Nghi án hối lộ 1 tỉ: Chủ thương hiệu C2, Rồng đỏ cần làm gì?

Hoàng Đan |

Dù Bộ Y tế đã công bố hàm lượng chì trong nước Rồng đỏ, C2 "nằm trong giới hạn" cho phép nhưng trước nghi án "đút lót" 1 tỷ đồng, chuyên gia cho rằng, công ty URC phải làm ngay một số việc.

Minh bạch thông tin

Trên mạng xã hội đang xôn xao về một email được cho là từ Công ty URC, với đuôi hòm thư là ...@urc.com.vn.

Nội dung trong đó đề cập đến đề nghị mang 1 tỷ đồng "đút lót" cho 2 cá nhân ở một cơ quan thuộc ngành y tế để các mẫu nước C2, nước Rồng đỏ được đưa tới kiểm nghiệm cho kết quả như mong muốn.

Trong trả lời của mình, chiều 13/5, Viện trưởng Viện kiểm nghiệm thực phẩm Quốc gia và đại diện công ty URC đã bác bỏ thông tin này và hiện các cơ quan chức năng của Bộ Y tế cùng công an đã vào cuộc để điều tra, làm rõ.

Cũng trong chiều 13/5, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã có thông tin ban đầu về kết quả kiểm nghiệm 10 mẫu nước C2 và Rồng đỏ của Công ty URC Việt Nam do Viện Dinh dưỡng thực hiện với hàm lượng chì nằm trong giới hạn quy định.

Liên quan đến việc này, trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, marketing đều cho rằng, nghi án đút lót mới chỉ là những nghi vấn mơ hồ trên mạng xã hội, các thông tin chính thức sẽ phải do cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc xuất hiện thông tin như vậy đã ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của các sản phẩm nước C2, Rồng đỏ của Công ty URC.

Nghi án hối lộ 1 tỉ: Chủ thương hiệu C2, Rồng đỏ cần làm gì? - Ảnh 1.

Thạc sỹ, chuyên gia thương hiệu Đặng Thanh Vân. Ảnh: trang cá nhân.

Theo Thạc sỹ Đặng Thanh Vân, CEO Thanhs Brand, chuyên gia tư vấn thương hiệu, đây mới chỉ là nghi vấn, chưa có đầy đủ căn cứ nên trong trường hợp này, có một số việc URC cần làm ngay.

"Trước hết là đơn vị nên tổ chức họp báo hoặc chính thức thông tin về các kết quả kiểm nghiệm trước đây và hiện nay để chứng minh cho tính minh bạch.

Đồng thời, cam kết sẽ hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ nguồn tin thất thiệt gây thiệt hại cho thương hiệu và khẳng định cam kết của thương hiệu", bà Vân nhấn mạnh.

Cùng với đó, khẳng định lô hàng trong khoảng thời gian lưu hành nào đó có vấn đề về thương hiệu thì sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Trước một số lo ngại về việc khủng hoảng này của URC có thể dẫn tới khủng hoảng lan rộng như Tân Hiệp Phát cách đây chưa lâu, bà Vân cho rằng, điều đó không đáng lo.

Bởi, câu chuyện của Tân Hiệp Phát và URC có nhiều điểm khác nhau hoàn toàn. Với Tân Hiệp Phát là liên quan đến việc đưa người tiêu dùng vào tù còn ở đây là về chất lượng của sản phẩm.

"Như tôi đã nói, nếu lô hàng sản phẩm nào không đảm bảo chất lượng thì cần phải loại bỏ và minh bạch các thông tin kiểm nghiệm để dư luận biết.

Đồng thời, khẳng định rõ ràng các cam kết của thương hiệu. Đó là điều quan trọng nhất", bà Vân khẳng định.

Cũng theo bà Vân, nếu từ trước đến nay URC vẫn đang thể hiện hình ảnh về một thương hiệu năng động, nhiệt tình, đáng tin cậy, nay cần tiếp tục làm nổi bật những ưu thế đó.

"Thêm vào đó, tranh thủ thêm sự ủng hộ từ các nhóm khách hàng thay vì chỉ tập trung thanh minh.

Vì vậy, một trong những nguyên tắc cơ bản để phòng trừ khủng khoảng là thương hiệu phải liên tục tích lũy "tài sản" - chính là sự ủng hộ và tin cậy từ khách hàng trung thành và cộng đồng bằng nhiều chương trình hành động thiết thực và cụ thể.

Có như vậy khi gặp sự cố mới có "vốn liếng" để chống đỡ khó khăn", bà Vân chia sẻ.

Ba bước vô cùng quan trọng với URC

Còn theo ông Phạm Hùng Thắng, chuyên gia truyền thông - marketing, sáng lập Học viện Truyền thông & Marketing HEADS Academy, không riêng công ty URC bị tung tin như vậy mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đã gặp phải tình trạng này.

"Điều quan trọng hơn cả trong vấn đề xử lý những khủng hoảng này không phải ở phía truyền thông cũng không phải ở mạng xã hội mà lại nằm ở chính phía doanh nghiệp.

Có doanh nghiệp im lặng khi đó chỉ là tin đồn thiếu căn cứ. Có doanh nghiệp thì nhất quyết lên tiếng trừng trị thích đáng để rồi từ lúc đấu với một người trở thành đấu với cả một tổ chức rồi cao hơn là buộc phải đấu tranh với chính tòa án xã hội.

Lại có những doanh nghiệp vô cùng điềm đạm chưa cần để dư luận xác minh kỹ lưỡng trắng đen đã nhanh chóng nhận lỗi với toàn bộ khách hàng trên fanpage, nhận lỗi với dư luận", ông chia sẻ.

Nghi án hối lộ 1 tỉ: Chủ thương hiệu C2, Rồng đỏ cần làm gì? - Ảnh 2.

Chuyên gia Phạm Hùng Thắng. Ảnh: trang cá nhân.

Theo ông Thắng, URC VN không giống sự việc của một số hãng đã có bằng chứng quá rõ ràng từ một bản test sản phẩm.

"Họ không hề bỏ ngoài tai, làm ngơ hay đứng ngoài dư luận vụ việc này được bởi sản phẩm của họ gắn với người sử dụng bình dân rất dễ bị kích động, đồn thổi, lan truyền và tẩy chay.

Nhất là C2 lại là thứ đồ uống rất gia đình tới nỗi nhiều gia đình cho con uống hàng ngày, nên họ càng không thể làm ngơ được.

Và tốt nhất URC VN dù có cố gắng tìm kiếm hay trừng phạt người tung tin thì cũng hãy bằng cách âm thầm chứ đừng giống như một vài hãng để khiến cho tập thể khách hàng cùng phật ý không phải vì sản phẩm mà vì cách hành xử", ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho hay, URC VN cần thông tin minh bạch các kết quả kiểm định từ trong nước tới quốc tế để trấn an dư luận.

Đồng thời, cho mọi người thấy rằng, họ có đủ bằng chứng chứng minh họ không sai, vị tha với người gây ra vụ việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại