Mark Zuckerberg hiến 99% tài sản, chính phủ Mỹ sẽ chẳng vui đâu

Đinh Ngọc Lam Điền |

Không chỉ Mark Zuckerberg, mà Bill Gates, Warren Buffett, và nhiều tỉ phú khác cũng không tin rằng đưa tiền cho nhà nước là cách tốt nhất để làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Ngày 1/12, Mark Zuckerberg, đã dùng đứa con cưng của mình, mạng xã hội Facebook để thông báo việc ông và vợ là Priscilla Chan có con gái đầu lòng, cùng với đó là tuyên bố họ sẽ cho đi phần lớn tài sản của mình trong quãng đời còn lại.

Khoảng 99% số cổ phần mà họ sở hữu tại Facebook sẽ được ủng hộ cho quỹ “Sáng kiến Zuckerberg Chan”, trị giá khoảng 45 tỉ USD - tính đến thời điểm hiện tại.

Mục đích của họ, theo như bức thư được đăng tải trên Facebook, là để “tạo ra một thế giới tốt hơn cho con gái, Max”. Tuy nhiên, hành động này cũng thu hút nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là động cơ đằng sau việc cho đi tài sản của ông chủ Facebook.

Xét về phương diện kinh tế. Đầu tiên, việc này được xem như là cái tát vào mặt nhà nước Mỹ. Nếu Mark bán cổ phiếu và tiêu tiền có được từ nó, ông sẽ phải trả hàng tỷ USD tiền thuế trên thặng dư vốn và thuế bán hàng.

Tuy nhiên bằng cách quyên góp số cổ phiếu này cho tổ chức từ thiện, Mark sẽ không phải trả một đồng nào cho chính phủ. Qua đó, ông bày tỏ sự ưa thích của mình đối với ảnh hưởng mà các tổ chức từ thiện tư nhân tạo ra hơn là những gì mà nhà nước có thể làm.

Không chỉ ông chủ Facebook, mà Bill Gates, Warren Buffett, và nhiều tỉ phú khác cũng không tin rằng đưa tiền cho nhà nước là cách tốt nhất để làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Thứ hai, bằng cách quyên góp số cổ phiếu đã tăng giá, ông sẽ được khấu trừ thuế không chỉ cho giá trị ban đầu của cổ phiếu mà là giá trị hiện tại của nó, qua đó tránh được thuế trên thặng dư vốn (*xin xem giải thích ở bên dưới).

Có thể thấy, việc này lấy đi nguồn thu của chính quyền bằng hai cách: 1) Tránh được thuế trên thặng dư vốn của số tiền quyên góp, 2) Tạo ra một khoản khấu trừ thuế với số tiền quyên góp, có thể lên đến 50% tổng thu nhập của ông.

Do đó, Mark đã cơ bản cắt giảm thuế thu nhập của mình đi một nửa trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời.


Sau khi chào đón cô con gái đầu lòng ra đời, Mark tuyên bố hiến 99% tài sản để làm từ thiện.

Sau khi chào đón cô con gái đầu lòng ra đời, Mark tuyên bố hiến 99% tài sản để làm từ thiện.

Xét về phương diện xã hội. Những nhà quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ cách mà quỹ “Sáng kiến Zuckerberg Chan” sử dụng số tiền này.

Trong bức thư, Mark cho biết nguồn tài chính của quỹ sẽ được tập trung vào Hỗ trợ học tập cá nhân, Nghiên cứu y học và hai mục tiêu khác mang đầy "màu sắc" Facebook: "Kết nối mọi người và xây dựng những cộng đồng vững mạnh".

Quỹ của Zuckerberg và Chan có cấu trúc là một công ty trách nhiệm hữu hạn thay vì một tổ chức phi lợi nhuận, nghĩa là nó có thể vận động quyên góp và chi tiêu vào các mục đích chính trị.

Nên nhớ rằng Mark đã tạo nên khối tài sản khổng lồ của mình bằng cách tạo ra một trong những kho thông tin cá nhân trực tuyến của người dùng đồ sộ và giá trị nhất.

Do đó người ta nên cảnh giác với việc quỹ từ thiện của ông có thể vận động hành lang cho các quy định và chính sách đem lại lợi thế nhiều hơn cho Facebook.

Tuy nhiên, nói một cách khách quan, đó là tiền của Mark Zuckerberg. Ông đã làm ra nó một cách hợp pháp, bằng cách xây dựng một sản phẩm mà rất nhiều người lựa chọn để sử dụng.

Ông có thể làm bất cứ điều gì mà ông muốn trong giới hạn của pháp luật với số tiền đó. Ông có thể đã chôn nó trong một cái hố. Ông có thể quẳng nó vào lửa. Ông có thể mua súng, du thuyền, hay các hòn đảo.

Thay vào đó, ông công khai cam kết sẽ sử dụng nó để cải thiện một số vấn đề mà ông nhìn thấy trên thế giới. “Dư luận phải chăng đã quá khắt khe khi tìm một điều gì đó để chỉ trích ở đây?”, nhà báo Matt Rosoff của tờ Business Insider viết.

Có thể đơn giản là sau khi đã giúp thay đổi cách mà loài người tương tác với thế giới, ông Zuckerberg lại muốn thực hiện điều tương tự một lần nữa, một cách cao thượng và đẹp đẽ.

* Giả sử như bạn đã mua 100 cổ phiếu của Facebook với mức giá $100/cổ phiếu cách đây 2 năm. Hiện nay, mỗi cổ phiếu trị giá $150, do đó bạn có lợi nhuận trên giấy là $5.000.

Nếu bạn bán các cổ phiếu trên, bạn sẽ phải trả thuế trên thặng dư vốn cho lợi nhuận của mình. Nếu cho rằng nó là 15%, bạn sẽ còn lại $14.250 (15% bị giảm của lợi nhuận $5.000, cộng với $10.000 ban đầu của bạn).

Nếu bạn cho đi toàn bộ số tiền này, bạn sẽ nhận được (giả định khung thuế là 25%) khấu trừ thuế là $3.562,50. Như vậy bạn đã cho đi $14.250 với chi phí là $6.437,50 ($10.000-$3.562,50).

Nếu bạn tặng số cổ phiếu trị giá $15.000 này thay vì bán nó, bạn sẽ nhận được một khoản khấu trừ thuế của $15.000, giả sử bạn đang ở trong khung thuế suất 25%, kết quả là bạn được giảm $3.750 tiền thuế.

Như vậy bạn đã cho đi $15.000 với chi phí là $6.250 (lấy $10.000 ban đầu trừ đi $3.750 tiền khấu trừ thuế).

Nói cách khác, bạn có thể cho đi đầy đủ giá trị của số tiền hiến tặng với "chi phí" thực sự thấp hơn nhiều. "Người chơi" duy nhất bị đưa ra khỏi quy trình này là Kho bạc Nhà nước.

Chiến lược này càng có ích hơn khi cổ phiếu của bạn đã tăng giá đáng kể hoặc khi bạn bị nhập vào khung thuế cao hơn.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại