Chuyện về lá cờ trận mạc trên nóc Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Lịch sử có những con đường riêng của nó, không phải lúc nào cũng "thuận". Chuyện người cắm cờ trên dinh Độc Lập cũng như lá cờ được cắm trên đó vào 11.30 ngày 30/4/1975 chẳng hạn!

Ai? Đơn vị nào được lựa chọn để cắm cờ?

Nhằm nhanh chóng đập tan sự kháng cự của quân lực Việt Nam cộng hòa và giành thắng lợi nhanh nhất với tổn thất ít nhất, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã tổ chức 5 cánh quân đồng thời tiến công Sài Gòn theo 5 hướng khác nhau với các mục tiêu được phân công cụ thể cho từng hướng.

Trong đó, mục tiêu Dinh Độc Lập - dinh lũy cuối cùng của chính phủ VNCH được giao cho Quân đoàn 4 thuộc cánh quân phía đông.

ĐẠI TÁ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập, 1 chọi 10: Trận đấu tăng bi tráng...

Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2 lúc đó cũng thuộc cánh quân phía đông nhớ lại: Trong cuộc họp giao nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh (BTL) cánh đông, khi thấy BTL chỉ giao cho Quân đoàn 4 đánh chiếm dinh Độc Lập, một sĩ quan tham mưu đã thắc mắc:

“Trường hợp Quân đoàn 2 vào trước có được đánh chiếm dinh Độc Lập hay không?”. Nhận thấy đó là một ý kiến hợp lý, Tư lệnh Lê Trọng Tấn đã khẳng định: “Kế hoạch là như vậy nhưng đơn vị nào vào trước cũng được!”


BTL Quân đào 2 trao cờ Quyết thắng cho đơn vị (ảnh tư liệu)

BTL Quân đào 2 trao cờ Quyết thắng cho đơn vị (ảnh tư liệu)

Dẫu có kết luận như vậy song rõ ràng, sự lựa chọn của BTL chiến dịch cho việc đánh chiếm mục tiêu quan trọng nhất và cắm lá cờ chiến thắng lên đó chính là Quân đoàn 4.

Nhận thức được vinh dự của mình, đến lượt Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn bộ binh 7 - đơn vị chủ công của mình.

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) kể: "Sáng 29/04/1975, Bộ Tư lệnh Mặt trận Chiến dịch Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho cánh quân phía đông gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4, đánh thẳng vào nội đô Sài Gòn.

Trước lúc tiến công, Tư lệnh Quân đoàn 4 Hoàng Cầm đã trao cho tôi lá cờ "quyết chiến quyết thắng" để cắm lên nóc Dinh Độc Lập (mục tiêu của Sư đoàn 7 là chiếm Đài Phát thanh và Dinh Độc Lập). Đó là vinh dự to lớn cho Sư đoàn 7 và cho cá nhân tôi.

Sáng 30/04/1975, tôi ngồi trong xe bọc thép tiến vào nội đô Biên Hòa. Tánh tôi rất nóng nảy nên thấy ổ súng của địch là tôi cho đại liên và B40 "dọn dẹp" nhanh chóng. Đến cầu Ghềnh, do mặt cầu quá hẹp, xe bọc thép không thể qua được.

Lòng tôi như có lửa, ra lệnh bỏ đường Biên Hòa - Thủ Đức, quay ra quốc lộ 1. Đến quốc lộ, xe bọc thép lừ lừ tiến lên, dòng người đổ ra chào đón quân giải phóng đông kín mặt đường, xe kẹt cứng".

Ông Nguyễn Ngọc Sơn (Ba Sơn), nguyên Trưởng Công an quận Bình Thạnh, kể:

"Để đón quân giải phóng, tình báo công an chúng tôi đã vận động cơ sở cách mạng may hàng nghìn lá cờ giải phóng. Hôm ấy, ngay cầu Thị Nghè, chúng tôi đưa ra 12 loa xài pin, vận động quần chúng ra đón quân giải phóng vào. Không ngờ đồng bào vui mừng quá, tràn ra ách tắc khu vực cầu Thị Nghè".

Trung tướng Lê Nam Phong kể tiếp: "Thấy thời gian còn quá ít, tôi nhảy khỏi xe, gọi chiến sĩ lái hon-đa đến, bảo "chở mình chạy nhanh vào Dinh Độc Lập" (Báo Nhân dân - 21/04/2015).

Tuy nhiên, khi ông đến thì cờ giải phóng đã được cắm trên nóc dinh rồi. Dĩ nhiên lá cờ được chuẩn bị do ông ôm theo người rất to và đẹp!

Về phía Quân đoàn 2, do khoảng cách đến mục tiêu chủ yếu còn rất lớn nên BTL quân đoàn đã quyết định dùng một phần lực lượng để “bóc vỏ”, sau đó tổ chức một binh đoàn thọc sâu với lực lượng nòng cốt là Lữ đoàn xe tăng 203.

Và tất nhiên, nhiệm vụ cắm cờ sẽ được giao cho binh đoàn này. “Sáng 28/04/1975, tại đồn điền Ông Quế Tư lệnh Nguyễn Hữu An đã trao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho Lữ đoàn XT 203 để cắm lên nóc dinh Độc Lập” (Lịch sử Trung đoàn XT 203- NXBQĐND xuất bản 2000).

Là một đơn vị anh hùng, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn XT 203 đã được Ban Chỉ huy lựa chọn làm nhiệm vụ vinh quang này

Ấy vậy nhưng vì một số lý do, kế hoạch này đã không thành hiện thực.


Xe tăng ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Xe tăng ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Lá cờ không được chuẩn bị

Trong thời khắc hào hùng trưa ngày 30/04/1975, người được lịch sử lựa "chọn" để cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập lại là Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội XT 4 thuộc Lữ đoàn 203 cùng lá cờ giải phóng nhỏ bé đã bạc phếch và sờn rách.

Trước đó hơn một tháng, đang trú quân tại A Lưới, Thừa Thiên thì ngày 19/3/1975 Đại đội XT 4 nhận lệnh lên đường. Trước khi xuất phát, mỗi xe trong đại đội đều được cấp một lá cờ giải phóng. Đó là lá cờ rất nhỏ, kích thước chỉ 60x90 cm, được may bằng loại vải “phin” thông dụng.

Đặc biệt, nửa dưới cờ là màu xanh rất nhạt. Tất cả đều được treo lên đốt thứ hai cột ăn-ten đài vô tuyến điện của xe. Để làm gì ư? Thì trước hết là để minh định rõ ràng đây là xe tăng Quân giải phóng, cho nhân dân và bộ đội bạn dễ nhận và nhất là đỡ bắn nhầm nhau.

Thứ hai nữa, lá cờ reo phần phật trên tháp pháo cũng như ngôi sao quân hiệu trên mũ nó làm lòng quân khí thế hơn, hào hùng hơn... Có lẽ vì vậy mà từ lúc xuất quân chiều ngày 20/03/1975 cho đến khi vào chiến dịch cuối cùng, những lá cờ trên tháp pháo xe tăng của Đại đội XT 4 không lúc nào bị hạ xuống.

Trận đánh đầu tiên mà Đại đội XT 4 của Bùi Quang Thận tham gia mùa Xuân năm đó là trận tiến công cứ điểm Núi Bông (Tây Nam Huế) ngày 23/3/1975. Tiếp đó họ đánh Huế, truy kích địch ra Thuận An rồi vượt Hải Vân tiến công Đà Nẵng.

Nghỉ ít ngày củng cố tình trạng kỹ thuật rồi họ lại rong ruổi ngót ngàn cây số trên hai băng xích thép dọc theo “khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung” để rồi cuối tháng 4/1975 có mặt tại Long Thành, Đồng Nai tham gia chiến dịch cuối cùng.

Không biết rồi mọi chuyện sẽ xảy ra như thế nào nếu như những trận đánh “bóc vỏ” thuận buồm xuôi gió. Thế nhưng, trầy trật từ 26/4 đến 28/4 cái chốt chặn Nước Trong vẫn chưa bị chọc thủng mà quân ta thì đã bị tổn thất khá nhiều.

Được biên chế ở Tiểu đoàn XT1 là lực lượng chủ công - Thê đội 1 của Binh đoàn thọc sâu, chỉ chờ thời cơ thuận lợi là tăng tốc thì Đại đội 4 lại được điều lên làm cái việc mà những người anh em Tiểu đoàn XT 2 mới thực hiện dở dang.

Không phụ lòng tin của Ban chỉ huy lữ đoàn, sáng 29/4/1975 Đại đội XT 4 đã chọc thủng cánh cửa thép Nước Trong, mở đường cho binh đoàn thọc sâu xung trận. Cũng bởi trận đánh này mà Đại đội 4 được đưa xuống thê đội 2- nghĩa là đi phía sau của đội hình binh đoàn thọc sâu.


Xe tăng Lữ đoàn 203 chiếm lĩnh Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975.

Xe tăng Lữ đoàn 203 chiếm lĩnh Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975.

Có lẽ nhờ vậy mà họ đã vượt qua những trận kịch chiến từ cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn đến cầu Thị Nghè với thương vong ít nhất để rồi trở thành những người đầu tiên tiếp cận mục tiêu chủ yếu của cả cuộc chiến tranh- Dinh Độc Lập.

Đến đích rồi- tất nhiên là phải cắm cờ. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận quyết định như vậy! Phía trước kia có tay súng nào đang phục sẵn cũng không cần biết. Không có cờ chuẩn bị sẵn thì tháo ngay lá cờ nhỏ bé trên tháp pháo vậy.

Đó chỉ là lá cờ hiệu của một chiếc xe tăng. Lá cờ đó đã cùng chiếc xe tăng của anh trải qua bao trận đánh, rong ruổi hàng nghìn cây số dọc chiều dài đất nước nên đã bạc màu, lỗ chỗ vết đạn, nhuốm đỏ bụi đường và dính đầy dầu mỡ lính tăng.

Chuyện về những lá cờ

Sau này, khi nhớ lại khoảnh khắc lịch sử, Bùi Quang Thận bảo, vì muốn lưu lại mãi mốc thời gian trọng đại ấy, nên khi kéo lá cờ trận mạc lên được nửa chừng, anh đã hạ xuống và cẩn thận ghi tên mình và thời gian kéo cờ vào một góc: “Bùi Quang Thận - 11.30 ngày 30/04/1975”.

Khi hạ lá cờ “ba sọc” từ nóc Dinh xuống, Bùi Quang Thận đã định vứt đi.

Nhưng thấy lá cờ to gấp đôi chiếc chiếu, được may bằng 2 lớp sa-tanh dày dặn, sờ vào cứ mát rượi cả tay, bất chợt nhớ lại những trận sốt rét run người trong những tháng mùa mưa trên núi rừng A Lưới, anh nghĩ hay là giữ lá cờ lại để làm chăn. Nếu không ở bộ đội nữa thì đem về nhà chống rét cũng tốt.

Chính nhờ quyết định này mà về sau, khi cần xác định ai là người cắm cờ ở Dinh Độc lập, lá cờ “ba sọc” mà Bùi Quang Thận còn giữ với vết rách hoàn toàn khớp với cái diềm cờ còn sót lại trên sợi dây kéo cờ là bằng chứng thuyết phục để tên tuổi anh được ghi vào lịch sử.

38 năm sau, ngày 30/10/2013 - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập lúc anh đã qua đời trước đó 2 năm.

Còn lá cờ trận mạc của chiếc xe tăng 843 cùng với chiếc chăn “hụt” cũng đã nằm yên trong tủ kính bảo tàng (1). Tuy nhiên, câu chuyện về anh và những lá cờ dường như không bao giờ cũ!

Ghi chú:

(1) - Lá cờ của xe 843 và lá cờ ba sọc trên nóc dinh Độc Lập từ trước đây vài năm đã được trưng bày tại phòng trưng bày dinh Thống Nhất.

Gần đây, theo chỉ đạo của cấp trên, 2 lá cờ này được đưa về Bảo tàng TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị chưa xong nên vẫn chưa đưa ra trưng bày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại