Chuyên gia Mỹ - NATO chỉ điểm yếu thảm bại trong tay Nga

Toàn Thắng |

Một nhóm chuyên gia nguyên là các lãnh đạo của NATO đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng yếu kém của quân đội khối này.

Chuyên gia NATO chỉ ra những yếu kém của khối

Tờ Financial Times ngày 25-2 đưa tin, một nhóm các chuyên gia quân sự kỳ cựu của khối NATO đã nghiên cứu, khảo sát quân đội một số cường quốc nội khối và chuẩn bị đưa ra một bản báo cáo với những kết luận chỉ trích gay gắt khả năng chiến đấu yếu kém của quân đội khối này.

Theo đó, nhóm nghiên cứu này bao gồm 6 chuyên gia, trong đó có cựu tổng thư ký của NATO Jaap de Hoop Scheffer (người Hà Lan) và viên tướng người Anh Richard Shirreff - cựu Phó Tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang liên hợp của NATO ở châu Âu.

Tài liệu nói rằng quân đội nhiều nước thành viên chủ chốt của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang ở tình trạng “thiếu kinh phí kinh niên” và “thiếu hụt vũ khí trang bị trầm trọng”, thậm chí các trang bị sẵn có cũng không ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Bản báo cáo đưa ra ví dụ cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, trong 31 trực thăng Tiger của Bundeswehr (Quân đội Đức) chỉ có 10 chiếc sẵn sàng để sử dụng, còn khi khảo sát 406 xe thiết giáp Marder thì chỉ có 280 xe có khả năng hoạt động ngay lập tức.

Đối với Quân đội Anh, tướng Shirreff lại ngao ngán với khả năng triển khai quân của nước mình, “việc đưa một lữ đoàn chứ chưa nói đến một sư đoàn vào tình trạng sẵn sàng đáng tin cậy sẽ là một thách thức rất nghiêm trọng” - viên tướng Anh viết trong báo cáo.


Chuyên viên NATO nhiều lần cảnh báo khả năng quân sự của NATO đang thua kém Nga

Chuyên viên NATO nhiều lần cảnh báo khả năng quân sự của NATO đang thua kém Nga

Theo tờ Financial Times, báo cáo sẽ được Hội đồng Đại Tây Dương của NATO công bố vào ngày 26-2. Sau đó các lãnh đạo và chuyên viên quân sự của khối sẽ nghiêm túc bàn bạc về những nguy cơ mà bản báo cáo đã chỉ ra.

Thực ra, đây cũng không phải là lần đầu các chuyên viên NATO tìm thấy những yếu kém trong khả năng quân sự của khối.

Họ đã nhiều lần cảnh báo về việc các thành viên chủ chốt như Anh, Đức…, liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng, dẫn đến khả năng mua sắm trang bị mới và duy trì các trang bị cũ bị hạn chế.

Hơn nữa, việc một khối quân sự với nhiều thành viên ở các khu vực khác nhau, ngân sách quốc phòng không đồng đều dẫn tới rất nhiều quốc gia tụt hậu về quân sự so với mặt bằng chung nội khối, trong khi đó, NATO không có một cơ chế điều phối trang bị, vũ khí thống nhất.

Ngay cả Mỹ cũng đã nhiều lần phàn nàn về trình độ chiến thuật, kỹ thuật và chất lượng trang bị yếu kém, khả năng triển khai các hoạt động quân sự của các quốc gia NATO, dẫn đến chất lượng các cuộc tập trận và khả năng trao đổi kinh nghiệm của các nước là rất khó khăn.

Đặc biệt là sau chiến dịch không kích của Nhóm không quân thuộc lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga ở Syria và lực lượng hải quân Nga vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, những ý kiến lo lắng về sự tụt hậu của NATO so với đối thủ lớn nhất đang ngày càng nhiều.

Tướng Mỹ chỉ điểm yếu khiến NATO thảm bại trước Nga

Cuối tháng 9-2015, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, Trung tướng Ben Hodges đã nêu lên ba yếu tố khiến NATO yếu thế trước quân đội Nga và làm cho họ trở nên dễ bị tổn thương, trong trường hợp khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có xung đột quân sự với Moscow.

Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phòng thủ của khối là thiếu các phương tiện liên lạc vô tuyến điện được bảo mật, mà với sự hỗ trợ của chúng, quân đội Mỹ và các đồng minh của họ có thể truyền thông tin cho nhau một cách an toàn mà không sợ bị nghe trộm.

Trước đó, của các quân nhân Mỹ tham gia các cuộc tập trận chung NATO nhận xét, những trang bị thông tin của đồng minh Mỹ không đủ độ bảo mật trước các phương tiện trinh sát điện tử của Nga, khiến họ phải sử dụng phương thức cổ điển là dùng con người để truyền mật lệnh.

Công nghệ vô tuyến Mỹ cho phép liên lạc ở mức độ bảo mật rất cao, nhưng do hạn chế về luật xuất khẩu, các loại điện đài Mỹ không được cung cấp cho quân đội đồng minh, vì vậy họ sử dụng các thiết bị thông tin đơn giản hơn, dẫn đến tính năng bảo mật kém và không đồng bộ với nhau.

Điểm yếu chết người thứ 2 của các nước thuộc khối NATO là thiếu một chuẩn thông tin chung và hệ thống mạng lưới chia sẻ thông tin thống nhất, vốn có thể cho phép Hoa Kỳ và các đồng minh chia sẻ các thông tin chiến trường và theo dõi quá trình tác chiến của nhau theo thời gian thực.


Khả năng thông tin-tác chiến điện tử của Nga hiện vượt trội các quốc gia NATO

Khả năng thông tin-tác chiến điện tử của Nga hiện vượt trội các quốc gia NATO

Đối với các nước NATO ở châu Âu, ngoài một vài quốc gia có khả năng công nghệ ngang ngửa với Mỹ như Đức, Anh, Pháp, còn lại là những quốc gia thường thường bậc trung, trình độ khoa học kỹ thuật quân sự kém Nga rất xa, dẫn đến việc thiếu đồng bộ về vũ khí, trang bị và thiết bị thông tin.

Điều này khiến quân đội các nước NATO chỉ có khả năng trao đổi yếu cầu nhiệm vụ trước khi tiến hành hoạt động quân sự, còn sau đó, khả năng phối hợp hiệp đồng trong thực tế chiến trường gần như bằng con số 0, làm giảm khả năng tác chiến tổng thể.

Yếu tố thứ ba khiến quân đội của khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có thể thất bại trước Nga là thiếu một hệ thống chỉ huy-kiểm soát đáng tin cậy, vốn có thể liên kết các radar, vũ khí pháo binh và các quân nhân tại chiến trường vào thời điểm hạ lệnh nổ súng.

Sự thiếu đồng bộ này không chỉ gây khó khăn trong phối hợp, hiệp đồng tác chiến đối với một lực lượng quân sự hỗn hợp đa quốc gia mà còn có thể là điểm yếu rất lớn để Nga khai thác, chặn thu các thông tin bí mật hoặc đánh phá hệ thống thông tin chỉ huy kiểm soát, khiến NATO thảm bại trên chiến trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại