Đã có 68 "siêu pháo đài bay B-52" được công nhận bị bắn rơi - Công bố trao giải

Quân sự |

Theo Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Quân đội ta với thế trận phòng không nhân dân sâu, rộng, đã bắn rơi tổng cộng 4.181 máy bay các loại, trong đó có 68 máy bay B-52.

Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, lực lượng phòng không nhân dân đã đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, bắn rơi tổng cộng 4.181 máy bay các loại.

Trong đó có 68 máy bay B-52, 13 máy bay F-111, bắt nhiều giặc lái, buộc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom, đánh phá miền Bắc.

Đồng thời, Bảo tàng đã xây dựng Bộ sưu tập hiện vật về các loại máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam (từ năm 1964 đến năm 1973.

Bộ sưu tập gồm 602 hiện vật bao gồm mảnh, nhãn, ảnh phi công. Số mảnh nhãn có 25/47 loại, 56/97 kiểu máy bay Mỹ.

Bạn đọc Trịnh Huy Cần đã có câu trả lời khá chuẩn nên Nhóm chuyên gia quân sự quyết định công bố bạn là người được trao thưởng trong câu hỏi này. Xin chúc mừng bạn.

Đáp án của bạn Trịnh Huy Cần như sau:

Máy bay B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa, rất nổi tiếng của Không quân Hoa Kỳ, do hãng Boeing sản xuất từ năm 1954. B-52 có thể mang vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường và có thể tham gia trong các loại chiến tranh thế giới tổng lực và chiến tranh khu vực.

Lần đầu tiên B-52 tham chiến là tại Chiến tranh Việt Nam và nổi tiếng với uy lực ném bom rải thảm tàn phá ghê gớm của nó.

Được trang bị những công nghệ hiện đại nhất của thời điểm đó (thập kỷ 60, 70 của thế kỷ 20): 6-8 quả tên lửa nhử mồi chống tên lửa đất đối không và không đối không của đối phương, 9 đến 15 máy gây nhiễu điện tử, độ cao khi bay 12-15km, mang theo 30 tấn bom và hộ tống bởi phi đội may bay tiêm kích.

B-52 được mệnh danh là "pháo đài bay" bất khả xâm phạm gây ra các hủy diệt rất lớn cho đối phương. Tuy vậy với lòng quyết tâm và sự mưu trí, dũng cảm, bộ đội phòng không không quân đã bắt những "pháo đài bay" này đền tội.

Số liệu thống kê số máy bay B-52 bị bắn rơi của Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội Mỹ có sự chênh lệch lớn nhưng đều lên đến hàng chục chiếc. 

- Theo số liệu của Quân đội nhân dân Việt Nam: tính từ ngày 5-8-1964 đến ngày 17-1-1973, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 4.181 chiếc máy bay trong đó có 68 chiếc B52.

Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị tiêu diệt ngày 17/9/1967 tại xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Chiếc B-52 cuối cùng bị tiêu diệt ngày 29/12/1972 bởi Tiểu đoàn tên lửa 79 bảo vệ Hà Nội.

Trong số 68 chiếc B-52 bị bắn rơi, lực lượng không quân bắn rơi 3 chiếc B-52 bằng máy bay MIG-21 (3 phi công tiêu diệt B-52 là Vũ Đình Rạng, Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều), 65 chiếc còn lại bị tiêu diệt bởi lực lượng phòng không: tên lửa SAM -2, pháo cao xạ...

Số lượng máy bay B-52 bị bắn rơi nhiều nhất trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" (phía Mỹ gọi là chiến dịch Linebacker II): 34 chiếc B-52.

Đây là chiến dịch cuối cùng của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, huy động nỗ lực cao nhất của không lực Hoa Kỳ: gần 50 % số máy bay B-52 của toàn nước Mỹ ( 197/400 chiếc) nhằm phá hủy thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn miền Bắc, buộc chính phủ ta nhân nhượng trên bàn đàm phán Pa-ri.

Dự đoán trước được âm mưu của Mỹ, lực lượng phòng không không quân Việt Nam đã lên kế hoạch đối phó.

Với kinh nghiệm chính trị dày dặn, ngay từ mùa xuân năm 1968, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với tướng Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng tham mưu trưởng lời dự báo:

"Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng.

Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".

Từ tháng 5/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không - Không quân đặt vấn đề: "Tỷ lệ B-52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?".

Sau mấy tuần, câu trả lời đã được đưa ra:

N1 - tỷ lệ Mỹ chịu đựng được là 1-2% (trên tổng số B-52 tham chiến của Mỹ);

N2 - tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển là 6 - 7%; 

N3 - tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc là trên 10%. 

Tháng 10-1972, tập tài liệu mang tên "Cách đánh B-52" của Bộ đội Tên lửa được in, gọi tắt là cuốn "Cẩm nang bìa đỏ", dày 30 trang đánh máy và được bọc ngoài một tờ bìa màu đỏ.

Trong cuốn sách là kinh nghiệm phân biệt mục tiêu thật-giả trước màn hiện sóng để bộ đội tên lửa có thể ngắm trúng mục tiêu.

Quân chủng Phòng không - Không quân loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3. Quân chủng Phòng không Không quân đã thực hiện vượt mức chỉ tiêu N3.

Kết quả trong 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, tỷ lệ B-52 bị bắn hạ là 17,6% (34/197 chiếc, Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc), khiến chính giới và quân đội Mỹ hoảng loạn.

Trong 34 chiếc B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không":

- 2 chiếc B-52 bị bắn rơi bởi máy bay tiêm kích MIG-21 ( 2 phi công bắn rơi B-52 là Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều , trong đó phi công Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hi sinh sau khi tiêu diệt máy bay B-52).

- 27 chiếc B-52 bị tiêu diệt bởi tên lửa SAM-2. 

- 5 chiếc B-52 bị tiêu diệt bởi pháo ca xạ 100 mm.

- Ngày bắn rơi nhiều B-52 nhất: 26/12/1972 (8 chiếc B-52).

- Sư đoàn bắn rơi nhiều B-52 nhất: Sư đoàn Phòng không Hà Nội - Sư đoàn 361 với 25 chiếc B-52.

- Trung đoàn bắn rơi nhiều B-52 nhất: Trung đoàn 261 (12 chiếc).

- Trung đoàn bắn rơi tại chỗ nhiều B-52 nhất: Trung đoàn 257 với 8 chiếc.

- Tiểu đoàn bắn rơi nhiều B-52 nhất:Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261) với 4 chiếc.

- Tiểu đoàn bắn rơi tại chỗ nhiều B-52 nhất: Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257) và Tiểu đoàn 93 (trung đoàn 261), mỗi tiểu đoàn bắn rơi 3 chiếc B-52.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại