Trốn tìm dưới lòng biển: Nga-Ấn giăng "thiên la địa võng" chờ Mỹ

Hải Vy |

Nga và Ấn Độ, dù có ý đồ hay ngẫu nhiên, đều kéo các lực lượng hải quân phương Tây vào một cuộc chơi kì thú dưới biển: Trốn tìm!

Tờ Russia & India Report đăng bài viết của nhà báo Rakesh Krishnan Simha cho biết:

Săn lùng tàu ngầm là nhiệm vụ thường trực của các lực lượng hải quân lớn. Các hạm đội Nga và Mỹ theo dõi tàu ngầm của nhau 24/7, bằng cách dò tím tín hiệu âm thanh đặc trưng cho mỗi loại tàu ngầm (hỗn hợp tiếng ồn do tàu ngầm phát ra).

Trong vài thập kỷ, Mỹ chiếm ưu thế khi tuyên bố rằng họ có nhiều tàu ngầm hoạt động êm ái hơn. Người Nga thu hẹp khoảng cách giữa 2 phía vào giữa những năm 1980 và ngày nay, tàu ngầm của họ đã có được lợi thế trước Hải quân Mỹ.

Kết quả là cuộc săn lùng dưới biển càng trở nên găng go hơn.

Không giống như tàu chiến mặt nước và máy bay, tàu ngầm không có hệ thống phân biệt địch – ta IFF (Identify Friend/Foe). Cách duy nhất để nhận diện tàu ngầm là thông qua tín hiệu thủy âm.

Điều này mang lại lợi thế cho Nga và Ấn Độ nếu cả 2 phía đều sử dụng các lớp tàu ngầm giống nhau.

Tín hiệu từ một chiếc Akula (Nga gọi là Shchuka-B) của Hải quân Ấn Độ không khác biệt với tín hiệu từ chiếc tàu ngầm tương tự của Hải quân Nga, khiến cho Mỹ khó có thể hoặc không thể phân biệt được tàu ngầm Nga - Ấn.

Do ngày càng nhiều tàu ngầm hạt nhân Nga có mặt trong hạm đội của Hải quân Ấn độ nên việc theo dõi các tàu ngầm Nga càng trở nên khó khăn hơn.

Hải quân Mỹ phải đầu tư thêm nhiều thời gian, nguồn lực, tàu chiến, máy bay và nhân lực để thực hiện nhiệm vụ ngày càng phức tạp này.


Mỹ luôn bí mật theo dõi các tàu ngầm Nga và Ấn Độ. (Ảnh minh họa: Naval Technology)

Mỹ luôn bí mật theo dõi các tàu ngầm Nga và Ấn Độ. (Ảnh minh họa: Naval Technology)

Trên thực tế, Hải quân Mỹ không chỉ theo dõi hạm đội Nga mà còn cả các tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ.

Theo bản báo cáo hồi tháng 2/2014 của tạp chí Indian Military Review, Mỹ triển khai các máy bay P-3 Orion ở Ấn Độ Dương để thu thập dữ liệu của cả tàu ngầm Nga và Ấn Độ.

Yếu tố “bí mật” đóng vai trò tối quan trọng đối với sự sống sót của tàu ngầm do chúng thường thiếu vũ khí tự vệ.

Ấn Độ không thể liều lĩnh để bất cứ quốc gia nào biết được vị trí những con tàu đang nắm giữ khả năng tấn công hạt nhân thứ 2 của nước này.

Sẽ là thất sách và chẳng khác nào chờ chết nếu chỉ ngồi nhà và cầu trời rằng Mỹ sẽ không tiết lộ thông tin vị trí các tàu ngầm Ấn Độ cho Trung Quốc hay Pakistan.

Lựa chọn khôn ngoan hơn là hiệp lực cùng Hải quân Nga và tấn công bất ngờ những tên “thợ săn” đang theo dõi hạm đội tàu ngầm của họ.

Các báo cáo cho biết New Delhi đang đàm phán với Moscow để thuê chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ 2 trong vòng 10 năm. Điều này cho thấy khả năng 2 phía hiệp lực lực lượng tàu ngầm có thể sẽ trở thành hiện thực trong vài năm tới.

Những con “sói biển” Akula

Chiếc tàu ngầm mới nhất được chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ có thể sẽ là tàu ngầm K-322 Kashalot mà Hạm đội phương Bắc đang lưu trữ. Đây là lần thứ 3 Ấn Độ thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân từ Nga.

Tàu Kashalot cùng thuộc lớp Akula II như tàu INS Chakra II mà Nga đang cho Hải quân Ấn Độ thuê với thời hạn 10 năm.

Tàu có lượng giãn nước 8.140 tấn có tốc độ khi lặn 30 hải lý/h, có thể lặn sâu tới 620m và được trang bị 8 ống phóng ngư lôi.

Con tàu có dự trữ hành trình 100 ngày với thủy thủ đoàn 73 người.

Theo trang web RusNavy.com, tàu ngầm Akula từng đạt được thành tích vô cùng ấn tượng vào năm 1991, khi truy lùng các tàu ngầm ngoại quốc trong hơn 14 ngày liên tục.


Tàu ngầm K-322 Kashalot. Ảnh: Sputnik

Tàu ngầm K-322 Kashalot. Ảnh: Sputnik

Không ngạc nhiên khi Hải quân Ấn Độ ưa thích tàu ngầm Akula.

Một quan chức Mỹ nói với tờ Washington Free Beacon: “Tàu ngầm Akula được chế tạo vì 1 lý do duy nhất: Tiêu diệt các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ và các kíp thủy thủ trên tàu”.

“Nó có khả năng tàng hình cao tới mức có thể đột nhập, tránh bị phát hiện và qua mặt bất cứ màn hình bảo vệ trên các tàu ngầm tên lửa đạn đạo (của Mỹ)” – Vị quan chức nói.

Điều đó phần nhiều lý giải tại sao tàu ngầm Akula là nỗi khiếp sợ lớn của các lực lượng hải quân phương Tây trong những năm 1980.

Sau khoảng thời gian ngắn vắng mặt trong những năm 1990, khi Hải quân Nga suy yếu do Liên Xô sụp đổ, những chiếc tàu ngầm tấn công được nâng cấp này đang mạnh mẽ trở lại đại dương.

Sức mạnh tàu ngầm Akula (Shchuka-B) của Nga

Tàu ngầm Yasen cho Ấn Độ?

Nếu Akula là “nỗi khiếp sợ” thì tàu ngầm lớp Yasen là “cơn ác mộng kinh hoàng” đối với các đối thủ của nó.

Chiếc tàu ngầm mang tên lửa hành trình này được thiết kế để tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.

Xét tới việc Ấn Độ từng là nạn nhân của chính sách “ngoại giao tàu chiến” Mỹ thì Yasen sẽ là giải pháp hoàn hảo để ngăn chặn “chủ nghĩa phiêu lưu” của nước ngoài tại Ấn Độ Dương.

Theo Viện Hải quân Mỹ, một trong những sĩ quan tàu ngầm hàng đầu của Hải quân Mỹ đã vô cùng ấn tượng với các tàu ngầm tấn công mới (lớp Yasen) của Nga.

Ông thậm chí đã yêu cầu dựng mô hình tàu ngầm Severodvinsk và đặt tại khu vực công cộng bên ngoài phòng làm việc của mình để có thể nhìn thấy nó mỗi ngày trên đường đi.


Tàu ngầm K-329 Severodvinsk. Ảnh: RT

Tàu ngầm K-329 Severodvinsk. Ảnh: RT

Tàu ngầm lớp Yasen có lượng giãn nước 13.800 tấn (gấp hơn 2 lần kích cỡ tàu ngầm INS Arihant), dài 119m, tốc độ tối đa lên tới 40 hải lý/h.

Yasen và các tàu ngầm thế hệ mới tương tự cho phép Nga chiếm ưu thế trước Mỹ trong những năm gần đây, cho thấy một bước nhảy vọt trong công nghệ, cũng như mức độ chuyên nghiệp cao trong vận hành tàu và đào tạo thủy thủ.

Tàu ngầm lớp Yasen có thể hoạt động ở cấu hình chuẩn là mang tên lửa hành trình nhưng nếu Ấn Độ muốn, nó có thể được điều chỉnh để mang cả tên lửa hành trình thông thường và tên lửa đạn đạo hạt nhân.

Đó sẽ là vũ khí tấn công chiến lược và tấn công mặt đất cực kỳ uy lực, có một không hai trong biên chế Hải quân Ấn Độ.

Ngay cả Hải quân Trung Quốc cũng không có tàu ngầm nào sánh được với Yasen.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Rakesh Krishnan Simha.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại