Người Việt chọn dầu ăn như thế nào?

Vân Thảo |

Giá cả hợp lý, không chứa cholesterol, nguồn gốc từ thực vật, xuất xứ rõ ràng và nhãn hiệu uy tín... là những tiêu chí được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu khi chọn mua dầu ăn.

3 thương hiệu dẫn đầu

Báo cáo nghiên cứu về thị trường dầu ăn Việt Nam của Công ty Nghiên cứu thị trường W&S cho biết, Tường An (Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An), Simply và Neptune (Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân) là 3 nhãn hiệu đang dẫn đầu thị trường dầu ăn tại Việt Nam.

Cụ thể, có trên 70% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại hai khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hài lòng với 3 nhãn hiệu trên với 2 lý do chính là "Chất lượng tốt" và "Giá cả hợp lý".

Trong đó, Tường An được nhớ đến đầu tiên nhiều hơn ở TP. Hồ Chí Minh (57%), trong khi Neptune được nhận biết trước tiên ở Hà Nội (46%).

Người Việt đang có xu hướng tăng lượng sử dụng dầu ăn/người theo từng năm. (Nguồn: Nielsen)
Người Việt đang có xu hướng tăng lượng sử dụng dầu ăn/người theo từng năm. (Nguồn: Nielsen)

Đây cũng 3 nhãn hiệu được người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất.

Trong đó, Neptune và Simply được sử dụng nhiều hơn ở Hà Nội (94% và 88,5%) và Tường An được sử dụng nhiều hơn ở TP. Hồ Chí Minh (91,5%).

Theo W&S, so với trước đây, thị trường dầu ăn đang khá biến động vì sự chuyển đổi nhãn hiệu của người tiêu dùng.

Nếu trước kia Neptune dẫn đầu thị trường dầu ăn với 36,5% người dùng thì giờ đã có sự "đổi ngôi" khi Simply trở thành nhãn hiệu được dùng thường xuyên nhất hiện nay (35,3%).

Lý giải cho hiện tượng trên, theo ý kiến người tiêu dùng Hà Nội, vì họ nhận ra Simply được làm từ đậu nành, tốt cho tim mạch và sức khỏe hơn.

Trong khi đó, 30% người tiêu dùng sử dụng Tường An vẫn trung thành với nhãn hiệu dầu ăn này (đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh) vì sản phẩm vẫn duy trì được chất lượng tốt, giá cả hợp lý và dùng để nấu ăn ngon.

Thói quen chọn mua dầu ăn của người tiêu dùng

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), mức tiêu thụ dầu ăn bình quân để đảm bảo sức khỏe là 13,5 kg/năm/người và tại Việt Nam con số này mới chỉ là trên 7 kg/năm/người.

Xu hướng của người tiêu dùng Việt trong thời gian tới sẽ là tăng lượng sử dụng dầu ăn/đầu người.

Trong thống kê của Bộ Công Thương, hiện thị trường có tổng cộng gần 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dầu ăn.

Trong đó, dầu cọ là sản phẩm dầu thực vật chính - chiếm 70% thị phần, dầu nành chiếm 23%, còn các loại dầu thực vật khác chiếm 7%.

Nguồn: W&S Market Research
Nguồn: W&S Market Research

Tuy nhiên, dựa vào kết quả từ 400 mẫu khảo sát của W&S, dầu nành hiện là loại được sử dụng nhiều nhất với lý do tốt cho sức khỏe và tốt cho tim mạch.

Trong đó, người tiêu dùng Hà Nội có xu hướng sử dụng loại dầu ăn này cao hơn khu vực TP. Hồ Chí Minh với tỷ lệ so sánh là 81% và 72%.

Nguồn: W&S Market Research
Nguồn: W&S Market Research

Nghiên cứu của W&S trên cũng chỉ ra 10 tiêu chí quan trọng được người tiêu dùng cân nhắc khi chọn mua dầu ăn, trong đó giá cả hợp lý, không chứa cholesterol, nguồn gốc từ thực vật, xuất xứ rõ ràng và nhãn hiệu uy tín... là những tiêu chí được đặt lên hàng đầu.

Theo số liệu từ USDA Post (Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương), ước tính tiêu thụ dầu thực vật trung bình mỗi người sẽ tăng lên 16 kg/năm/người vào năm 2020 và 18,5 kg vào 2025.

USDA Post dự báo mức tiêu thụ dầu thực vật sẽ tiếp tục tăng mạnh, bao gồm cả dầu đậu tương, bởi nhu cầu tiếp tục tăng do thu nhập tăng, xu hướng đô thị hóa, và tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm hơn tới các loại dầu có lợi cho sức khỏe nên có xu hướng chuyển từ mỡ động vật sang dầu thực vật.

Năm 2014 Việt Nam sản xuất kỷ lục 378.400 tấn dầu thực vật tinh luyện các loại, tăng 0,6% so với năm trước.

Sản lượng dầu tinh luyện dự báo sẽ tăng 893.000 tấn năm 2016 bởi các nhà máy luyện dầu tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng tăng sản xuất dầu đậu tương thô trong nước, và các nhà sản xuất dầu trong nước được giảm thuế nhập khẩu từ Malaysia và Indonesia xuống 4% trong giai đoạn tháng 5/2014-5/2015, và giảm 3% trong giai đoạn tháng 5/2015- tháng 6/2015.

Theo Kế hoạch phát triển ngành dầu thực vật Việt Nam tới 2020, tầm nhìn tới 2030, công suất lọc dầu trong nước cần phải tăng lên 1,59 triệu tấn vào năm 2020 và 1,93 triệu tấn vào năm 2025.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại