Cậu học trò 'xóm chạy thận' vào ĐH Bách khoa

daquynh |

18 tháng tuổi, Nguyễn Tuấn Việt được mẹ đưa lên sống trong xóm chạy thận ở phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội).

Trong căn phòng trọ tồi tàn, rộng 10m2 và bừa bộn đồ đạc, Tuấn Việt đang lụi cụi nấu cơm trưa. Nhà chật, Việt xoay tứ phía đều đụng phải đồ. Chiếc phản nhỏ kê sát tường là nơi đặt lưng của ba người nhà Việt. Mọi không gian còn lại trong căn phòng đều trở thành nơi chứa đồ, sách vở, quần áo và xoong nồi. Gia đình em mới chuyển sang căn phòng này vài năm nay, còn trước đó ở căn phòng 8m2 kế bên.

Năm 1996, khi bố Việt bị bệnh, cả nhà chuyển hẳn lên xóm chạy thận ở. Chưa đầy 2 tuổi, cậu bé Việt theo bố mẹ nhập cư vào xóm. Nhà cửa dưới quê Thanh Hóa bán sạch, ông ngoại còn bán cả sổ hưu để lấy tiền chữa bệnh cho bố Việt. Trước khi mắc bệnh, bố Việt làm cho một nhà máy dược ở Thanh Hóa. Cả bố và mẹ cậu đều học ĐH Dược. Bố cậu có bằng cử nhân còn mẹ do nhà nghèo nên phải bỏ dở việc học hành.

cau-hoc-tro-xom-chay-than-vao-dh-bach-khoa

Việt mơ ước sau này sẽ trở thành giáo viên. Ảnh:Bình Minh.

Không ai chăm sóc, Việt sớm phải độc lập và tự lo liệu mọi việc, từ nấu ăn, giặt giũ đến học hành. Hình ảnh về người mẹ tần tảo, chịu khó kiếm từng trăm lẻ từ những phích nước đến giờ vẫn hằn sâu trong tâm trí Việt. Hình ảnh ấy ám ảnh và thôi thúc cậu phải học. Việt nhớ ngày còn nhỏ, mỗi lần bị điểm kém đều bị "ăn roi". Chính sự nghiêm khắc ấy đã giúp cậu không chểnh mảng trong học tập.

Lủi thủi một mình nên Việt ít có bạn bè. Năm cấp 3, cậu học ở một trường dưới Hà Đông. Bạn cùng lớp hiếm khi được mời tới chơi nhà, phần vì nhà chật, phần vì ngại để bạn bè biết hoàn cảnh gia đình. Có lần bị bạn nói bố mình nhiễm HIV vì nước da nhợt nhạt, xám ngoét còn mẹ đi làm ôsin, Việt chỉ biết im lặng và thấy buồn. Ít bạn thông cảm nên cậu hầu như không chia sẻ chuyện gia đình với ai.

Để đỡ đần mẹ và có tiền mua đồ dùng học tập, Việt làm đồ hand-made ở nhà và bán quần áo. Việt bảo, cậu thích làm hoa, gấp giấy, chụp ảnh và vẽ. Đam mê nghệ thuật nhưng Việt không theo ngành ấy vì cảm thấy "bấp bênh".

Lên Hà Nội, do không có bằng cấp, mẹ Việt không thể kiếm được việc. Để có tiền chữa bệnh cho chồng, bà bán cháo, ngô, xôi và nước cho bệnh nhân trong Bệnh viện Bạch Mai. Hồi còn nhỏ, khi mẹ đi bán hàng, bố đi lọc máu, Việt bị nhốt trong nhà để khỏi lạc.

"Mỗi cánh tay mẹ treo năm phích nước, mỗi phích ngày đó bán 500 đồng. Hôm nào cũng vậy, mẹ em đi bộ từ xóm trọ sang bệnh viện bán đồ cho bệnh nhân. Có ngày, mẹ xách tới 100 phích", Việt nhớ lại.

Ngoài nước sôi, "sạp hàng" di động của mẹ Việt còn kiêm cả đồ ăn sáng, ăn đêm. Thời gian còn lại trong ngày, bà ra ngoài làm thuê kiếm thêm. Nhắc đến mẹ, tân sinh viên ĐH Bách khoa giọng nghẹn lại và lặng yên một lúc mới mở được lời.

"Mỗi ngày, mẹ chỉ ngủ được một tiếng nên giờ mới ngoài 40 tuổi mà mặt mẹ đầy tàn nhang, hai cánh tay cũng to bè do phải xách nặng nhiều. Hình ảnh mẹ vất vả em không thể quên", Việt chia sẻ.

1h sáng, nhà Việt lại la liệt nồi nước, cháo và xôi của mẹ. Những lúc khỏe, bố Việt đạp xe thồ sang tận Long Biên mua ngô về luộc bán. Năm cấp 1, thỉnh thoảng cậu phải nhịn đói cả ngày vì mẹ mải mê đi bán hàng và quên mất nhà hết gạo. Có hôm ế hàng, cả nhà ăn ngô trừ bữa đến sót ruột. Vừa ăn, ai cũng xừa xót vì lỗ vốn.

cau-hoc-tro-xom-chay-than-vao-dh-bach-khoa

Ngoài gấp giấy, làm đồ hand-made, Việt còn thích vẽ. Ảnh:Bình Minh.

Thương mẹ vất vả lại bệnh tật khiến cơ thể mệt mỏi, bố Việt nhiều lần muốn buông xuôi. Không ít lần Việt tình cờ nghe thấy bố thốt lên với mẹ: "Lọc nốt tuần sau thôi, mệt mỏi lắm rồi". Những lúc ấy, bà lại động viên chồng cố gắng sống để "con có bố" và sống để "dạy dỗ con trai nên người".

Những năm cuối cấp 3 phải ôn bài muộn, Việt thường xuyên chứng kiến mẹ thức khuya dậy sớm để chuẩn bị hàng bán. Và may mắn là hiện, mẹ Việt vừa xin được một công việc tại cửa hàng dược tư nhân gần đó.

Cả bố, mẹ Việt đều mong con trai thi ĐH Dược. Bản thân cậu cũng thích trường này vì từ nhỏ đã "ngấm" sau mỗi lần nghe bố kể chuyện. Việt kể, ngày trước bố cậu học giỏi và từng đi thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán nên ngày ngày cậu vẫn được bố kèm học. Lượng sức mình, cậu đăng ký thi ngành Hóa - Sinh của ĐH Bách Khoa và đạt 18,5 điểm.

Với Việt, đỗ đại học là trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện. Bởi chỉ có vậy, sau này mới có công việc ổn định để nếu có ốm đau sẽ có tiền chữa bệnh. Theo Việt, nếu bố là người truyền dạy kiến thức thì mẹ lại ảnh hưởng nhiều tới tính cách. Mẹ dạy cho cậu bản tính chăm chỉ, nghị lực và vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Sau này Việt muốn làm giáo viên vì cảm thấy mình phù hợp với nghề ấy. Việt tâm sự, có thể cậu sẽ tiếp tục ôn luyện thêm môn Toán để năm sau thi lại ĐH Dược. "Sắp tới, em và nhóm bạn thi đại học điểm cao sẽ lập nhóm gia sư. Ai có thế mạnh môn nào sẽ tập trung môn đó. Em muốn làm thêm để mẹ đỡ vất vả", Việt nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại