Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay, CHDCND Triều Tiên hôm 15/9 tuyên bố đã khởi động một lò phản ứng hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân (Yongbyon) - cơ sở hạt nhân chính của nước này, ở cách Bình Nhưỡng khoảng 90 km.
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết cơ sở hạt nhân trên đang “hoạt động hết công suất”.
Trước đó một ngày, vào hôm 14/9, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ phóng hàng loạt vệ tinh lên quỹ đạo trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10.
Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đồng loạt phản ứng và chỉ trích việc Triều Tiên phóng vệ tinh "không khác gì hành động phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa".
Vệ tinh Kwangmyongsong-2 được Triều Tiên phóng vào năm 2009. Ảnh: Phượng Hoàng
Sẽ có vụ thử hạt nhân thứ 4?
Hoàn Cầu bình luận, hàng loạt động thái của Bình Nhưỡng đều mang tính khiêu khích, khiến một làn sóng căng thẳng mới ở bán đảo Triều Tiên là không thể tránh khỏi.
Hoàn Cầu cho biết, lần trước đó và cũng là lần duy nhất tính đến nay Triều Tiên thực hiện "thành công" phóng vệ tinh là vào tháng 12/2012. Nước này sau đó đã bị Hội đồng bảo an LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc.
Để trả đũa LHQ, Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 chỉ 3 tháng sau đó, làm leo thang tình trạng đối đầu giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế.
Một số phân tích nhận định, nếu Triều Tiên thực sự tiến hành "phóng vệ tinh" vào tháng sau và bị LHQ trừng phạt sau đó, nước này rất có thể khiến lịch sử lặp lại khi đáp trả LHQ bằng... vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4.
"Đó sẽ là vòng tuần hoàn ác tính khiến mọi người phải suy sụp của vấn đề hạt nhân Triều Tiên", Thời báo Hoàn Cầu chỉ trích.
"Về lý thuyết", Triều Tiên hoàn toàn có quyền lợi khai thác vũ trụ một cách hòa bình, nhưng vấn đề là quốc gia này thất bại trong việc thuyết phục thế giới - đặc biệt là Mỹ, Nhật, Hàn - tin rằng họ thực sự chỉ phóng "vệ tinh khí tượng" mà không phải thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Hoàn Cầu chỉ ra, việc Bình Nhưỡng thử đạn nguyên tử được công khai và cũng được thế giới kiểm chứng, đồng thời bị giới quan sát quốc tế nghi ngờ là "thổi phồng quá đáng sự thật".
Tuy nhiên, đối với vấn đề "phóng vệ tinh", Triều Tiên năm lần bảy lượt kiên quyết phủ nhận "thử tên lửa". Thái độ có phần mâu thuẫn này ngược lại khiến quốc tế càng thêm quan ngại về khả năng Bình Nhưỡng... thử tên lửa thật.
Thái độ của Trung Quốc
Hoàn Cầu tuyên bố, Trung Quốc chắn chắn sẽ kiên quyết giữ thái độ phản đối người láng giềng của mình khôi phục cơ sở hạt nhân Yongbyon. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn sẽ tính toán dùng "lời lẽ thiệt hơn" cũng như hiệu quả thực tế., thông qua trao đổi với Triều Tiên và xã hội quốc tế.
Việc Triều Tiên đối đầu với xã hội quốc tế xoay quanh vấn đề hạt nhân đã trở thành "nút thắt" khó tháo gỡ.
Bình Nhưỡng rất thiếu cảm giác an toàn và tin rằng chỉ có sở hữu khả năng tấn công hạt nhân vào nước Mỹ, Triều Tiên mới buộc được Washington thay đổi chính sách thù địch của mình, từ đó có được "bảo đảm an ninh".
Ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. (Ảnh tư liệu: Huanqiu)
Hoàn Cầu gọi việc theo đuổi sức mạnh hạt nhân là "canh bạc bất chấp tất cả" của Triều Tiên, buộc họ đánh đổi cái giá quá lớn là bị cấm vận và cô lập ngoại giao trong thời gian rất dài.
Tờ này không quên chỉ trích Mỹ và phương Tây "không thông cảm" cho thái độ bất an của Bình Nhưỡng mà chỉ biết dùng các biện pháp trừng phạt cứng rắn để gây sức ép lên bất kỳ hành động đối đầu nào của Triều Tiên.
"Ở vào vị thế khó khăn nhất là Trung Quốc. Bắc Kinh một mặt phản đối Triều Tiên sở hữu hạt nhân, mặt khác hy vọng các bên ngồi vào bàn đàm phán, tránh tình trạng căng thẳng dẫn đến xung đột bùng nổ", Hoàn Cầu viết.
Nói cách khác, Trung Quốc đang tìm kiếm biện pháp "mềm" để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà vẫn không làm các bên "phật ý".
Hoàn Cầu khẳng định, dù quan hệ Trung-Triều "không bình thường" kể từ khi song phương có các nhà lãnh đạo mới, song đôi bên vẫn ghi nhận và duy trì "quan hệ hữu nghị bền chặt".
Đến nay đã gần 10 năm kể từ Tuyên bố chung 19/9/2005 của cuộc đàm phán 6 bên, hội đàm không thu được thành quả và Triều Tiên bước vào con đường sở hữu hạt nhân, nhưng trên thực tế nguy cơ an ninh của Bình Nhưỡng không giảm.
Giới quan sát nhận xét, sở hữu hạt nhân không trở thành lá chắn an ninh cho Triều Tiên, trong khi những thiệt hại mà nước này gánh chịu vượt xa những gì họ có thể thu về nếu thành công.