"South China Sea, đúng như tên gọi của nó, là một vùng biển thuộc sở hữu của Trung Quốc".
Đó là những gì Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc - Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, Viên Dự Bách, đã phát biểu trước các quan chức quân đội đến từ khắp năm châu trong khuôn khổ hội nghị quốc phòng SDSR diễn ra tại London (Anh) hôm 14/9 vừa qua, theo Defense News.
Theo cách hiểu của Viên Dự Bách, trong tên quốc tế South China Sea của Biển Đông có chữ "China" (Trung Quốc), do đó nghiễm nhiên vùng biển này phải thuộc quyền sở hữu của Bắc Kinh (?!?).
Với một người đã làm tới hàm Phó Đô đốc, thật khó có thể hiểu nổi tại sao Viên Dự Bách lại có thể đưa ra một phát biểu ngớ ngẩn như vậy.
Thực chất, tên gọi South China Sea không hề mang bất kì một ý nghĩa nào về mặt chủ quyền. Đây đơn thuần chỉ là tên gọi quốc tế được khơi nguồn từ quy ước giữa các tàu thuyền giao thương tại khu vực này từ thế kỉ 16.
Đến thế kỉ 20, Tổ chức Thủy văn Quốc tế (IHO) đã chính thức áp dụng South China Sea là tên gọi quốc tế của Biển Đông, và sử dụng nó trong các văn bản, hình ảnh, bản đồ hành chính bằng tiếng Anh.
Nhận xét về phát biểu khó hiểu này của Viên Dự Bách, tạp chí Time (Mỹ) đã mỉa mai rằng: nếu cứ lập luận như phó Đô đốc Trung Quốc, thì phải chăng toàn bộ Ấn Độ Dương thuộc về Ấn Độ? Hay Vịnh Mexico là của Mexico?
Cũng trong bài viết của mình, tạp chí Time đã lên án các hành vi bành trướng xây dựng trái phép của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo thuộc hải phận Biển Đông.
Tạp chí Time cũng khẳng định, dù Mỹ không đứng về phía nào trong các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Washington cam kết sẽ bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh nghiêm túc giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua luật pháp quốc tế.
Trở lại với vấn đề tên gọi đã nói ở trên, bản thân tên gọi nhiều địa danh, đặc biệt là các vùng biển hay đại dương, thường được đặt ra dựa theo tên các nước gần vị trí của chúng để thuận tiện cho việc tra cứu và không có bất kì ý nghĩa gì về mặt chủ quyền.
Tuy nhiên, để tránh những trường hợp ngộ nhận một cách ngớ ngẩn như Viên Dự Bách hay nghiêm trọng hơn là lợi dụng tên gọi để tuyên truyền sai lệch, các chuyên gia trong và ngoài nước đã kêu gọi thay đổi tên quốc tế chính thức của Biển Đông.
Trong đó, nổi bật nhất là ý tưởng thay thế South China Sea bằng South East Asia Sea (Biển Đông Nam Á). Đây là một tên gọi trung lập, chỉ tính đến vị trí địa lý khi mà các nước khu vực Đông Nam Á bao bọc hầu như toàn bộ chu vi của Biển Đông.