Thủ tướng Nhật Bản tới Nga: "Cánh tay" giúp Putin thoát TQ?

Hải Võ |

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi, Nga vào hôm 6/5, một động thái cho thấy chuyển biến tích cực trong quan hệ hai nước.

Sputnik News (Nga) dẫn lời chuyên gia khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Victor Pavlyatenko cho rằng không nên đánh giá quá cao ý nghĩa chuyến thăm nga không chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Theo ông Pavlyatenko, cuộc gặp Abe-Putin sẽ không tạo ra những cạnh tranh quyết liệt hơn trong quan hệ "tam giác" Nga-Nhật Bản-Trung Quốc.

Ông nói: "Từ góc độ chính trị, quan hệ Nga-Trung vẫn là trục chính trong tam giác Nga-Trung-Nhật. Tokyo không có nhiều lý do để kỳ vọng."

Theo truyền thông Trung Quốc, báo chí Nhật Bản đã cố ý xây dựng luồng quan điểm "Abe thăm Nga sẽ tái cân bằng quan hệ ba bên", bởi việc Nga "ngả" theo Trung Quốc không có lợi cho Nhật.

Các nhà nghiên cứu của Nhật tin rằng, Trung Quốc không chỉ là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm, mà còn là đối tượng cần phải có cách tiếp cận hết sức thận trọng khi các mục đích và kế hoạch của Bắc Kinh có khả năng làm hỏng tình hình ổn định.

Chủ biên tờ Nihon Kezai Shimbun (Nikkei) của Nhật, ông Ikeda Motohiro, gần đây có bài bình luận nhận xét:

"Nếu Nga hy vọng thay đổi sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, qua đó đẩy mạnh ngoại giao cân bằng ở châu Á, thì đây sẽ là trợ lực lớn giúp cải thiện quan hệ Nga-Nhật."


Ông Putin trong cuộc gặp với ông Abe ngày 6/5 tại Bocharov Ruchei, khu nhà riêng của Tổng thống Nga tại Sochi. (Ảnh: Kommersant Photo)

Ông Putin trong cuộc gặp với ông Abe ngày 6/5 tại Bocharov Ruchei, khu nhà riêng của Tổng thống Nga tại Sochi. (Ảnh: Kommersant Photo)

Hoàn Cầu: Nga vẫn phải "dè chừng" Trung Quốc

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 8/5 đưa tin, có phân tích chỉ ra trong bối cảnh Bắc Kinh-Tokyo đang căng thẳng, quan hệ Nga-Nhật được cải thiện sẽ tạo ra ảnh hưởng tất yếu ở một mức độ nào đó đối với quan hệ Nga-Trung.

Nga "hiểu rõ điều này", vì vậy đã không sắp xếp tổ chức hội đàm Abe-Putin tại thủ đô Moscow mà lựa chọn thành phố Sochi, ngầm ám chỉ tính không chính thức của cuộc gặp.

Theo Hoàn Cầu, chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng thể hiện "sự chênh lệch" giữa Nga-Trung với Nga-Nhật.

Cải thiện với Nhật: Nga được nhiều lợi ích

Hãng tin TASS (Nga) cho hay, Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đã nhất trí về một kế hoạch hợp tác kinh tế gồm 8 điểm.

Mục tiêu của kế hoạch này là phát triển các lĩnh vực đổi mới ở Nga, nội dung bao gồm xây dựng các nhà máy gia công khí hóa lỏng, sân bay, bến cảng, cơ sở chăm sóc sức khỏe..., chủ yếu tại vùng Viễn Đông.

Phóng viên của tờ này ại Moscow ghi nhận, các tầng lớp ở Nga rất hoan nghênh chuyến thăm của Shinzo Abe, bởi dư luận nước này tin rằng mục tiêu của ông Putin là thông qua Nhật Bản để tạo chuyển biến trong quan hệ với Mỹ.

Phía Nga hy vọng Nhật Bản trở thành nhân tố chủ chốt trong công cuộc phát triển kinh tế Nga ở vùng Viễn Đông.

Đây là khu vực vốn đang bị đe dọa bởi sự bành trướng của người Trung Quốc. Giới nghiên cứu cũng như nhiều quan chức Nga đã cảnh báo sự hiện diện ngày càng rõ nét của kinh tế Trung Quốc tại đây.

Trong khi đó, phía Nhật cũng kỳ vọng thúc đẩy lĩnh vực tín dụng và đầu tư tại Nga, nhằm làm nhạt bớt vai trò của Trung Quốc.

Chuyên gia Trung Quốc: Còn quá sớm để nói

Chuyên gia Lữ Diệu Đông, Phó chủ nhiệm Phòng nghiên cứu quan hệ đối ngoại thuộc Sở nghiên cứu Nhật Bản, Viện khoa học xã hội Trung Quốc, bình luận: "Còn quá sớm để nói về sự cân bằng và chế ngự nhau trong quan hệ tam giác Nga-Trung-Nhật."

Trả lời Hoàn Cầu, ông Lữ cho biết Nga và Nhật Bản cho đến nay vẫn chưa ký kết hiệp định hòa bình và quan hệ hai nước khó có khả năng đạt được đột phá.

Ông này đánh giá, Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện chiến lược ngoại giao chủ động đối với Nga phần nhiều nhằm thúc đẩy hiện thực hóa chuyến thăm Nhật chính thức của Tổng thống Putin, tiến gần hơn đàm phán song phương về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Nhà nghiên cứu Châu Vĩnh Sinh thuộc Học viện ngoại giao (Trung Quốc) chỉ trích, việc Tokyo cải thiện quan hệ với Moscow vì mục đích đối trọng với Trung Quốc "là tư duy ngoại giao đối địch thời Chiến tranh Lạnh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại