Nga bán Su-35 cho Pakistan: Cơn thịnh nộ của "gã khổng lồ Nam Á"

Việt Long |

Việc Nga cung cấp vũ khí tiên tiến cho "kẻ thù không đội trời chung" của Ấn Độ có thể sẽ khiến "người khổng lồ mới vươn mình ở Nam Á" quay sang Mỹ và Châu Âu.

Dave Majumdar, biên tập viên các vấn đề quân sự của tạp chí The National Interest (Mỹ) đăng bài viết dự đoán và phân tích phản ứng của Ấn Độ trước thông tin Nga có thể cung cấp máy bay chiến đấu Su-35 cho Pakistan.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Trong một động thái khó lý giải, Nga đang tiến hành đàm phán để bán cho Pakistan tiêm kích tiên tiến Su-35 Flanker-E cùng với các trực thăng tấn công Mi-35 Hind-E.

Song có lẽ điều gây ngạc nhiên hơn cả là người Nga dường như không hiểu rằng đồng minh Ấn Độ của họ có thể sẽ phản ứng rất tiêu cực trước triển vọng của một thỏa thuận như trên.

Ngày 09/09 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu trên hãng tin nhà nước Sputnik rằng: “Tôi không nghĩ những hợp đồng đang được thương thảo sẽ gây ra sự ganh tị đối với bất kỳ bên nào”.

Song, trên thực tế, mặc dù 2 quốc gia Nam Á chia sẻ sự kết nối về ngôn ngữ, văn hóa, địa lý, kinh tế và cùng thuộc một nền văn minh nhưng họ đã đối đầu trong 3 cuộc chiến tranh tổng lực trong những thập kỷ qua.


Nga có thể sẽ cung cấp máy bay chiến đấu Su-35 cho Pakistan.

Nga có thể sẽ cung cấp máy bay chiến đấu Su-35 cho Pakistan.

Su-35 mang lại lợi thế cho Pakistan?

Quyết định mua tiêm kích Su-35 có thể mang lại cho Pakistan một ưu thế nhỏ trước các chiến đấu cơ Su-30MKI của Ấn Độ, tuy nhiên, biến thể Flanker mới chỉ có những cải tiến rất khiêm tốn đối với người tiền nhiệm của nó.

Trong khi đó, hầu hết những cải tiến này có thể sẽ được ứng dụng vào các máy bay Flanker của Không quân Ấn Độ.

Trên thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy Nga và Ấn Độ đang đàm phán khả năng hiện đại hóa các máy bay chiến đấu Su-30 trong biên chế Không quân Ấn Độ.

Phản ứng của Ấn Độ

Việc Nga cung cấp vũ khí tiên tiến cho "kẻ thù không đội trời chung" của Ấn Độ có thể sẽ khiến "người khổng lồ mới vươn mình ở Nam Á" quay sang gần hơn với Mỹ và Châu Âu.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cho thấy ý định mua 36 chiến đấu cơ đa nhiệm Dassault Rafale của Pháp sau khi hủy bỏ chương trình trang bị chiến đấu cơ đa năng hạng trung (MMRCA) vốn thất bại hoàn toàn từ lâu.

Còn có tín hiệu cho thấy một thỏa thuận mới có thể sắp được tiến hành.

Nếu Nga bán vũ khí cho Pakistan, các tập đoàn chế tạo tiêm kích của Pháp và châu Âu sẽ nắm được vị thế thuận lợi hơn nhiều khi Ấn Độ buộc phải đưa ra gói thầu mới để thay thế lực lượng máy bay "già cỗi" MiG-21 và MiG-23.

Thêm nữa, triển vọng của Su-35 ở Pakistan cũng có thể thôi thúc người Ấn Độ hành động trong trạng thái cấp bách, khi chứng kiến những ưu thế của mình bị mai một.

Cũng có một khả năng khác. Đó là do Ấn Độ hiện rất cần điều chỉnh cơ cấu kho chiến đấu cơ đang giảm sút của mình nên có thể họ sẽ đưa ra lựa chọn đơn giản là mở rộng kế hoạch trang bị tiêm kích Rafale, như giữ số lượng ban đầu cho phép trong chương trình MMRCA.

Đây có thể là giải pháp tốn kém nhưng những mối lo ngại về an ninh quốc gia có thể buộc New Delhi phải hành động.

Trong bất kỳ trường hợp nào thì Rafale cũng mang lại công nghệ tốt hơn và có thể mang lại cho Ấn Độ một chiến đấu cơ hiệu quả hơn sản phẩm của Nga.

Cơ hội cho F-35?

Ngoài Rafale, Ấn Độ có thể xúc tiến mua máy bay chiến đấu của Mỹ một khi họ tái khởi động chương trình MMRCA.

Trong gói thầu trước, cả 2 ứng viên F-16IN của Lockheed Martin và F/A-18E/F Super Hornet của Boeing đều bị loại nhưng Mỹ không nhất thiết phải cung cấp chiến đấu cơ thế hệ 4 cho Ấn Độ.

Mỹ có thể đề nghị Ấn Độ tham gia vào dự án tiêm kích F-35 của Lockheed. Thành thật mà nói, với F-35 và các dự án tiếp theo, Mỹ đủ khả năng mang tới cho Ấn Độ cơ hội tiếp cận công nghệ tốt hơn những gì Nga có thể mang lại.


F-35 có tìm thấy cơ hội ở Ấn Độ?

F-35 có tìm thấy cơ hội ở Ấn Độ?

Đối với Ấn Độ, F-35 sẽ là giải pháp "một mũi tên trúng hai đích": tiếp cận công nghệ tiên tiến và có được một lá bài chiến thắng trước Pakistan, cũng như Trung Quốc (trong một vài trường hợp).

Tuy nhiên, New Delhi có thể sẽ gặp phải những hạn chế của Mỹ đối với máy bay này và đây là điều mà Ấn Độ thường không chấp nhận.

Trên thực tế, trong năm 2011 khi vẫn còn lá Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua sắm vũ khí, công nghệ và hậu cẩn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã bày tỏ thiện chí bán cho Ấn Độ tiêm kích tàng hình thế hệ 5.

Ông nói: “Về phía chúng tôi không có vấn đề gì, không có quy định nào cấm Ấn Độ tham gia vào dự án F-35. Song hiện tại, họ đang chú trọng vào các máy bay chiến đấu F-16IN và F/A-18E/F, đây là những tiêm kích thế hệ 4 tốt nhất".

Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi liệu sau cùng Nga có cung cấp những vũ khí tiên tiến trên cho Pakistan và đẩy Ấn Độ lại gần hơn với châu Âu và Mỹ hay không.

Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra thì viễn cảnh F-35 mang màu áo của Không quân Ấn Độ cũng không phải là điều xa vời.

** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Dave Majumdar.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại