Biển Đông: Tàu cá Trung Quốc bao vây, bài toán quá khó cho Mỹ

Hải Võ |

Đối đầu Mỹ-Trung trên biển Đông dường như đã trở nên hết sức căng thẳng khi Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift cáo buộc quân đội Trung Quốc huy động "dân binh" ra biển.

Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei, Nhật Bản) đưa tin, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift phát biểu tại Washington hôm 6/5 đề cập đến việc chiến hạm Mỹ bị "dân binh trên biển" của Trung Quốc bao vây.

Ông Swift xác nhận việc các tàu khu trục Aegis của Hải quân Mỹ bị các tàu cá Trung Quốc có vũ trang bao vây trong khi thực hiện 2 nhiệm vụ tuần tra bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông thời gian qua.

Theo đó, tàu USS Lassen tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 10/2015 và tàu USS Curtis Wilbur tuần tra đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) tháng 1/2016 đã gặp phải tình trạng trên.

Theo Nikkei, quân đội Trung Quốc gần đây không ngừng tăng cường lực lượng phi quân sự, trong đó đáng kể nhất là xu hướng gia tăng số lượng "dân binh trên biển".

Đô đốc Swift chỉ trích, động thái này là sự khiêu khích và gây rối rõ ràng nhằm vào hoạt động của quân đội Mỹ tại biển Đông.

Ông cho biết đã nêu ý kiến với các quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc về vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh Mỹ lo ngại và hy vọng Trung Quốc ngừng ngay hoạt động của lực lượng "dân binh" này.

Đô đốc Mỹ nhấn mạnh, để tránh "những sự cố ngoài ý muốn", quân đội hai nước cần có thêm các cuộc đối thoại và hiệp thương.


Đô đốc Scott Swift (Ảnh: Stripes.com)

Đô đốc Scott Swift (Ảnh: Stripes.com)

Trung Quốc dùng ngư dân để đẩy "nhiệm vụ bất khả thi" cho Mỹ

Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) cho hay, Chính phủ Trung Quốc nắm trong tay cả một hệ thống tàu cá được cơ cấu như một tổ chức dân binh, trở thành lực lượng "quân sự dự bị" trong thời bình và cả khi xung đột bùng phát.

Lực lượng này tạo thành một sức mạnh "không chính quy" của Trung Quốc trên biển, nhằm mục đích giúp quân đội Trung Quốc đạt mục đích tăng cường hiện diện và bành trướng với giá thành thấp, gia tăng thách thức với các đối thủ về vấn đề tác chiến, pháp luật và chính trị.

Quy mô và phạm vi hoạt động của mạng lưới "dân binh trên biển" Trung Quốc đã làm phức tạp hóa "không gian và thời gian tác chiến", khiến quy trình quyết sách của các đối thủ bị chậm lại và đẩy các lực lượng như Mỹ vào thế "bí" về mặt chính trị.

Cách làm này cũng buộc các đối thủ của Bắc Kinh phải thận trong hơn khi đưa ra các phương án đối phó Trung Quốc và các mối đe dọa trên biển.


Các tàu cá Trung Quốc có khả năng tham gia xung đột đã khiến lực lượng tuần tra biển Đông của Mỹ đối diện rắc rối về pháp lý và cả chính trị nếu tấn công. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Các tàu cá Trung Quốc có khả năng tham gia xung đột đã khiến lực lượng tuần tra biển Đông của Mỹ đối diện rắc rối về pháp lý và cả chính trị nếu tấn công. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Theo The Diplomat, trên phương diện nguyên tắc hải chiến, sự xuất hiện của "dân binh trên biển" đã xóa bỏ sự phân biệt vốn rất rõ ràng trước đây giữa tàu chiến và tàu cá dân sự.

Hồi năm 2015, Học viện Hải chiến Hoa Kỳ (US Naval War College) đã triển khai nghiên cứu vấn đề "Quy tắc hải chiến và dân binh trên biển của Trung Quốc".

Quy tắc hải chiến bảo đảm tàu cá của các bên không bị bắt giữ hoặc tấn công trong thời gian xung đột.

Mặc dù tàu chiến của một bên có thể giao chiến với tàu cá dân sự đang hỗ trợ chiến hạm của đối phương, nhưng trên thực tế việc phân biệt tàu cá đang hoạt động hợp pháp và tàu "hỗ trợ phe địch" là gần như bất khả thi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại