"Thổ Nhĩ Kỳ có thể dùng xe tăng đánh chiếm S-400 của Nga ở Syria"

Quang Huy |

"Các hệ thống tên lửa này sẽ rơi vào tay lực lượng xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ, đây là lực lượng lúc nào cũng có thể tấn công thọc sâu vào Syria"- cựu nhà báo Nga Evgeny Kiselev nói.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ dùng xe tăng để tấn công và chiếm khu vực triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga” - cựu nhà báo Nga Evgeny Kiselev, hiện đang làm việc tại Ukraine chia sẻ với hãng thông tấn “UkrLife”.

Theo lời của nhà báo này, chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ để di chuyển từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đến căn cứ Không quân tại Latakia (Syria) bằng xe tăng.

Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra, các hệ thống tên lửa nổi danh này sẽ rơi vào tay lực lượng xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ, đây là lực lượng bất cứ lúc nào cũng có thể tấn công thọc sâu vào lãnh thổ Syria” - nhà báo Kiselev chia sẻ về ý tưởng của mình.


Hình ảnh hệ thống phòng không S-400 Nga được vận chuyển đến Syria. (Ảnh: BQP Nga).

Hình ảnh hệ thống phòng không S-400 Nga được vận chuyển đến Syria. (Ảnh: BQP Nga).

Theo tờ Svobodnaya Pressa (Nga), có lẽ những suy đoán tương tự của nhà báo nghiên cứu chính trị này không đáng để quan tâm nếu như các sự kiện gần đây diễn ra tại Syria không cho thấy tình hình có thể thay đổi một cách bất ngờ và đầy bi kịch.

Có nhiều những yếu tố khác nhau tác động lên nó. Một lần Thổ Nhĩ Kỳ từng vượt qua ranh giới đỏ khi bắn rơi máy bay ném bom của Nga. Ai có thể đảm bảo được rằng nước này không lặp lại điều đó một lần nữa.

Thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Đức hôm Chủ nhật vừa qua cũng khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.

Khoảng hơn 1,2 nghìn binh lính Đức có thể được điều tới Syria để chiến đấu chống lại các phần tử khủng bố của “Nhà nước Hồi giáo”, tờ báo DieWelt đưa tin.

Đức cần số lượng binh lính này để phục vụ cho lực lượng Không quân và Hải quân của mình tại Syria.

Được biết, hành động triển khai các lực lượng vũ trang Đức tại Syria lần này có thể là lớn nhất kể từ trước tới nay trong phạm vi ngoài biên giới của Đức.

Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông Đức cho biết, phía Đức chưa thống nhất quyết định này với chính phủ của Syria.

Nga cần sẵn sàng cho mọi tình huống

Chủ tịch Học viện các vấn đề địa chính trị Nga, ông Leonid Ivashov nêu quan điểm và phân tích: “Không nên lo lắng về một cuộc tấn công bằng xe tăng. Điều đó khó có thể xảy ra nhưng cần phải sẵn sàng cho mọi điều.

Cần phải tiếp tục hỗ trợ quân đội Syria bằng phương tiện kỹ thuật và vũ khí.

Tại những cứ điểm quan trọng hơn thì có thể triển khai các lực lượng bộ binh đặc nhiệm nhưng chỉ tham chiến trong trường hợp vô cùng cấp bách để bảo vệ các căn cứ chiến lược, ví dụ như các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.

Thêm vào đó, ngay bây giờ (mặc dù nên làm từ trước đó) cần đưa ra tuyên bố chính thức với Thổ Nhĩ Kỳ rằng chúng ta sẽ tự quyết định đáp trả mọi hành động khiêu khích có vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ công khai đưa quân vào lãnh thổ Syria thì cần phải nhắc nhở Tổng thống Erdogan rằng chưa ai bãi bỏ Hiệp định hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau mà Liên Xô và Syria ký kết năm 1980.

Trong trường hợp bên thứ ba khiêu khích chống lại Syria thì chúng ta không chỉ có thể mà còn có trách nhiệm bảo vệ đồng minh của mình. Và chúng ta sẽ làm như vậy.

Ngay bây giờ cần phải tăng cường lực lượng hải quân trên Biển Đen và ngay khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Có nghĩa là không chỉ đáp trả bằng các biện pháp kinh tế và ngoại giao, mà còn bằng sự chuẩn bị quân sự một cách nghiêm túc”.


Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ được vận chuyển tới khu vực gần biên giới với Syria.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ được vận chuyển tới khu vực gần biên giới với Syria.

Tuy nhiên, theo phóng viên của tờ báo Svobodnaya Pressa, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của tổ chức NATO. Hành động này của Nga nhằm bảo vệ Syria chống lại Thổ Nhĩ Kỳ có dẫn tới Thế chiến thứ Ba hay không?

Ông Leonid Ivashov chia sẻ: “Liên minh NATO sau vụ máy báy ném bom Nga bị bắn hạ đã lên tiếng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được ban lãnh đạo tổ chức này đưa ngoài “các vấn đề liên quan tới NATO”. Cần phải tính tới điều này và hợp tác tích cực với Pháp và Đức.

Thông tin về khả năng Đức cử binh lính tới Syria có thể sẽ là tín hiệu để các nhà ngoại giao và quân sự của chúng ta thống nhất hành động với Đức. Châu Âu không muốn bị Thổ Nhĩ Kỳ kéo vào cuộc chiến với Nga. Cần phải giúp họ tránh khỏi điều này”.

Tấn công vào Syria tức là khai chiến với Nga

Giám đốc Trung tâm phân tích địa chính trị Nga, ông Valery Korovin cho rằng cuộc tấn công bằng xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là hành động khiêu khích không che đậy chống lại nhà nước Syria có chủ quyền.

Nếu như hành động này xảy ra thì nó sẽ là dấu chấm hết của mô hình tuân thủ luật pháp quốc tế như hiện nay và sẽ là khởi đầu của sự tái thiết thế giới lớn nhất từ sau Thế chiến thứ Hai.

Bởi vậy, hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Syria khó có thể được xem xét một cách nghiêm túc. Công khai tấn công quân đội của Bashar al-Assad có nghĩa là khai chiến với Nga.

Quân đội Nga hiện đang có mặt tại Syria theo lời mời từ phía chính quyền hợp pháp của quốc gia này. Và đó là lý do tại sao không có bất cứ quân đội của nước nào khác hiện diện tại đây.

Nếu Đức cũng dùng lý do chiến đấu chống IS để đưa quân tới Syria mà không thỏa thuận với Bashar al-Assad thì điều này có nghĩa là hành động xâm lược chống lại Syria.

Liên quan tới các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Syria và Nga thì có thể dẫn tới hai tình huống:

Hoặc là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đuổi khỏi NATO như một thành viên thiếu tính xây dựng của khối này, hoặc NATO sẽ phải tham chiến công khai với Nga. Nhiều khả năng điều này sẽ dẫn tới một cuộc xung đột hạt nhân.

Cho đến nay, như chúng ta được biết, Mỹ không chỉ sợ phải chiến đấu với các cường quốc hạt nhân mà với cả những nước có khả năng chế tạo được loại vũ khí này.

Căn cứ vào yếu tố đó, khả năng xảy ra một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO trên lãnh thổ Syria là khó có thể xảy ra.

Mỹ đang bá chủ thế giới, ít ra trong khuôn khổ phần mà người ta thường gọi là Phương Tây và vì thế, người Mỹ có trách nhiệm bảo vệ các đồng minh của mình.

Trong đó có cả những đồng minh thiếu tính xây dựng như Erdogan khỏi những hành động thiếu suy tính chống lại Nga và các nước khác, khiến cho thế giới có thể nổ ra một thảm hoạ hạt nhân.


Lính Đức trong một cuộc tập trận trong tháng 6/2015

Lính Đức trong một cuộc tập trận trong tháng 6/2015

Tờ Svobodnaya Pressa đặt câu hỏi: “Đức có thể đưa binh lính tới lãnh thổ Syria với sự chấp thuận của Bashar al-Assad và lãnh đạo Nga hay không?”

Ông Valery Korovin chia sẻ: “Phương án này đồng nghĩa với việc thiết lập một liên quân chống khủng bố mới dưới sự lãnh đạo của Nga.

Khi đó Nga có thể không cần phải quá bận tâm tới Mỹ mà kêu gọi các nước thực sự có ích tham gia vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Chính nước Đức có thể thành đối tác có ích trong liên quân chống khủng bố của Nga. Như vậy chúng ta sẽ có các nước thuộc khối NATO hành động vì lợi ích của Nga, và trong chừng mực nào dưới sự dẫn dắt của Nga.

Tất nhiên điều này sẽ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ và sẽ khiến cho Liên minh Bắc Đại Tây dương rạn nứt.

Bởi vậy, người Mỹ khó có thể để cho kịch bản này xảy ra nhưng những quốc gia như Iran và cả Ấn Độ hoàn toàn có thể tham gia vào cuộc chiến chống IS tại Syria dưới sự lãnh đạo của Nga.

Ấn Độ, cũng như Nga không quan tâm tới việc các ý tưởng Hồi giáo cực đoan lan truyền mạnh mẽ trên thế giới. Ngoài ra, công khai mà nói, họ không bận tâm tới việc “thử nghiệm” các loại vũ khí mới của mình trong điều kiện chiến đấu”.

"Điều ngu xuẩn"

Tổng biên tập tạp chí “Phòng vệ quốc gia”, ông Igor Korotchenko bày tỏ quan điểm:

Nếu liên quân chống khủng bố dưới sự lãnh đạo của Nga đạt được thành công thì đó có thể sẽ là bước tiến đầu tiên trong việc xây dựng một mô hình an ninh mới tại Trung Đông, và trong tương lai – trên toàn thế giới.

Chúng ta tới Syria một cách nghiêm túc và lâu dài. Ở đó từ giờ sẽ có 2 căn cứ của chúng ta – Hải quân và Không quân.

Những lời “dự đoán” khác nhau của nhiều kẻ thất bại trên chính trường về việc xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công Syria là điều ngu xuẩn.

Vấn đề ở chỗ, chúng ta tiến hành chiến dịch chống khủng bố mà ngoài chính phủ Syria và Iran chỉ có Pháp ủng hộ chúng ta bằng việc thoả thuận trao đổi thông tin tình báo.

Nga hành động hoàn toàn hợp pháp và sẽ chấm dự hỗ trợ quân đội Syria chỉ khi nào những khu vực quan trọng của Syria được giải phóng khỏi phe khủng bố”.

S-400 đã tới căn cứ không quân Nga ở Syria. Nguồn: BQP Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại