“Cái mặt kênh kiệu” và căn bệnh “sùng bái cá nhân”

Hải Phong |

Cơn sốt “cái mặt kênh kiệu” dường như sẽ phải hạ nhiệt sau 1 tuần làm nóng dư luận, khi chiều 23.11, UBND tỉnh An Giang ra quyết định yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh này giảm nhẹ mức kỷ luật đối với 3 cán bộ của tỉnh nhà chỉ vì tội “nói xấu Chủ tịch tỉnh trên Facebook”.

Chẳng hiểu sao, câu chuyện “cái mặt kênh kiệu” ở An Giang lại nhắc nhớ tới câu chuyện ở tận bên Mỹ.

“Tóc ông ta ngày càng bạc. Chẳng hiểu sao vì ông ta chẳng quan tâm chút gì tới đất nước”, sau khi đọc dòng tweet này, ông Obama lặng im vài giây, rồi chuyển sang câu tweet tiếp theo:

“Có thể chở ông Obama đến sân golf nào đó cách đây nửa vòng trái đất, rồi bỏ ông ta ở đó một mình không?” – “Tôi nghĩ đó là một sáng kiến tuyệt vời”, ông Obama bình luận.

Một tweet khác: Làm thế nào để mắt ông ta (Obama) sáng lên? Đó là soi đèn pin vào tai ông ấy! – Obama bật cười và nói: Hay đấy!

“Ai đó cho ông Obama vài mẹo làm tổng thống giỏi đi? Haha, vô ích thôi, lol (viết tắt của laugh out loud - cười vỡ bụng)”. Ông Obama tỉnh queo, bình gọn: Đã haha thì còn cần gì lol nữa!...

Đó là clip được hơn 33 triệu người xem, phát tháng 3 năm nay trên kênh Youtube, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama xuất hiện trên chương trình truyền hình nổi tiếng của MC Jimmy Kimmel, tự đọc những dòng tweet nói xấu về mình đăng tải trên mạng xã hội Twitter (một mạng xã hội rất phổ biến ở Mỹ, giống như Facebook - NV)…

Nhưng chuyện ở Việt Nam thì hơi khác chút ít vì nó không phải là chương trình để chiếu trên truyền hình mà là điều xảy ra trong thực tế. Phải chăng vì thế nên hệ quả của nó cũng khác nhau?

Suốt một tuần qua, “cái mặt kênh kiệu” có lẽ đã trở thành từ khóa hot nhất trên các tờ báo mạng cũng như mạng xã hội khi nó liên quan tới một vụ việc chưa từng có tiền lệ:

Cùng lúc cả 3 cán bộ làm ở các cơ quan khác nhau trên địa bàn tỉnh An Giang bị Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh này ra quết định xử phạt chỉ vì đưa đường link liên quan tới ông Chủ tịch tỉnh An Giang trên mạng xã hội Facebook, sau đó comment (bình luận) được cho là “xúc phạm tới danh dự và uy tín của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang”.

Trong đó có câu bình luận “ông này có cái mặt kênh kiệu và xa dân nhất các đời Chủ tịch An Giang”. Thậm chí trong vụ việc này, người lỡ tay bấm like vào bình luận trên cũng bị phạt hành chính 5 triệu đồng.

Đó thực sự là một chuyện rất khó tin, vì nó chưa từng xảy ra.

Điều đáng nói, cho tới tận khi báo chí ầm ĩ lên về vụ việc, khi được phỏng vấn, ông Chủ tịch tỉnh An Giang khẳng định mình hoàn toàn “vô can”, việc xử phạt hoàn toàn do các cơ quan cấp dưới tự xử.

Ông Chủ tịch tỉnh - trong vai trò người bị hại - nói hoàn toàn không hề hay biết về hành vi xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân kia. Có lẽ ông Chủ tịch bị oan!

Nhưng khó tin hơn nữa, theo thống kê của báo chí, để xử phạt 3 cán bộ này cả về mặt hành chính, chính quyền và mặt Đảng, đã có tất thảy 16 cơ quan nằm trong bộ máy chính quyền và Đảng của An Giang phải cùng vào cuộc.

Vì sao cả “hệ thống chính trị” lại phải vào cuộc quyết liệt và nhanh gọn đến vậy chỉ vì một câu bình phẩm trên mạng xã hội?

Nếu đối tượng bị “xúc phạm” không phải là ông Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo cao nhất trong bộ máy chính quyền tỉnh nhà, mà chỉ là một dân thường, thử hỏi “hệ thống” này có vận hành trơn tru tương tự không? Câu trả lời có lẽ không quá khó để tìm ra.

Người ta đã ám chỉ tới câu chuyện cấp dưới bợ đỡ, làm đẹp lòng cấp trên không đúng chỗ, đúng lúc mà trường hợp này có thể việc “cầm đèn chạy trước ô tô” của các cấp dưới đã làm hại cấp trên.

Tất nhiên, đó là xét trong trường hợp ông Chủ tịch tỉnh thực sự không biết đến câu chuyện 3 cán bộ kia “xúc phạm mình”.

Còn nếu việc xử phạt cũng do bàn tay ông sắp đặt thì rõ ràng, cái bình luận “ông Chủ tịch kênh kiệu và xa dân” đang từ chỗ thiếu căn cứ lại hóa ra vô cùng thuyết phục.

Câu bình phẩm “Cái mặt kênh kiệu và xa dân” có phải là xúc phạm uy tín, danh dự ông Chủ tịch tỉnh không?

Đã có rất nhiều phân tích từ các chuyên gia về luật pháp, ngôn ngữ, thậm chí ngay cả các vị đại biểu Quốc hội cũng vào cuộc và hầu như tất cả đều đồng tình rằng “đó chỉ là một cảm nhận từ cá nhân trên mạng xã hội”, “không có gì đáng phải lưu tâm, nhất là với một người đứng đầu một tỉnh”…

Đặc biệt, khi trao đổi với người viết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng còn đánh giá: Người dân còn nói xấu mình nghĩa là họ vẫn còn quan tâm tới mình. Sợ nhất vị lãnh đạo nào mà người dân còn không thèm nhắc tới.

Là người công bộc của dân, phải thấy đây là cơ hội để tự nhắc nhở bản thân, tự soi xét lại mình vì sao người dân lại kêu ca như vậy?

Vậy nhưng, chiều 23.11, sau khi làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, ông Chủ tịch tỉnh Vương Bình Thạnh vẫn nêu quan điểm “sẵn sàng tha thứ cho các cá nhân vì họ đã thấy được lỗi của mình” và “yêu cầu các sở, ngành tham mưu xem xét theo hướng rút lại các quyết định xử lý đối với ba cán bộ vừa qua và xem xét chỉ xử lý hình thức nhẹ nhất mang tính phê bình nhắc nhở là chính”.

Rõ ràng, với quan điểm cá nhân, ông Chủ tịch tỉnh An Giang vẫn cho rằng 3 cán bộ kia thực sự đã xúc phạm đến uy tín, danh dự của mình, chỉ là ông không đồng tình về mức xử phạt mà cấp dưới đã áp dụng mà thôi (do áp lực quá mạnh từ dư luận?).

Vậy thì xin đề xuất ông Chủ tịch tỉnh An Giang hãy nhờ cấp dưới tìm clip của ông Obama đã trích dẫn ở trên để học cách ứng xử của một vị lãnh đạo trước những lời chê bai mình (luôn đầy rẫy mỗi ngày trên mạng xã hội).

Làm quan chức, nghe những lời nói ngọt ngào, khen tặng thì quá nhiều và quá dễ. Nhưng nhiều lúc cũng cần phải biết nghe cả những lời chê, lời nói xấu mình nữa để điều chỉnh hành vi bản thân cho phù hợp. Thuốc đắng mới dã được tật.

Thậm chí với những người dám nói ra điều chê trách mà đó lại là sự thật, lại càng đáng nghe và càng tôn trọng họ hơn chứ.

Câu chuyện có thể sẽ sớm chấm dứt, nhưng dư âm của nó chắc chắn sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, có một sự thật tréo ngoe khác là để xử phạt một hành vi – giả định là phạm luật – của 3 cán bộ, nhiều luật sư đã chỉ ra rằng:

Một số cơ quan của tỉnh An Giang lại liên tiếp vi phạm các quy định khác của luật pháp trong quá trình thanh tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 3 cán bộ này…

Không thể sử dụng một hành vi phạm luật để xử lý một hành vi phạm luật khác, đó là nguyên tắc cơ bản trong một đất nước pháp quyền.

Câu hỏi đặt ra là 3 cán bộ “bị cho là vi phạm” đã bị xử phạt, dù mức phạt bây giờ được giảm nhẹ ở mức phê bình.

Nhưng còn những người đã vận hành cả một bộ máy công quyền cồng kềnh để xử phạt 3 cán bộ kia và mắc vô số lỗi ngớ ngẩn, vi phạm các quy định của pháp luật, họ có phải chịu trách nhiệm và bị xử lý hay không?

Bình luận về sự việc có một không hai này, TS.BS Võ Xuân Sơn đã đánh giá: Ở Việt Nam, tệ nịnh bợ, tìm mọi cách làm đẹp lòng cấp trên là tệ nạn phổ biến.

Nhiều cán bộ đã mất đi khả năng nghe những điều trái với ý mình, dẫn đến chuyện trù dập cấp dưới, trù dập những nhân viên không chịu sùng bái mình, từ đó loại bỏ người tài, tạo ra cả một hệ thống xu nịnh, bợ đỡ cấp trên, độc đoán với cấp dưới.

“Điều nguy hiểm là tệ sùng bái cá nhân đã tạo ra một hệ thống không có khả năng, không có thói quen lắng nghe các ý kiến trái chiều, các phản biện xã hội, kể cả những ý kiến xây dựng.

Từ đó dẫn đến việc cố tạo ra bộ mặt tốt đẹp cho dù là giả tạo, để che giấu các khiếm khuyết”, TS. BS Võ Xuân Sơn chốt lại.

Clip: Ông Obama đọc tweet nói xấu mình trên chương trình Jimmy Kimmel 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại