Khám phá tuyệt học giang hồ khinh rẻ, kinh hãi và... thèm muốn

Tiểu Mã |

Khắp giang hồ đều thèm khát Quỳ hoa bảo điển, để rồi kinh sợ khi gặp phải cao thủ nào luyện môn võ công này. Nhưng khi biết điều phải đánh đổi thì người nào cũng tỏ ra khinh rẻ...

Loại bí kíp “siêu dị”

Quỳ Hoa bảo điểnbí kíp võ công thượng thặng nhưng tàn độc nhất trong tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu ngạo giang hồ.

Giống như Tịch tà kiếm pháp, nguyên lý đầu tiên để luyện là Quỳ Hoa bảo điển là "dẫn đao tự cung" (tự hoạn), để tránh khi luyện hỏa dục bốc lên mà “tẩu hỏa nhập ma”.

Người duy nhất được cho là luyện thành công Quỳ Hoa bảo điển mang biệt danh Đông Phương Bất Bại.

Nguồn gốc Quỳ Hoa bảo điển theo lời kể của Phương Chấn đại sư, trụ trì Thiếu Lâm Tự khi bàn việc cùng Lệnh Hồ Xung và Xung Hư đạo chưởng, Chưởng môn Võ Đang trên đỉnh núi Hằng Sơn.

Bí kíp này có chung một nguồn gốc với Tịch tà kiếm pháp do cặp vợ chồng tiền nhân phái Hoa Sơn với tên người chồng có chữ “Quỳ”, người vợ có chữ “Hoa” sáng tạo nên.

Sau vì sáng tác bí lục này mà cặp vợ chồng tiền nhân phái Hoa Sơn thành ra mâu thuẫn, cuối cùng cả hai đều đi ở ẩn, xa lánh cõi trần và pho bí lục võ công cũng chia làm hai bộ. Bộ của người chồng gọi là Càn kinh. Bộ của người vợ kêu bằng Khôn kinh.

Sau một thời gian, bộ sách này vô tình truyền đến phái Nam Thiếu Lâm ở Phúc Kiến.

Cũng thời gian đó, có hai tiền nhân phái Hoa Sơn là Nguyên Mẫn Túc (sau này là ông tổ phái Khí tông) và Chu Tử Phong (sau này trở thành ông tổ phái Kiếm tông) cùng đến Nam Thiếu Lâm không biết bằng cách nào đọc lén được bộ sách rồi về Hoa Sơn tu luyện.

Khi biết chuyện, trụ trì Nam Thiếu Lâm là Hồng Diệp thiền sư đã sai môn đồ của mình là Độ Nguyên thiền sư đến Hoa Sơn khuyên hai người kia dừng ngay việc luyện bí kíp.

Hai người kia tưởng lầm Độ Nguyên đã tinh thông bộ bảo điển nên đọc lại nhờ nhà sư kiểm chứng.

Không ngờ Độ Nguyên thực ra chẳng biết gì hết, nhưng cũng bị cuốn hút bởi bộ sách nên dụng tâm ghi nhớ, đêm về chép lại vào trong áo cà sa, sau đó hoàn tục trở thành Lâm Viễn Đồ.

Chính người này đã phát triển những kiến thức về kiếm thuật từ Quỳ Hoa bảo điển thành Tịch tà kiếm pháp của họ Lâm nổi danh giang hồ.

Nguyên Mẫn Túc và Chu Tử Phong cùng nhau tu luyện Quỳ Hoa bảo điển, nhưng mâu thuẫn về việc triết giải sách đã tranh cãi, dẫn đến việc chia rẽ phái Hoa Sơn thành hai trường phái là Khí tông và Kiếm Tông.

Quỳ Hoa bảo điển được coi là tuyệt kỹ lợi hại bậc nhất trong các tác phẩm kiếm hiệp.
Quỳ Hoa bảo điển được coi là tuyệt kỹ lợi hại bậc nhất trong các tác phẩm kiếm hiệp.

Khí tông thì coi trọng việc rèn luyện nội công (Càn kinh) mà hậu duệ sau này là Nhạc Bất Quần.

Kiếm tông lấy việc rèn luyện kiếm chiêu làm trung tâm (Khôn kinh) mà hậu duệ là Phong Bất Bình, Thành Bất Ưu... Hậu quả của việc này là hai phái tranh chấp, dẫn đến tàn sát lẫn nhau.

Kết cục là mười đại trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo (Ma giáo) kéo đến Hoa Sơn, cướp bộ sách Quỳ Hoa bảo điển.

Về sau, bộ sách truyền đến Đông Phương Bất Bại, là người duy nhất rèn luyện thành công bí kíp võ công này và trở thành cao thủ không ai địch nổi.

Cũng giống như Tịch tà kiếm pháp, muốn luyện Quỳ Hoa bảo điển phải tự cung. Vì thế Đông Phương Bất Bại cũng chung số phận với Lâm Bình Chi và Nhạc Bất Quần trở thành kẻ ái nam ái nữ.

Đông Phương Bất Bại dành cả đời tu luyện Quỳ Hoa bảo điển nên có võ công phi phàm, không bị thất bại dưới Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung.

Thậm chí y còn làm cho bốn người là Nhậm Ngã Hành, Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh và Hướng Vấn Thiên bị thương bằng kim thêu.

Cuối cùng cao thủ này chỉ chịu thất bại khi Nhậm Doanh Doanh khống chế chàng trai nhân tình của Đông Phương Bất Bại là Dương Liên Đình.

Sau khi Đông Phương Bất Bại chết, Nhậm Ngã Hành tiết lộ chính ông ta đã bẫy Đông Phương Bất Bại bằng bộ sách này, và đã phá hủy luôn cuốn bí kíp. Từ đó, Quỳ Hoa bảo điển hoàn toàn biến mất trên đời.

Tuyệt kỹ gây tranh cãi nhiều nhất

Nói về những bí kíp võ công trong các tác phẩm kiếm hiệp, Qùy Hoa bảo điển được coi là tuyệt kỹ gây ra nhiều tranh cãi nhất xung quanh việc nó có thật hay không.

Ngay từ nguồn gốc, khác với quan điểm bí kíp do cặp vợ chồng tiền nhân phái Hoa Sơn sáng tạo nên, một số ý kiến khác lại cho rằng Quỳ Hoa Bảo Điển thực chất là tác phẩm của một thái giám trong cung vua, nên muốn luyện thì đầu tiên là phải "dẫn đao tự cung".

Trong truyện, Kim Dung chủ yếu miêu tả về “bề ngoài”, rằng Đông Phương Bất Bại sau khi luyện Qùy Hoa bảo điển thì tính khí bắt đầu bị nữ hóa.

Người này còn tự trang trí lại căn phòng chính của giáo phái thành một tẩm cung (loại cung đình dành cho vương phi hoặc hoàng hậu thời đó) và thường xuyên ngồi thêu hoa…

Quỳ Hoa bảo điển được gắn với nhân vật Đông Phương Bất Bại.
Quỳ Hoa bảo điển được gắn với nhân vật Đông Phương Bất Bại.

Còn lại, Kim Dung hầu như cũng không đi vào miêu tả về cách thức luyện tập môn này như thế nào.

Thực tế cũng có nhiều nhà nghiên cứu võ thuật đã lên tiếng phủ nhận về độ xác thực của Quỳ Hoa bảo điển bởi không có một tài liệu đáng tin cậy nào nói về thứ bí kíp lạ lùng này.

Thậm chí người ta cũng không hiểu đây thực chất là bí kíp luyện khí, nội công hay là những đòn thế thực chiến. Điều này là hoàn toàn khác so với những bí kíp được dựa trên thực tế có thật như Dịch cân kinh, Cửu âm chân kinh…

Nhiều người cho rằng, Kim Dung đã cố tình “hư cấu” ra Quỳ Hoa bảo điển để làm tăng thêm tính hấp dẫn và ly kỳ cho tác phẩm tiểu thuyết của mình.

Ngược lại, một số fan của Kim Dung và các câu truyện kiếm hiệp lại vẫn tin loại tuyệt kỹ này là có thật, tuy nhiên nó đã bị thất truyền qua hàng ngàn năm…

Võ công thật của các Thái giám và mối liên hệ với Quỳ hoa bảo điển

Theo suy đoán của một số nhà nghiên cứu võ thuật, Kim Dung có thể đã dựa vào một số nhân vật Thái giám biết võ công trong các giai thoại Trung Hoa để xây dựng nên Quỳ Hoa bảo điển và gán nó cho nhân vật Đông Phương Bất Bại.

Tác giả Ôn Thuỵ An cũng đề cập tới nhân vật Thái giám Mễ Công công, vốn là một cao thủ thuộc loại đệ nhất thiên hạ. Trong khi tác phẩm tiểu thuyết “Long Môn Khách sạn”, nhân vật Thái giám có võ công cao cường  cũng là Tào Thiếu Khâm.

Lịch sử Trung Hoa cũng từng ghi nhận một số nhân vật Thái giám biết võ công như Triệu Cao, Nguỵ Trung Hiền, Lý Liên Anh...

Đây là những nhân vật có tính cách khá giống nhau, thường được mô tả là tâm cơ gian trá, miệng lưỡi sắc sảo như dao... tuy nhiên võ công thì lại không cao.

Về sau có một số Thái giám được người đời ca ngợi như Trịnh Hoà, Cao Lực Sĩ (thời Võ Tắc Thiên) thì trên thực tế, họ cũng chỉ là những Thái giám bình thường, không phải là những cao thủ về võ công.

Trong sử sách Trung Hoa cũng đã từng xuất hiện khá nhiều “Tướng quân Thái giám” có tài thao lược chinh phạt.

Ví dụ thời Bắc Tống có Lý Hiến, Đổng Quán – người đã suất lĩnh mấy trăm vạn đại quân tấn công Tây Hạ và Liêu quốc. Thời Minh thì có Tam Bảo Thái Giám Trịnh Hoà thống suất hải quân hoàn thành việc đo đạc bản đồ đường biển của Trung Quốc thời cổ .

Tuy những nhân vật trên có vai trò quan trọng trong quân đội, nhưng việc họ có biết võ công , hoặc giả võ công cao đến mức nào thì không ai có thể chứng minh được bởi không có tài liệu nào mô tả cụ thể.

Đội “Kỹ Dũng Thái Giám” ở triều Thanh.
Đội “Kỹ Dũng Thái Giám” ở triều Thanh.

Đến triều Thanh thì cũng có xuất hiện Thái giám biết võ công, họ được gọi là “Kỹ Dũng Thái Giám”. Trong số 500 Thái giám trú tại Viên Minh Viên thì có đến 60 người là “Kỹ Dũng Thái Giám”.

Về sau lực lượng này còn tham gia chống lại đế quốc Anh, Pháp và nhiều người trong số đó tử nạn.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, vị thái giám được đánh giá cao nhất về khả năng võ công, duy chỉ có một người đó là Thái giám trong phủ của Tiêu Thân Vương triều Thanh có ngoại hiệu là “Thiết Mạo Tí Vương”.

Đây là người sáng lập ra môn Nội gia quyền tuyệt nghệ có tên là Bát Quái Chưởng và cũng là một trong số Thập đại võ lâm cao thủ triều Thanh: Đổng Hải Xuyên.

Ông vốn là một võ sĩ nổi tiếng ở tỉnh Hà Bắc, và được cho là đã đi theo con đường Thái giám để tránh gặp những tai họa sau khi có nhiều mâu thuẫn với giới võ lâm.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, rất có thể Đổng Hải Xuyên chính là một hình mẫu quan trọng để Kim Dung xây dựng nên hình tượng Đông Phương Bất Bại cũng như tuyệt kỹ võ công Quỳ Hoa bảo điển.

Trong hệ thống 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm cũng có một bí kíp khá “dị” nhưng là môn nội công hoàn toàn thật chứ không hoang đường như Qùy Hoa bảo điển, mang tên Môn đáng công (bí kíp luyện hạ bộ).

Môn này có tên khác là Kim Thiền công (ve sầu vàng thoát xác): Luyện sức chịu đựng của những đòn tấn công vào hạ bộ, tập trung khí vào hai tinh hoàn giúp nó trở nên cứng như sắt.

Môn này gần giống công phu Hấp âm công (có tên khác là Liêu âm công hay Đồng tử công) là phương pháp tập hít cho hai tinh hoàn co vào trong ổ bụng tránh lực công phá của đối phương.

Môn này cũng “dị” ở chỗ muốn luyện phải từ thiếu niên và chưa từng giao hợp với phụ nữ.

Môn đáng công được coi là “đặc sản” của võ Thiếu Lâm và vẫn còn lưu truyền. Đến nay vẫn có khá nhiều người luyện tập thành công.

 

Cảnh Đông Phương Bất Bại dùng Quỳ Hoa bảo điển chiến đấu trong phim

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại