Luật sư nói về "điều khó khăn nhất" ở vụ án oan Huỳnh Văn Nén

Hoàng Đan |

Theo luật sư Út, khó khăn nhất là đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu trả tự do cho ông Nén nhưng không được các cơ quan điều tra, tố tụng tỉnh Bình Thuận chấp nhận.

Người tù thế kỷ

Ngày 28-11, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén, kết thúc quãng thời gian 17 năm 5 tháng bị tù oan.

Ông Nén được coi là “người tù thế kỷ” khi phải chịu oan ở cả 2 vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (còn gọi là vụ án Vườn điều) và vụ giết bà Lê Thị Bông với thời gian bị giam oan từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21.

Để có cái nhìn khách quan, đa chiều về vụ án, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nguyên (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), một trong ba luật sư tham gia bào chữa cho ông Huỳnh Văn Nén.

PV: Thưa luật sư, vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén đã gây xôn xao dư luận trong thời gian dài. Tuy nhiên, trong những ngày đầu, gần như mọi cáo buộc đều nhằm vào ông Nén và tin đây là hung thủ gây ra án mạng.

Nhưng lý do nào, niềm tin gì đã khiến ông tham gia bảo vệ cho ông Nén?

Luật sư Phạm Công Út: Phải nói rằng, ngay khi đọc hồ sơ vụ án tôi thấy có nhiều mâu thuẫn về lời khai của ông Nén.

Đó là lúc ông Nén nhận tội, lúc không, chứng cứ thì mơ hồ và có dấu hiệu của sự bức cung, dụ cung, mớm cung.

Tôi thấy cha của ông Nén, một người đàn ông 90 tuổi liên tục hàng năm đi kêu oan cho con ở khắp nơi. Điều đó là hiếm có, vì chỉ thường là người cha, người mẹ mới tin rằng con mình là vô tội.

Rồi tôi lại thấy một người "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" là cựu chủ tịch xã Tân Minh, ông Nguyễn Thận cũng trường kỳ đeo đuổi việc kêu oan cho người học trò cũ là ông Nén, bất chấp những sự trả thù.

Đến khi tôi về địa phương, tôi đã tiếp xúc với hàng chục, thậm chí hàng trăm người dân, từ chủ nhà nghỉ, chủ quán xá, người bán vé số, người bán hàng rong, đến những người nông dân ở đây.

Một câu nói cửa miệng của mọi người dân ở đây mà tôi nghe được đều giống nhau nội dung là: "Ông Nén vô tội. Người khác giết bà Bông mà ông Nén bị đi tù...".

Sau khi nghe lời đề nghị giúp đỡ từ ông Huỳnh Văn Truyện, cha của ông Nén thì ngay lập tức tôi đã nhận lời trợ giúp pháp lý miễn phí mà không hề đắn đo.


Giọt nước mắt cay đắng sau 17 năm của ông Huỳnh Văn Nén. Ảnh: Phương Nam.

Giọt nước mắt cay đắng sau 17 năm của ông Huỳnh Văn Nén. Ảnh: Phương Nam.

PV: Đây được coi là vụ án oan kéo dài "2 thế kỷ". Với thời gian dài đằng đẵng như vậy, thì điều khó khăn nhất mà các ông gặp phải khi chứng minh sự oan khuất của ông Nén là gì?

Luật sư Phạm Công Út: Nhìn chung, cái khó khăn là đã nhiều lần các luật sư gửi văn bản yêu cầu trả tự do ngay cho ông Nén nhưng không được các cơ quan CSĐT và VKSND tỉnh Bình Thuận chấp nhận.

Chỉ khi bắt được nghi can diện tình nghi là hung thủ đã giết bà Lê Thị Bông thì quyết định đình chỉ và kết luận điều tra đối với ông Nén mới thành hiện thực.

Trước đó, cơ quan CSĐT tỉnh Bình Thuận đã hết sức tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận bào chữa cho các luật sư và thông báo lịch hỏi cung ông Nén với thời gian hợp lý, đủ để các luật sư luân phiên dự cung ông Nén cùng điều tra viên, kiểm sát viên.

Nếu các vụ án, dù có dấu hiệu oan hay không oan mà các cơ quan tiến hành tố tụng đều thực hiện việc tạo điều kiện tốt nhất cho các luật sư tiếp cận thân chủ, tiếp cận công việc như vụ án này thì rất tốt.

Cũng cần nói thêm với những người có dấu hiệu hàm oan thì những khó khăn nếu có, chỉ là rào cản từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngoài ra, thời gian, kinh phí cá nhân dù có tốn kém đến mấy thì các luật sư vẫn không nề hà để hoạt động theo lương tâm chức nghiệp của mình.

Làm gì để tránh oan sai?

PV: Ròng rã từng đó năm, với rất nhiều khó khăn, vất vả, gây khó từ cơ quan chức năng. Vậy, có khi nào ông cảm thấy muốn buông bỏ vụ án này không?

Luật sư Phạm Công Út: Trách nhiệm giải oan chỉ làm các luật sư buông bỏ khi biết chắc rằng người mà mình bảo vệ pháp lý chính là hung thủ giết người, cướp của.

Ngoài ra, chẳng có trở ngại nào có thể làm sờn lòng các luật sư chúng tôi.

PV: Giờ đây, khi vụ án đã được làm sáng tỏ, ông Nén đã được tự do, đình chỉ điều tra, các cơ quan chức năng của Nhà nước chuẩn bị tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ông Nén, cá nhân ông cảm thấy thế nào?

Đồng thời, qua vụ án này, điều quan trọng nhất mà ông thấy, chúng ta cần rút ra là gì?

Luật sư Phạm Công Út: Tôi xem buổi công khai xin lỗi công dân Huỳnh Văn Nén không chỉ là sự khẳng định người lương thiện ấy đã từng bị hàm oan, mà đối với tôi, ngày đó  như là ngày hội của công lý.

Qua vụ án này tôi cho rằng lộ trình đến đích của chiến lược cải cách tư pháp chỉ còn 5 năm nữa nhưng đã có các vụ án oan, những cái chết do bức cung, những cuộc bắt bớ không cần lệnh được làm sáng tỏ ngày càng nhiều.

Và những điều ấy từng bước đã được luật hóa như Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi vừa qua của Quốc hội.

Do vậy, điều cần rút ra bài học kinh nghiệm để tránh oan sai ngay từ khâu đầu tiên của tố tụng và của cơ quan tiến hành tố tụng cần phải được nâng cao chất lượng nhất là lực lượng công an.

PV: Một vấn đề được đặt ra sau vụ án này, đó là việc bồi thường oan sai, sau đây, theo ông việc này sẽ được tiến hành như thế nào?

Luật sư Phạm Công Út: Tôi cho rằng cơ quan làm oan cho ông Nén là tòa án đã từng tuyên bố ông Nén phạm tội giết người, cướp của sẽ là cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường.

Có thể họ chọn giải pháp thương lượng với ông Nén chứ không để tình trạng "tòa xử tòa" xảy ra.

PV: Thưa luật sư, trong quá trình bảo vệ cho gia đình ông Nén, cá nhân ông có phải chịu sức ép gì không?

Luật sư Phạm Công Út: Cái sức ép nếu có, đó là những người thay vì bênh vực công lý thì họ lại bênh vực những người làm sai pháp luật một cách cực đoan.

Họ đã dùng những lời lẽ mang tính quy chụp các luật sư, thay vì đồng tình với những công việc mang tính giải oan của những luật sư.

PV: Thưa Luật sư, ông đánh giá gia đình ông Nén đã chịu đựng những vất vả, khổ sở như thế nào?

Luật sư Phạm Công Út: Nhìn căn nhà nát mà vợ con ông ấy trú ngụ trong suốt gần 20 năm ông ấy thụ hình cũng có thể hiểu được nỗi khổ đau uất ức đến tận cùng không chỉ riêng ông ấy, mà còn cả vợ con.

Ông Nén vốn đã phải chịu cảnh không về tang mẹ trong thời gian ông đi tù. Ai cũng mong ông Nén được trở về gặp mặt cha để người cha được mãn nguyện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại