Theo Sputnik, Lầu Năm Góc có vẻ đang đánh cược tương lai của quân đội Mỹ vào pháo điện từ - loại vũ khí được một số người tung hô là có tiềm năng "thay đổi cuộc chơi".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thứ vũ khí vẫn còn đang thử nghiệm này có nhiều điểm yếu làm hạn chế hiệu quả tác chiến của nó, ít nhất là cho tới hiện tại.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Konstantin Sivkov đánh giá, pháo điện từ là loại vũ khí uy lực và nguy hiểm:
"Không loại giáp nào có thể chống đỡ viên đạn bắn ra từ pháo điện từ. Nó còn có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa".
Pháo điện từ bắn ra viên đạn có vận tốc tối đa 4.500 dặm một giờ (hơn 1 dặm/giây), chọc thủng gần như bất cứ thứ gì trên đường đi của nó.
Các quan chức Mỹ hy vọng pháo điện từ có khả năng gây ra thiệt hại lớn cho bất cứ loại vũ khí nào (của đối phương), trong đó có máy bay và tên lửa.
Tiêu thụ nguồn điện quá lớn là một trong những điểm yếu của pháo điện từ.
Siêu pháo điện từ của Lầu Năm Góc vẫn đang trong quá trình phát triển, tuy nhiên, nó có thể được đưa vào trang bị sớm hơn dự đoán.
Theo các báo cáo chưa được xác thực, các cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên của mẫu pháo này sẽ được tiến hành trong mùa hè năm nay, có thể là trên tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Zumwalt (DDG-1000).
Ông Sivkov cho biết, Zumwalt là tàu chiến duy nhất của Mỹ hiện nay có thể cung cấp đủ năng lượng điện cho pháo điện từ bởi loại pháo này cần rất nhiều năng lượng điện, tới 25 megawatt. Đây cũng chính là điểm yếu của nó.
"Các trường điện từ mạnh sẽ làm lộ vị trí của phương tiện chiến đấu được trang bị pháo điện từ. Ngoài ra, bạn sẽ cần một nguồn cung cấp năng lượng rất lớn để sử dụng nó" - ông Sivkov nói.
Lầu Năm Góc sẽ tìm cách áp dụng công nghệ mới cho các tàu chiến khác nhưng điều này sẽ cần thời gian.
Trong khi đó, dự kiến phải tới tháng 10, Hải quân Mỹ mới đưa vào biên chế chiếc tàu đầu tiên lớp Zumwalt.
Minh họa cơ chế hoạt động của pháo điện từ.
Sở dĩ, Lầu Năm Góc đang đầu tư vào pháo điện từ vì công nghệ này mang lại cho họ 3 lợi thế.
Pháo điện từ không dùng thuốc súng hay chất nổ. Nó có băng đạn không giới hạn, khó khăn duy nhất là công suất điện và làm mát.
Ngoài ra, pháo điện từ có chi phí phải chăng so với các dự án khác của Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Mỹ. Chẳng hạn, chương trình F-35 Lightning II của Lockheed Martin có chi phí xấp xỉ 100 triệu USD mỗi chiếc, còn tàu USS Zumwalt ước tính có chi phí lên tới 4,4 tỷ USD.
Trao đổi với hãng thông tấn RIA Novosti, chuyên gia Franz Klintsevich cho biết, các nhà thiết kế Nga cũng đang nghiên cứu công nghệ tương tự.
Theo ông Klintsevich, thông tin mà các phương tiện truyền thông đưa ra về cuộc thử nghiệm mới nhất của pháo điện từ Mỹ "không có gì đáng ngạc nhiên" và Nga "cũng đang chủ động phát triển mẫu pháo điện từ của riêng mình".
Khác với nhận định ở trên, ông Klintsevich cho rằng pháo điện từ vẫn còn quá đắt đỏ và đây là thách thức chính liên quan tới công nghệ mới mà Mỹ vẫn chưa thể giải quyết.
Trước đó, theo tờ Wall Street Journal, Lầu Năm Góc kỳ vọng "pháo điện từ có thể được sử dụng để 'bảo vệ' vùng Baltic trước Nga, cũng như hỗ trợ đồng minh của Mỹ đối phó Trung Quốc ở Biển Đông".