"Xét mọi tiêu chí, 2015 đã trở thành “năm ác mộng” đối với EU. Và nếu như người Anh bỏ phiếu ủng hộ đưa Anh ra khỏi EU thì năm 2016 sẽ còn “ác mộng” hơn nữa” - các nhà phân tích Reuters nhận định.

Theo Reuters, kể từ khi “Bức tường Berlin” sụp đổ năm 1989, châu Âu chưa hề phải trải qua “cú sốc” nào lớn như trong năm qua.

Nếu như sự kiện 1989 đem lại niềm vui cho cả lục địa già và là “cú hích” để tăng cường các quá trình liên kết trong khối thì các cuộc khủng hoảng năm 2015 lại tạo ra những mối đe dọa làm EU tan rã.

Hai năm sau sự kiện “Bức tường Berlin”, hiệp ước về việc thành lập Liên minh châu Âu được ký kết và trong vòng 15 năm qua, EU cũng như NATO liên tục thực hiện các bước đi mở rộng ảnh hưởng đến biên giới Nga, Ukraine và Belarus.

Thực tế này dường như đang diễn ra theo đúng như dự báo của “cha đẻ” ra EU Jan Monne khi dự báo rằng EU sẽ phải mở rộng do chịu tác động của nhiều cuộc khủng hoảng.

Theo Reuters, “những chấn động về chính trị, kinh tế năm 2015 nảy sinh từ khủng hoảng nhập cư, nợ Hy Lạp, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và các lệnh cấm vận trả đũa của Nga… đã dẫn đến tình trạng nhiều nước châu Âu phải đóng cửa biên giới, xuất hiện nhiều đối thủ chống EU cũng như xuất hiện tình trạng các nước nội bộ EU lục đục với nhau”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker cảnh báo rằng nếu như các nước EU tiếp tục đóng cửa biên giới, sự tồn tại của Schengen (hiệp định tự do đi lại giữa các nước EU của công dân EU) và đồng euro sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU lần thứ 12, ông Jean Claude Juncker khẳng định: “Các cuộc khủng hoảng mà EU đã phải đối mặt sẽ vẫn tiếp diễn và EU cũng sẽ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác”.

Theo Reuters, những tuyên bố của ông Jean Claude Juncker lại trái ngược với những lời khẳng định của Thủ tướng Đức A.Merkel.

“Chúng tôi có thể làm được điều đó” (giải quyết khủng hoảng nhập cư).

Quan điểm của Thủ tướng Đức với vấn đề nhập cư không nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng minh trong EU vì phần lớn các quốc gia này đều yêu cầu thắt chặt kiểm soát ở biên giới, hạn chế số lượng người nhập cư trong đất nước họ.

Khủng hoảng di cư đang làm tan nátEU.
Khủng hoảng di cư đang làm "tan nát"EU.

Mâu thuẫn của một số chính khách châu Âu với bà Merkel càng tiếp tục gia tăng do chính sách tiết kiệm thắt chặt, cũng như những chính sách “hai mặt” trong quan hệ với Nga của bà Merkel.

“Một trong những vấn đề sẽ tiếp tục được bàn luận nhiều trong năm 2016 là sự “yếu ớt” về chính trị của các chính trị gia châu Âu khiến họ khó có thể đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề cấp bách, cũng như đưa ra các giải pháp tập thể cần thiết để đối phó với khủng hoảng", Reuters nhận định.

Reuters cho rằng, việc ảnh hưởng của Pháp trong EU suy giảm do kinh tế suy thoái, Thủ tướng Anh David Cameron chỉ quan tâm làm sao để “vượt qua cuộc trưng cầu dân ý nguy hiểm” về việc Anh rút khỏi EU là những yếu tố có thể đe dọa đến sự ổn định của châu Âu năm 2016.

Nếu nền kinh tế thứ hai châu Âu (của Pháp) và một trong hai cường quốc quân sự EU (Anh) trở thành những quốc gia rút khỏi EU thì đây sẽ là “đòn chí tử” đối với sự tồn tại của liên minh này.

Theo giới phân tích, nếu như ông David Cameron giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý và vẫn ở lại EU nhưng với các điều kiện có lợi hơn thì khi đó, tiền lệ của Anh hoàn toàn có thể trở thành “tác nhân truyền bệnh” khiến lãnh đạo các quốc gia EU khác sử dụng để gây áp lực cho EU nhằm giành các điều kiện có lợi cho mình.

“Thật tiếc rằng chúng ta lại cần đến chiến thắng của David Cameron nhưng chiến thắng này lại đe dọa sự ổn định của EU” - một quan chức cấp cao của EU nhận định trên Reuters.