Nga thoát phụ thuộc dầu mỏ: Putin chọn khó khăn hay khó khăn hơn?

Đinh Ngọc Lam Điền |

Nền kinh tế của nước Nga sẽ tiếp tục khủng hoảng nếu giá dầu mỏ vẫn giữ ở mức thấp và chính phủ sẽ có nhiều lựa chọn khó khăn hơn cho năm tới.

Nga đang "quá lạc quan"

Ngày 15/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật ngân sách cho năm 2016, trong đó các phép tính được dựa trên mức giá dầu trung bình là 50 USD. Tuy nhiên rất khó để tin rằng giá dầu có thể duy trì ở mức giá như vậy vào năm sau.

Lý do là bởi những nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới vẫn không giảm sản lượng của mình. Mỹ đang bơm dầu, Nga đang bơm dầu và Arập Xê-Út đang hút khô sa mạc. Không những thế, các mỏ dầu của Iran dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016.

Giá dầu hiện tại đang ở mức dưới 40 USD. Không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà cung cấp dầu mỏ đang bắt đầu chậm lại. Tất cả đều đang tự nguyện góp phần làm dư thừa nguồn cung dầu mỏ.

Trong buổi họp báo cuối năm hôm 17/12, chính Tổng thống Nga Putin đã phải thừa nhận rằng mức giá 50 USD/thùng được sử dụng cho ngân sách năm 2016 của đất nước là “quá lạc quan” và chính phủ cần có những điều chỉnh.

“Chúng tôi đã tính toán ngân sách năm tới dựa trên giá dầu là 50 USD/thùng. Đó là một cách định giá quá lạc quan tại thời điểm hiện tại. Bây giờ giá dầu chỉ là 38 USD nên chúng tôi sẽ phải điều chỉnh một ít ở đây”.

Tổng thống Nga cho rằng chính phủ không nên vội vã điều chỉnh kế hoạch ngân sách. “Việc đó sẽ làm giảm nguồn tài chính cho các khoản chi tiêu phúc lợi xã hội”. 

Ông Putin cũng nhắc lại tuyên bố trước đó là cao điểm của cuộc khủng hoảng ở Nga đã kết thúc.

Đồng thời, ông dẫn những số liệu thống kê kinh tế, dự báo rằng nền kinh tế sẽ giảm 3,7% trong năm nay, nhưng tăng trưởng trở lại vào năm tới (ít nhất 0.7% trong năm 2016, 1.9% trong năm 2017 và 2.4% trong năm 2018).


Trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Nga Putin cho rằng, việc định giá dầu là 50 USD/thùng là quá lạc quan.

Trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Nga Putin cho rằng, việc định giá dầu là 50 USD/thùng là "quá lạc quan".

Thế nhưng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế lại dự đoán GDP của Nga sẽ giảm 3,8% trong năm nay và 0,6% trong năm 2016. Còn đồng rúp Nga tiếp tục trượt giá, giao dịch ở mức 70,5 rúp cho mỗi USD - mức thấp nhất trong vòng 4 tháng và gần với mức thấp kỷ lục trong năm ngoái.

Từ trước đến nay, giá trị của đồng rúp luôn theo sát vận mệnh của giá dầu. Mặc dù xu hướng thay đổi là như nhau, giá dầu thường diễn biến tồi tệ hơn. Tuy nhiên nếu giá dầu suy yếu đến mức 30 USD, chắc chắn đồng rúp sẽ giảm theo.

Theo nhà báo Kenneth Rapoza từ tạp chí Forbes, một đồng rúp yếu sẽ làm cho mục tiêu kiểm soát lạm phát của ngân hàng trung ương khó khả thi, bởi vì nó làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ?

Trong tỉ trọng xuất khẩu hiện nay của nước Nga, dầu thô chiếm khoảng 35%, xăng dầu đã được chế biến chiếm 17% và khí đốt chiếm 14%.

Do đó, nền kinh tế của nước Nga sẽ tiếp tục khủng hoảng nếu giá dầu vẫn giữ ở mức thấp và chính phủ sẽ có nhiều lựa chọn khó khăn hơn cho năm tới.


Dàn khoan dầu của Nga ở Bắc Cực (Ảnh: Gazprom)

Dàn khoan dầu của Nga ở Bắc Cực (Ảnh: Gazprom)

Trong khi đó, nước Nga cũng bị ảnh hưởng từ quyết định của OPEC về việc tiếp tục bơm dầu ở mức kỷ lục với mục đích làm phá sản những công ty sản xuất dầu với giá thành cao.

Theo CNN, Nga, Venezuela, Nigeria và nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ khác đã hối lộ cho tổ chức dầu mỏ dẫn dầu bởi Arab Saudi này nhằm giảm sản lượng và tăng giá thành nhưng thất bại.

Ông Vladimir Milov, từng là Bộ trưởng năng lượng Nga và hiện nay đứng đầu Đảng Lựa chọn Dân chủ đối lập cho biết, các nhà lãnh đạo Nga từ lâu đã nói về việc đa dạng hóa nền kinh tế và thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ kể từ kỷ nguyên Xô Viết.

Tuy nhiên, giới đại gia đặc biệt là dưới thời Putin đã nhận được quá nhiều lợi ích từ việc buôn bán dầu mỏ nên khó có thể tập trung phát triển những ngành khác.

Ông cho rằng việc đa dạng hóa công nghiệp sẽ yêu cầu cải tổ các hệ thống luật pháp, quyền dân sự, tư pháp độc lập và nhiều thứ khác mà các “ông trùm" về tài nguyên khoáng sản sẽ không chấp nhận.

Vì vậy, ý tưởng đa dạng hóa thoạt nghe có vẻ hấp dẫn trong các bài phát biểu nhưng hoàn toàn không khả thi trong hệ thống hiện nay.  “Việc cải cách kinh tế rất có thể sẽ làm cho Putin sẽ mất đi quyền lực chính trị”, ông Milov khẳng định.

Ngày 19/12, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cho phép dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ, vốn đã tồn tại suốt 40 năm qua tại nước này.

Quyết định này được đưa ra trong thời điểm giá dầu thế giới đang giảm xuống dưới mức 35 USD/thùng - thấp nhất trong hàng chục năm qua.

Đây có thể được coi là một bước ngoặt trong chính sách năng lượng của Mỹ, giúp nước này đảm bảo an ninh dầu mỏ, tăng nguồn cung cho các đối tác và giảm sự phụ thuộc vào Nga cũng như OPEC.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại