Pakistan có gì để tự tin trở thành "bộ ba chiến lược" với Nga-TQ?

My Lan |

Tương đồng về mặt lợi ích cùng năng lực của mỗi bên sẽ khiến Nga, Trung Quốc và Pakistan trở thành các đối tác chiến lược trong tương lai gần, theo đánh giá của học giả Ấn Độ.

Không còn là đối thủ

“Trong vấn đề địa chính trị, những thực tế mang ý nghĩa chiến lược có thể biến đổi với tốc độ đáng ngạc nhiên, thậm chí ngay cả trước khi các quốc gia nhận ra nó là những thay đổi quyết định, định hình tương lai nhiều năm về sau”.

Đó là cách mà học giả người Ấn Độ Joy Mitra mô tả về quan hệ giữa 2 đối thủ truyền thống từ thời Chiến tranh Lạnh: Nga và Pakistan.

Trong bài viết đăng tải trên tờ The Diplomat, ông này chỉ ra rằng, đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy mối quan hệ giữa 2 quốc gia này đang ấm lên, và thậm chí là còn hơn thế nữa.

Ông Joy Mitra là học giả về quan hệ quốc tế tại Học viện Quan hệ Quốc tế Jindal (Ấn Độ) và là nhà nghiên cứu của hãng tư vấn địa chiến lược Mỹ Wikistrat.

Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Pakistan, tháng 11/2014, Moscow đã kí thỏa thuận hợp tác quân sự mang tính bước ngoặt với Islamabad.

Nội dung của thỏa thuận liên quan tới việc "trao đổi thông tin về các vấn đề quân sự - chính trị, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và chống khủng bố, chia sẻ quan điểm chung về diễn biến ở Afghanistan và tiến hành các hoạt động kinh doanh với nhau".

Ngoài việc nhập trực tiếp động cơ Klimov RD-93 từ Nga, thay vì phải thông qua Trung Quốc, cho chiến đấu cơ JF-17, từng có những thông tin về việc Pakistan có thể mua trực thăng chiến đấu Mi-35 của Nga.

Thêm vào đó, công ty quốc doanh Nga Rostekh Corporation cũng đang lên kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt dài 680 dặm tại Pakistan năm 2017, với chi phí ước tính khoảng 2,5 tỉ USD.

Yếu tố "đưa đường dẫn lối"

Học giả Mitra cho rằng, quá trình đàm phán song phương Nga - Pakistan là một phần của sự thay đổi lớn hơn trong các mối quan hệ quốc tế.

Tại châu Âu, Nga đang bị lôi vào cuộc đấu cuối cùng với Mỹ và phương Tây về vấn đề Ukraine, sau khi hứng chịu các lệnh cấm vận vì động thái sáp nhập Crimea.

Còn tại châu Á - Thái Bình Dương, hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến họ gặp căng thẳng với các nước trong khu vực, kể cả với các đồng minh của Mỹ.

Chuyên gia người Ấn Độ cho rằng, yếu tố quan trọng nhất “dẫn lối” cho quan hệ Nga – Trung Quốc - Pakistan chính là góc nhìn về Mỹ và "chính sách ngăn chặn" của nước này với họ.

Đối với Trung Quốc và Nga, Mỹ đang đối tượng đang bị "ghét cay ghét đắng, cần phải bị lật đổ khỏi vị trí bá chủ".

“Bắc Kinh cần đồng minh để thay đổi trật tự thế giới, bắt đầu từ châu Á". Quốc gia được lựa chọn, theo ông Mitra, chính là Pakistan - một đồng minh truyền thống.

Học giả Ấn Độ
Joy Mitra
Pakistan có đủ động lực để sẵn sàng trở thành đối tác trong cấu trúc an ninh châu Á do Trung Quốc định hình.

Thêm vào đó, quan hệ ngày càng thân thiết của Mỹ và Ấn Độ, cùng sự hợp tác sâu rộng trong thương mại cũng như trong các lĩnh vực chiến lược như trang thiết bị hay công nghệ quốc phòng của 2 nước, đã từng khiến Pakistan ngày càng không hài lòng.

Sau khi mất đi sự ủng hộ của Mỹ về vấn đề tranh chấp Kashmir với Ấn Độ, quan hệ Mỹ - Pakistan đã bị "lung lay".

Học giả Mitra đánh giá, “cũng từ đây mà những sự tương đồng về lợi ích giữa ba nước Nga, Pakistan, Trung Quốc bắt đầu hình thành”.

Bổ sung cho nhau

Theo ông này, khi mà Ấn Độ đã quyết định đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí cho mình, bao gồm cả Mỹ và Israel, thì Nga “không còn thấy bất cứ trở ngại nào nữa trong việc thiết lập quan hệ chiến lược với Pakistan”.

“Trong tương lai, người ta có thể nhìn thấy tín hiệu của sự bắt tay hợp tác giữa 3 quốc gia, sử dụng năng lực của mình để bổ sung cho nhau”.

Cụ thể, ông Mitra phân tích, Nga sẽ thay thế phương Tây trở thành nhà cung cấp năng lượng và công nghệ quân sự. Trung Quốc thì mạnh hơn về kinh tế so với 2 nước còn lại, với lượng dự trữ ngoại hối đáng kể đang tìm cơ hội đầu tư, nhưng lại rất cần năng lượng.

Còn Pakistan là nền kinh tế đang phát triển với dân số trẻ, cần cả năng lượng và thiết bị quốc phòng.

Như vậy, ngoài việc nhập trang thiết bị từ Trung Quốc như hiện nay, Pakistan có thể tiếp cận công nghệ Nga. Điều đó mở ra cho Moscow, vốn đang chịu sự cấm vận từ phương Tây, thêm thị trường mới.

Học giả người Ấn Độ đánh giá, dù rằng có phải cạnh tranh đôi chút với Trung Quốc trong tương lai, song có thể 2 nước này vẫn sẽ thương lượng để cùng nhau bán vũ khí cho Ấn Độ, và giờ đây là Pakistan.

Học giả Ấn Độ
Joy Mitra
Cả Mỹ và EU đang đi theo chiến lược là bán trang thiết bị quốc phòng cho Ấn Độ và Pakistan. Song với Nga, đây là điều đáng chú ý bởi điều đó cho thấy Nga không còn đối xử ưu đãi với người bạn lâu đời Ấn Độ nữa.

“Tam giác quan hệ Nga - Trung Quốc - Pakistan thực tế là đã sắp xuất hiện và đạt được sự tương đồng lớn hơn về các mục tiêu an ninh ở châu Á so với Nga - Trung Quốc - Ấn Độ.

 Xét về mặt kinh tế, Ấn Độ vẫn là một đối tác quá lớn để có thể bỏ qua, và Nga vẫn quan tâm tới việc duy trì quan hệ với Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ đã không còn tha thiết với các mối liên hệ về an ninh cùng Trung Quốc và Pakistan nữa.

Khi Nga đang ngày càng xích lại gần Trung Quốc, thì sự bất đồng về lợi ích với Ấn Độ ngày càng lớn hơn".

Dù thế, chuyên gia này cũng lưu ý rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại trông thấy và điều này có thể gây ra một số rối loạn trong nội bộ. Kinh tế Nga cũng có thể khó khăn hơn.

Trong khi đó Pakistan, dù là có dấu hiệu cải thiện, song vẫn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài và chưa thể thôi lo lắng vì các vấn đề an ninh trong nước.

Như vậy, không loại trừ việc "bộ ba" này sẽ có các động thái nhằm đánh lạc hướng dư luận chú ý vào các vấn đề nội bộ của mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại