Không tưởng: Chạy thận 7 năm vẫn sinh quý tử

Thúy Hạnh |

Sau nhiều năm khao khát và 8 tháng thấp thỏm đợi chờ, bé trai đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình, bác sĩ, trở thành trường hợp mang thai, sinh con lịch sử.

Kỳ tích y học

Mang thai, sinh con ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối gần như là điều không tưởng.

Nhưng những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ và khát khao làm mẹ cháy bỏng 7 năm ròng của chị Hoàng Ngọc Yến, 31 tuổi, Tuyên Quang đã viết nên điều kỳ diệu cho ngành y Việt Nam, gieo hy vọng cho hàng nghìn phụ nữ bị suy thận.

Chị Yến trở thành bệnh nhân chạy thận nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam mang thai và sinh con khỏe mạnh.

Ngày 14/10, được ôm con trong tay sau hơn 1 tháng con chào đời tại bệnh viện Bạch Mai, chị Yến không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc: "Đây đúng là món quà vô giá với gia đình tôi, tất cả mọi người đều đang vỡ òa vì vui sướng".

Xung quanh, rất đông bệnh nhân và người nhà cũng nở nụ cười hân hoan, chúc tụng.

Nói về ca bệnh đặc biệt, BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chị Yến phát hiện suy thận giai đoạn cuối năm 2008 khi đang mang thai con đầu lòng 16 tuần.

Cái thai sau đó đã bị sảy. Từ đó đến nay trường kỳ tuần 3 buổi chị tới khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu.


Chị Yến hạnh phúc ngắm con sau nhiều năm đợi mong. Ảnh: T.Hạnh

Chị Yến hạnh phúc ngắm con sau nhiều năm đợi mong. Ảnh: T.Hạnh

Chừng đó năm, nỗi khao khát được làm mẹ luôn trỗi dậy trong người phụ nữ trẻ nhưng mọi trông ngóng đều vô vọng.

Đến giữa tháng 5 vừa qua, chị Yến phát hiện có thai khi đã 14 tuần tuổi, do thường xuyên chạy thận, kinh nguyệt rối loạn, hội chứng urê trong máu cao rất giống nghén nên khó phát hiện.

“Khi biết mình có thai tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sắp được làm mẹ, lo vì không biết làm cách nào để giữ được thai khi bản thân đang mang bệnh mạn tính. Lúc ấy chỉ biết tha thiết nhờ bác sĩ bằng mọi cách cứu lấy con", chị Yến nhớ lại.

Dù biết vô cùng khó khăn và nguy hiểm, song trước nguyện vọng quá lớn của gia đình, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã bằng mọi cách níu giữ thai chờ ngày sinh nở.

Kết quả không phụ lòng người. Ngày 6/9 vừa qua, chị Yến sinh mổ thành công bé trai 31 tuần tuổi, nặng 1,5kg, đặt tên là Xuân Bảo. Do quá nhỏ, bé Xuân Bảo bị viêm phổi, phải nuôi lồng ấp, ăn xông, thở oxy.

Đến ngày 14/10 bé được xuất viện với cân nặng 2,1kg.

Theo BS Dũng, trường hợp bệnh nhân chạy thận sinh con khỏe mạnh trên thế giới rất hiếm. Tại châu Âu trong 10 năm qua chỉ có 12 trường hợp.

Hành trình nghẹt thở

BS Dũng cho biết, ngay khi biết được nguyện vọng tha thiết của gia đình, bản thân ông và lãnh đạo bệnh viện đã phải cực kỳ cân nhắc.

Với bệnh nhân suy nhận, sẽ phải uống nhiều thuốc, phải lọc máu thường xuyên làm kích hoạt nguy cơ sảy thai, ngay cả trường hợp giữ được thai thì khi sinh cũng rất khó cầm máu do phải uống thuốc chống đông...

"Ngay lập tức chúng tôi phải hội chẩn với khoa Sản, tìm giải pháp an toàn cho mẹ và con. Tất cả bác sĩ cùng nghiên cứu tài liệu. Phác đồ chuẩn châu Âu được lựa chọn", bác sĩ nhớ lại.


BS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ về ca bệnh đặt biệt. Ảnh: T.Hạnh

BS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ về ca bệnh đặt biệt. Ảnh: T.Hạnh

Ngay sau đó tiếp tục có cuộc hội chẩn toàn viện với sự tham gia của 10 khoa, phòng chức năng như gây mê, hồi sức, tim mạch, sản, nhi, thận tiết niệu...

Sau khi họp lên họp xuống, chính thức từ tuần thai thứ 17, chị Yến được áp dụng điều trị theo một liệu trình đặc biệt. Tất cả các loại thuốc phải tính toán sao cho nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi thấp nhất, có thuốc cực kỳ hiếm phải nhờ "xách tay" từ nước ngoài.

Theo BS Dũng, cái khó nhất của trường hợp này là huyết áp quá cao lên đến 250 mmHg (người bình thường 120-130mmHg), nguy cơ sảy thai bất cứ lúc nào.

Chưa kể việc rút nước tiểu trong người phải đảm bảo chính xác đến từng ml để không ảnh hưởng đến thai nhi trong khi việc xác định cân nặng thực của thai phụ khi mang bầu là cực kỳ khó.

Thay vì chạy thận 3 lần/tuần, chị Yến được nâng số lần lên gấp đôi. Tuy nhiên do thời gian lọc thận lớn nên độ PH trong máu cao, làm kích hoạt nguy cơ xảy thai.

Bệnh viện phải chuyển 50 can dung dịch kiềm hóa có nồng độ thấp hơn bình thường từ TP.HCM ra Bạch Mai.

Mọi thay đổi của sản phụ Yến được các bác sĩ khoa Sản, khoa Thận nhân tạo theo dõi từng ngày, từ theo dõi huyết áp, tình trạng nước ối, sự phát triển của bánh rau, dây rốn, trọng lượng thai nhi...

"Cẩn trọng là thế nhưng đến tuần thứ 24, sản phụ Yến bất ngờ ra huyết. Chúng tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là sảy thai nên yêu cầu chị Yến nằm viện nội trú để gắng giữ thai được lâu nhất có thể.

May mắn đến tuần 31 sản phụ mới chuyển dạ, sinh con sau 2 giờ phẫu thuật", bác sĩ Dũng thở phào kể.

Dù bé Xuân Bảo đã xuất viện về với gia đình nhưng BS Dũng cho biết vẫn sẽ cử người theo dõi suốt quá trình phát triển của bé sau này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại