Qua Thông điệp Liên bang, Putin muốn người Nga hãy "bớt ảo tưởng"

Đức Huy |

Đó là nhận định của chuyên gia - nhà báo Nguyễn Đăng Phát trong cuộc trao đổi với chúng tôi xoay quanh chủ đề Thông điệp Liên bang 2015 của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hôm 3/12 vừa qua, chúng tôi đã có dịp được tường thuật trực tiếp sự kiện Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang 2015 cùng chuyên gia - nhà báo Nguyễn Đăng Phát. Kết thúc thông điệp, nhà báo Phát đã dành ít phút để trao đổi với chúng tôi về nội dung bài phát biểu này.

Nhận định về Thông điệp Liên bang năm nay, nhà báo Phát cho rằng, việc Tổng thống Putin ưu tiên đề cập tới chiến dịch chống khủng bố tại Syria cũng như những tranh cãi xung quanh vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 là hoàn toàn dễ hiểu.

"Điều này hợp lý về mặt logic, vì thông thường trong những bài phát biểu trước đây, các vấn đề nổi cộm nhất, cấp thiết nhất, sẽ được nêu lên đầu" - ông cho biết.

Với một sự kiện tương đối "nhạy cảm" như việc quân nhân hi sinh trên chiến trường, nhà báo Phát cho rằng cũng không có gì ngạc nhiên khi ông Putin nhắc đến gia quyến của hai phi công Nga tử trận cũng như dành một phút mạc niệm cho hai tử sĩ ngay ở phần đầu bài phát biểu.

Sau đó, Tổng thống Nga đã đi thẳng vào vấn đề, với việc nhấn mạnh quyết tâm chống khủng bố cũng như bày tỏ sự bất bình cao độ với Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ vì vụ Su-24, mà còn cả những hành vi "hậu thuẫn khủng bố" mà Nga cáo buộc Ankara đang thực hiện.

Nhà báo Phát nhận định, trong bối cảnh quan hệ Nga-Thổ đang "căng thẳng toàn diện" như hiện nay, khi hai bên liên tục tung bằng chứng cáo buộc bên còn lại "tiếp tay" cho IS, thì việc ông Putin tận dụng bài phát biểu lần này để công kích Ankara là điều dễ hiểu.

Câu nói có thể coi là đắt nhất của ông Putin trong Thông điệp Liên bang 2015.
Câu nói có thể coi là "đắt" nhất của ông Putin trong Thông điệp Liên bang 2015.

Chuyện ông Putin công kích Thổ Nhĩ Kỳ trong Thông điệp Liên bang đã được dự liệu từ trước, và một phần cũng chính vì vậy mà nhà báo Phát nhận định, thời lượng bài phát biểu mà Tổng thống Nga dành cho vấn đề này "không được nhiều so với mong đợi".

Tuy nhiên, số lượng nhỏ chưa chắc chất lượng đã thấp.

"Dù ông Putin không nói nhiều về khủng bố và Thổ Nhĩ Kỳ như mong đợi, nhưng thông điệp đã được ông khẳng định rõ ràng: Nga quyết tâm chống khủng bố, và cả những kẻ tiếp tay cho khủng bố" - nhà báo Phát nhấn mạnh.

Ukraine hoàn toàn không được nhắc đến

Theo nhà báo Phát, việc Ukraine không được nhắc tới trong Thông điệp Liên bang lần này rõ ràng đã có chủ ý.

"Ukraine là một chủ đề được nói tới rất nhiều trong Thông điệp năm ngoái, nhưng không phải là một vấn đề nóng hổi trong thời điểm hiện tại, không thể so sánh với tình hình chiến sự ở Syria hay quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông điệp Liên bang có thời lượng nhất định nên không thể dàn trải vấn đề, do đó những đề tài quanh năm đã nhai đi nhai lại và không có diễn biến gì mới như Ukraine sẽ không được đề cập đến" - ông giải thích.


Nhà báo Phát: Những đề tài quanh năm đã được nhắc đi nhắc lại và không có diễn biến gì mới như Ukraine đương nhiên sẽ không được đề cập trong Thông điệp Liên bang. Ảnh: Mạnh Quân

Nhà báo Phát: "Những đề tài quanh năm đã được nhắc đi nhắc lại và không có diễn biến gì mới như Ukraine đương nhiên sẽ không được đề cập trong Thông điệp Liên bang". Ảnh: Mạnh Quân

Tương tự, những lời lẽ gay gắt với Mỹ và NATO cũng không hề xuất hiện trong Thông điệp Liên bang năm nay. Điều này, theo nhà báo Phát, có 2 lý do chính.

Thứ nhất, cũng giống với vấn đề Ukraine, những lệnh trừng phạt từ phương Tây đã phát sinh từ năm ngoái và không có thay đổi gì trong năm nay, vì vậy nó không có đủ tính thời sự để được đưa vào bài phát biểu lần này.

"Mỹ và NATO không phải những đề tài trọng tâm" - ông nhấn mạnh.

Thứ hai, hiện nay Nga và phương Tây đang tỏ ý muốn bắt tay hợp tác trong chiến dịch chống thù chung IS, và để có thể làm được điều đó, hai bên đã thừa nhận giữa họ vẫn tồn đọng nhiều vấn đề cần phải ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết.

Điều này, theo nhà báo Phát, được thể hiện qua lời kêu gọi nối lại kì họp Hội đồng Nga-NATO, vốn đã bị gạt sang một bên sau căng thẳng Ukraine năm ngoái, của Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg. Phía Nga cũng cho biết họ đã sẵn sàng cho bước đi này.

Do đó, thái độ cứng rắn với phương Tây trong hoàn cảnh như hiện nay là không thực sự cần thiết.

Tập trung đối nội, kinh tế

Bên cạnh cuộc khẩu chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, trọng tâm của Thông điệp Liên bang lần này, theo nhà báo Phát, là các vấn đề đối nội.

Qua Thông điệp Liên bang lần này, ông cho rằng Tổng thống Putin đang mong muốn người dân Nga, cũng như chính quyền, các bộ ngành, lãnh đạo địa phương phải thích ứng với những khó khăn từ điều kiện bên ngoài, đã phát sinh và tồn tại được hơn một năm.

"Đừng ảo tưởng rằng những cái khó khăn ấy nó sẽ sớm chấm dứt, chẳng hạn như giá dầu, đừng có ảo tưởng giá dầu nó sẽ lên cao. Cấm vận dự báo sẽ còn kéo dài, do đó nước Nga phải thích ứng với những điều kiện ấy. Trong thông điệp của mình, ông Putin đã chuyển tải cái ý này rất rõ" - nhà báo Phát phân tích.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng nhấn mạnh ưu tiên phát triển các chương trình hợp tác kinh tế với các đối tác nước ngoài. Dù điều kiện khó khăn, nhưng ông chủ điện Kremlin khẳng định vẫn có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Nga.

Komsomolsk-na-Amur, thành phố mà Tổng thống Putin tự tin rằng sẽ là một trung tâm phát triển năng động thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: vostokintur.ru
Komsomolsk-na-Amur, thành phố mà Tổng thống Putin tự tin rằng sẽ là một trung tâm phát triển năng động thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: vostokintur.ru

Và theo nhà báo Phát, Tổng thống Nga muốn đất nước của ông phải tạo mọi điều kiện để thu hút những nguồn đầu tư đó.

Tóm lại, chuyên gia Nguyễn Đăng Phát khẳng định, Thông điệp Liên bang năm nay không có được sự hùng hồn và yếu tố "sử thi" như năm ngoái, khi Nga sáp nhập Crimea trong một bước đi mang tính lịch sử và phải tỏ rõ thái độ với phương Tây rằng Nga sẽ không lùi bước trước mọi áp lực.

Tuy nhiên, ông cho rằng thông điệp trong bài phát biểu lần này vẫn được Tổng thống Putin đưa ra một cách hết sức rõ ràng.

Thông điệp đó thể hiện ở những lời chỉ trích chua cay dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, ở quyết tâm chống khủng bố, và ở tầm quan trọng của việc thích ứng với khó khăn từ các yếu tố ngoại cảnh để "cùng nhau tiến lên phía trước và đi đến thành công", như lời Tổng thống Nga đã dùng để khép lại bài phát biểu năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại