồng đô thị thì không những phải chỉ chọn cây đảm sự thích nghi, sống sót mà còn phải chú ý đến cả yếu tố cảnh quan.

"Ở đây, thành phố có cả một Hội đồng để thẩm định, xem xét nhưng nếu vào mùa hè, Hà Nội có những đợt nắng nóng hơn 40 độ C, đi trên những tuyến phố ngập màu đỏ hoa phượng, tôi thấy không khí ngột ngạt hơn.

Màu đỏ hoa phượng sẽ bớt đơn điệu hơn khi được điểm xuyết khéo léo với những cây khác. Có lẽ Hà Nội vẫn lười suy nghĩ trong việc chọn, trồng cây", ông Hiệp nêu ý kiến.

TS Hiệp cho rằng dải phân cách có khoảng không rộng, nên trồng những cây có tán lớn như những loại cây họ dầu, chẳng hạn là sao đen, thân thẳng, cao.

Đồng quan điểm đó, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho hay, dải phân cách có không gian rất hẹp, rễ cây khó phát triển vì ở đây toàn đất đá, vật liệu, phế phẩm dư thừa khi làm đường đổ vào.

"Hơn nữa, không gian này có thể biến đổi theo thời gian, nhất là khi giao thông chật chội có thể thu hẹp dải phân cách để mở rộng đường.

Trong khi hoa phượng đỏ là một cây cổ thụ, cây lâu năm mà Hà Nội lại trồng vào vị trí không đủ không gian sống, không ổn định là không hợp lý. Phượng trồng ở trên vỉa hè hợp lý hơn", GS Đăng nêu.

Theo ông Đăng, đối với dải phân cách có thể trồng một số loài cây như hoa giấy ở Vĩnh Phúc; cây thông gió như ở Nha Trang… rất đẹp và không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trước đó, trả lời về lo ngại cây phượng dễ gãy đổ khi gió bão, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho rằng, trước khi trồng phượng, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến của các nhà chuyên môn và đã đi đến thống nhất.

"Hải Phòng, Đà Nẵng là hai thành phố biển thường đón bão nhưng vẫn trồng nhiều phượng không hề có vấn đề gì. Ngoài ra, cây cũng được cắt tỉa thường xuyên để đề phòng việc gãy đổ", ông Hưng cho biết.

Về ý kiến nói phượng rụng lá nhiều, ông Hưng nói các loại cây khác cũng rụng lá không kém và việc này "đã có công nhân môi trường dọn vệ sinh hằng ngày nên không ngại".

Liên quan tới băn khoăn của các chuyên gia về việc trồng cây to đã bị cắt tỉa cành trước dễ gây nấm mốc xâm nhập làm rục muỗng thân cây, ông Hưng cho rằng đây là lựa chọn tối ưu vì trồng cây to thì thời gian phủ xanh đô thị sẽ nhanh hơn cây nhỏ rất nhiều.

Còn việc sợ nấm mốc xâm nhập, đơn vị trồng sẽ có phương pháp khoa học và khi trồng tuân thủ đúng kỹ thuật thì không vấn đề gì.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại