“Nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến” và sự lý giải nguồn gốc thú vị

Nguyễn Nhung |

Cho đến nay, người Trung Quốc vẫn có nhiều cách hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của câu tục ngữ “nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến”.

“Nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến” là câu nói cửa miệng rất phổ biến không chỉ phổ biến ở Trung Quốc mà ngay cả ở Việt Nam, mọi người vẫn rất hay dùng.

Về nguồn gốc hình thành và ý nghĩa của câu tục ngữ này, hiện còn truyền lại một số cách giải thích khác nhau.

Xuất phát từ một lần Tào Tháo cứu giá

Trong trận đối đầu ác liệt với hai tướng lĩnh quân phiệt là Lý Quyết và Quách Dĩ, Hoàng đế nhà Hán lúc bấy giờ là Hán Hiến Đễ dù đã thoát khỏi vòng nguy hiểm song vẫn bị hai người này truy đuổi đến cùng.

Trong bối cảnh đó, có người hiến kế giới thiệu Tào Tháo cho nhà vua bởi đây là người có võ công hơn người, có thể cứu giá.

Trong tình huống vô cùng cấp bách, liên quân đã đuổi đến ngay sát phía sau, nhận thấy không còn đường thoát, Hạ Hầu Đôn liền phụng mệnh Tào Tháo tiên phong hộ giá thành công, sau đó phá tan vòng vây của liên quân Lý Quách.

Sau lần này, họ Tào được gia phong quan tước. Câu nói “Nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến” xuất hiện kể từ sau sự kiện này.


Chân dung Tào Tháo trên phim truyền hình.

Chân dung Tào Tháo trên phim truyền hình.

Xuất phát từ lần nhầm lẫn mà không bắt giữ Tào Tháo

Hồi thứ 20 trong cuốn “Tam Quốc diễn nghĩa” đề cập đến nội dung “Đào Cung Tổ tam nhượng Từ Châu, Tào Mạnh Đức đại chiến Lữ Bố”.

Theo chương hồi này, Tào Tháo khi giao chiến với Lữ Bố tại Bộc Dương đã trúng kế của Trần Cung. Trong lúc luống cuống tháo chạy giữa biển lửa nhấp nhoáng, Tào Tháo chạm mặt Lữ Bố đang cầm kích, tế ngựa tiến lại.

Tào Tháo thấy vậy lấy tay che mặt, thúc ngựa đi thẳng. Lữ Bố ở đằng sau xán ngựa lên, cầm ngọn kích gõ vào mũi Tào Tháo hỏi rằng “Tào Tháo ở đâu”. Tháo liền chỉ tay đáp: “Người cưỡi ngựa vàng ở phía trước”.

Vừa nghe vậy, Lữ Bố liền bỏ qua Tào Tháo, tế ngựa đuổi theo người đằng trước.

Văn nhân Mao Tông Cương thời cuối Minh đầu Thanh đã bình luận về chi tiết này rằng: “Nhìn thấy Tào Tháo, phản vấn Tào Tháo, bỏ qua Tào Tháo, không đuổi Tào Tháo”.

Câu nói “Nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến” vì thế còn được hiểu theo nghĩa nhầm lẫn, rằng Tào Tháo đã xuất hiện ngay trước mặt, vậy mà Lữ Bố đã mà nhầm lẫn bỏ qua, không bắt.


Tranh vẽ Tào Tháo.

Tranh vẽ Tào Tháo.

Xuất phát từ suy nghĩ Tào Tháo gian manh

“Nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến” còn được dùng để hình dung Tào Tháo là người nhiều tai mắt, bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện trước mắt chúng ta và đây là người cần phải đề phòng. Tại sao xuất hiện cách nói này?

Điều này có liên quan nhiều đến tính cách, phẩm hạnh của nhân vật Tào Tháo. Mặc dù sống vào những năm cuối của nhà Đông Hán nhưng “Tam quốc diễn nghĩa” của thời Minh đã nhào nặn Tào Tháo thành một gian thần.

Câu “danh ngôn” làm nên thương hiệu của Tào Tháo “thà dạy ta phụ người trong thiên hạ còn hơn là dạy người trong thiên hạ phụ ta” đã khiến người đời sau có ấn tượng rất xấu về Ngụy Vương họ Tào.

Cuối thời Đông Hán, khi Tào Tháo còn ít tuổi, trọng thần của triều đình lúc bấy giờ là Kiều Huyền đã chỉ vào ông mà nói rằng: “Anh hùng thời loạn, gian tặc thời bình”.

Khả năng nhìn người tài của vị trọng thần này, lịch sử Trung Quốc xem ra không có người nào hơn được.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại