Cùng cực ở nơi người đàn ông ăn thứ cơm mốc xanh, chảy nước

Mạnh Mường |

Cạnh chỗ nằm của người đàn ông khổ hạnh này là một cái nồi méo đựng cơm… Hạt cơm đã trương phình, mốc xanh, mốc đỏ và chảy nước.

Dãi nắng dầm mưa ở Củm Cò (Mỹ Á, Thu Cúc, Tân Sơn)

Bản Mỹ Á là vùng tam giác giáp ranh giữa 3 tỉnh Phú Thọ - Sơn La – Yên Bái. Từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đồng bào người Mông ở Suối Giàng (Yên Bái) đã chuyển lên maưu sinh trên đỉnh Củm Cò (nay là bản Mỹ Á) cao hơn 2000m này.

4 rưỡi sáng, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội chạy xe băng băng dọc Quốc lộ 32 để lên Phú Thọ. Khi công tơ mét chạm con số 145km là anh em chúng tôi đã có mặt ở bản Mỹ Á.

Thăm học sinh điểm trường Mỹ Á, thuộc trường Tiểu học Thu Cúc

Lúc đến thì trời nắng chang chang, chúng tôi đi thăm từng lớp học, quan sát từng em học sinh rồi đến trưa lại men theo những con đường nhỏ đến với các hộ dân nghèo sống trong trên những quả đồi cô quạnh.

Đường lên khu Suối Chim của bản Mỹ Á

Anh giáo bản Sùng A Giàng vừa hết tiết dạy, xung phong dẫn chúng tôi đi thăm từng hộ nghèo trong bản.

Suốt mấy tiếng làm hoa tiêu, trải qua cái nắng, đói, mệt cùng chúng tôi nhưng những câu chuyện, những số phận anh kể đều rành rẽ từng chi tiết và hết sức tâm huyết.

Hơn 11h30, sau khi đã thăm hai hộ dân khó khăn đầu tiên nhưng đều không gặp được, anh Giàng dẫn chúng tôi đến hộ gia đình anh Vàng A Nhà (SN 1979) và vợ là chị Vàng Thị Ca (SN 1984).

Đã 11h30 nhưng bếp nhà anh Vàng A Nhà và vợ là chị Vàng Thị Ca vẫn nguội lạnh

Đây là hộ dân nghèo nhất bản, cả nhà có đến 5 người con cộng với hai vợ chồng là 7 nhân khẩu, nhưng không có chút đất ruộng hay nương nào để canh tác.

Công việc quanh năm của hai vợ chồng anh Vàng A Nhà là đi chặt nứa và làm thuê để kiếm tiền. Hàng ngày, họ đều phải làm quần quật nhưng vẫn không đủ gạo ăn, chuuyện cả nhà đứt bữa xảy ra thường xuyên.

Những hôm không còn gạo ăn, cả hai vợ chồng và 5 đứa trẻ lại luộc sắn ăn trừ cơm. Ấy vậy mà, đôi khi sắn cũng không đủ để ăn vì đất nương chỉ mượn được một ít, trồng mỗi năm được vài bao tải sắn.

Làm thuê được bao nhiêu tiền thì cũng chỉ đủ đong gạo theo bữa… Nghèo đói dai dẳng nên khi được hỏi, anh chị mong muốn điều gì nhất, chị Vàng Thị Ca thở dài: “Khó khăn quá, chả biết muốn gì bây giờ cho được, giờ chỉ mong đủ gạo ăn thôi!”.

Quả thật, người nghèo đến cả ước mơ cũng “nghèo” theo. “Đủ gạo ăn”, chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng có lẽ nếu không có một phép màu thì cuộc đời họ luôn bế tắc và quanh quẩn trong mong ước không chết đói.

Rời nhà chị Ca, đoàn chúng tôi đến thăm gia đình “gà trống nuôi con” Sổng A Sỉ (SN 1980).

Vợ mất cách đây vài năm, một mình anh Sỉ chăm lo cho các con từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc học hành.

Thời gian được ở nhà bên con vô cùng ít ỏi, những người như anh không được phép ốm, bởi hôm nào nghỉ ở nhà là hôm đó mấy bố con đói ăn.

Vợ chồng anh có với nhau 4 cậu con trai, sau khi sinh thằng út Sổng A Phảnh được vài tháng thì vợ mất. Vì thế, thằng nhỏ lớn lên bằng giọt sữa đi xin từ những cô bác hàng xóm.

Thương cha vất vả, thương các em đói ăn, Sổng A Trưởng (13 tuổi) nghỉ học rồi cùng cha đi kéo gỗ thuê lấy tiền đong gạo.

Anh trai và bố đi làm thuê, ở nhà, từ chăm sóc hai em đến trông nom nhà cửa được Sổng A Dê (11 tuổi) quán xuyến. Khi chúng tôi đến thăm, Sổng A Dê đang loay hoay nấu bữa trưa.

Bữa trưa của 3 đứa nhỏ nhà anh Sổng A Sỉ là nồi canh bầu mênh mông nước ăn vã thay cơm. Thằng cu Dê nói với chúng tôi, nhà đã hết gạo, phải chờ bố và anh trai chiều đi làm về mới có tiền mua gạo.

Chúng tôi vừa đi đường vừa nói vui với nhau “hình như ở đây người ta rủ nhau nghèo”, Bởi các hộ nghèo chủ yếu tập trung dọc theo con đường trên núi này… cuộc sống khốn khó như nhau thành thử cũng chẳng ai giúp được nhau.

Món “mẻ” và số phận chua chát của Vàng A Lảnh

Trong lần đi này, có lẽ ám ảnh nhất là hình ảnh anh Vàng A Lảnh sống trong căn nhà hoang tàn ở khu suối Chim của bản Mỹ Á.

Anh Sùng A Giàng cho biết, anh Lảnh khoảng 40 tuổi, sống cuộc sống lang thang, dật dờ, đói khát.

Cha anh Lảnh mất sớm, rồi gần đây nhất người em gái không may qua đời. Người mẹ đã ngoài 60 tuổi đột nhiên bị bệnh, mắt càng ngày càng kém, không làm được gì nữa.

Thương cho cảnh già khốn khổ, gia đình anh Vàng A Tủa dù không phải họ hàng, nhưng đã tình nguyện đón mẹ anh Lảnh về chăm nuôi.

Chúng tôi từ trên núi xuống, trời đã chuyển dần về chiều, Vàng A Lảnh nằm co ro trong căn nhà hoang, có mái nhưng không có vách, bốn bên trống hoác.

Chiếc giường anh Lảnh nằm là mấy khúc cây được xếp lại và trải phên nứa lên, bên trên là manh chiếu cũ do người trong bản làm cho. Anh Lảnh không nói được, rất ít giao tiếp với mọi người xung quanh.

Mùa đông cũng như mùa hè, anh Lảnh vận duy nhất bộ quần áo rách rưới và chiếc mũ len đội đầu. Cạnh chỗ nằm của người đàn ông khổ hạnh này là một cái nồi méo đựng cơm…, nhưng không thể gọi là cơm được nữa.

Mùa đông cũng như mùa hè, anh Lảnh vận duy nhất bộ quần áo rách rưới và chiếc mũ len đội đầu. Cạnh chỗ nằm của người đàn ông khổ hạnh này là một cái nồi méo đựng cơm…, nhưng không thể gọi là cơm được nữa.

Hạt cơm đã trương phình, mốc xanh, mốc đỏ và chảy nước, giống như cơm được người ta làm mẻ. Có vẻ như số cơm này được anh Lảnh nhặt từ đâu về và dành ăn dần.

Thấy có người lạ đến gần, anh lom khom nhổm dậy trong bộ dạng mệt mỏi, đôi mắt trắng dã chậm chạp, da xanh xám, phù nề…

Cả cuộc hành trình khảo sát, hễ đến gia đình nào thấy khó khắn, lũ trẻ nheo nhóc, đáng thương thì anh Nguyễn Quang Toại (thành viên đoàn khảo sát) lại lôi từ trong ví ra một chút tiền cho bọn trẻ….

Thiết nghĩ, hành động này chỉ như muối bỏ bể mà thôi. Nhưng nếu như nhiều người trong chúng ta hoặc tất cả chúng ta cùng chia sẻ như vậy thì chắc chắn cuộc sống của các em sẽ phần nào bớt cơ cực.

Ông Nguyễn Như Hoàng, hiệu trưởng trường Tiểu học Thu Cúc chia sẻ với chúng tôi, Mỹ Á có 106 hộ nhưng có đến 60% hộ nghèo, còn đâu là cận nghèo, vì thế, hình ảnh mà chúng tôi vừa chứng kiến không còn xa lạ với thầy cô giáo nơi đây.

“Mấy năm gần đây, được Nhà nước làm đường, làm trường cho nên học sinh cũng chăm chỉ đến trường, đã giảm dần tình trạng đi vận động từng em tới lớp, nhưng điều kiện học tập của các em còn thiếu thốn nhiều lắm.

Những cuốn truyện hay, những tài liệu quý, đôi dép mới, bộ quần áo đẹp là ước mơ rất lớn đối với các em. Chúng tôi cũng đã cố gắng nhưng sức thì có hạn vì chưa có kinh phí cho việc này…”, ông Hoàng nói.

Đoàn chúng tôi dời khỏi Mỹ Á trong cơn mưa tầm tã, mưa tối tăm mặt mũi.

Về đến Hà Nội rồi, những con người đã gặp, những ngôi nhà đã đến, những con đường vừa đi và những em học sinh nhỏ đã chụp ảnh cùng lại hiện ra trong đầu chúng tôi.

Ám ảnh - có lẽ đó là hai từ phù hợp nhất để nói về chuyến đi đến nơi cách Hà Nội không xa, chưa đầy 150k, nhưng có lẽ có thật nhiều điều khiến chúng ta trăn trở...

Báo điện tử Trí Thức Trẻ dự kiến sẽ kết hợp cùng Nhóm Sống Hướng Thiện và các nhà hảo tâm tổ chức một chương trao tặng THƯ VIỆN VÙNG QUÊ và quà trung thu cho các em nhỏ ở đây.

Thời gian vận động 30/8 - 20/9/2015

1. Thư viện vùng quê: tiếp nhận các đầu sách khoa học, giáo dục, lịch sử, văn hóa, kỹ năng sống, hạt giống tâm hồn, sách y tế, sức khỏe,...dành cho cấp 1 và cấp 2.

2. Qùa trung thu: bánh kẹo, giày, dép, quần áo, vở,...

3. Ủng hộ tiền mặt ghi rõ: ủng hộ chương trình Mỹ Á

- Tài khoản Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ: 1912.832.546.5015, chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội.

- Vietcom bank: 0541001611935. Chủ TK Lê Thị Bích Thảo, chi nhánh Chương Dương.

Mọi chi tiết liên lạc: Phạm Đình Mạnh, phụ trách Công tác xã hội (0974.974.104)

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội

Trân trọng!

 

Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại