Su-30SM Việt Nam sẽ mua vượt trội Su-35S Trung Quốc ở điểm nào?

Việt Hà |

Trong trường hợp Việt Nam đặt mua Su-30SM còn Trung Quốc chọn Su-35S thì đây sẽ là lần đầu tiên tiêm kích chủ lực của hai quốc gia có sự khác biệt đáng kể.

Thời gian gần đây, nhiều thông tin cho biết giai đoạn thương thảo hợp đồng mua tiêm kích Su-35S giữa Nga và Trung Quốc đã sắp kết thúc. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã quyết định lựa chọn Su-30SM thay vì "chạy đua" theo những quốc gia khác.

Việc Việt Nam đặt niềm tin vào Su-30SM thay vì Su-35S như nhiều dự đoán trước kia là điều khá bất ngờ nhưng lại hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta vẫn đi theo chủ trương nhất quán là chỉ lựa chọn những vũ khí, khí tài đã chứng minh được năng lực qua thời gian dài hoạt động.

Su-30SM được chế tạo dựa trên Su-30MKI - một chiếc tiêm kích rất tin cậy, hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu tác chiến cả hiện đại lẫn tương lai.

Trong khi đó, Su-35S là một loại máy bay mới, các tính năng nhà sản xuất quảng cáo mặc dù rất "khủng" nhưng lại chưa hề được kiểm nghiệm qua thực tế.

Su-35S đã không được Việt Nam lựa chọn

Nhưng nếu chỉ so sánh trên các thông số lý thuyết thì trong hai loại tiêm kích trên, ai có nhiều ưu thế hơn?

Trước hết là năng lực không chiến tầm xa, Su-30SM được trang bị radar N011M BARS còn Su-35S là N035 Irbis, cả hai cùng là loại radar mảng pha quét thụ động, tầm hoạt động tối đa đều đạt 400 km.

Thực tế thì radar N035 Irbis được phát triển chính từ N011M BARS nên không có nhiều sự đột phá về công nghệ, vì vậy năng lực không chiến tầm xa của Su-30SM và Su-35S có thể coi như ngang nhau.

Tiếp đến là khả năng không chiến tầm gần, lợi thế của Su-35S nằm ở động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) AL-41F1S, giúp cho nó có khả năng vận động tốt hơn đôi chút Su-30SM trang bị động cơ 2D TVC AL-31FP.

Tuy nhiên với môi trường tác chiến chủ yếu ở hướng biển, máy bay khó có khả năng gặp phải tình huống không chiến quần vòng cự ly ngắn như khi phải đối đầu những chiếc tiêm kích hạng nhẹ xuất hiện bất ngờ từ các sân bay dã chiến được địa hình hiểm trở bao bọc.

Do vậy, lợi thế đôi chút về khả năng cơ động cùng tốc độ tối đa cao hơn (2.500 km/h so với 2.100 km/h) của Su-35S so với Su-30SM gần như vô nghĩa.

Su-30SM Việt Nam đặt mua rất có thể sẽ được tích hợp sẵn khả năng mang tên lửa BrahMos

Trong khi năng lực không chiến của Su-35S chưa tỏ ra vượt trội Su-30SM thì khi so sánh về sức mạnh tấn công mục tiêu mặt nước, Su-30SM lại chiếm ưu thế hoàn toàn. Điều này có được là nhờ tên lửa hành trình đối hạm siêu âm BrahMos-A.

Tên lửa BrahMos-A được phát triển theo đơn đặt hàng của Quân đội Ấn Độ, đây là tên lửa không đối hạm có kích thước và trọng lượng rất lớn, lên tới 2.500 kg, vượt quá sức chịu đựng tối đa 1.500 kg của mấu cứng hạng nặng chính giữa thân tiêm kích Su-30MKI.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của phía Ấn Độ, Irkut đã phải gia cố lại khung sườn của Su-30MKI một cách toàn diện, cải tiến này sẽ được nhân rộng trên những chiếc Su-30MKI và Su-30SM thuộc lô sản xuất sau.

Nhờ tầm bắn xa, tốc độ cao, khả năng bay linh hoạt, BrahMos-A sẽ giúp Su-30MKI/ Su-30SM có năng lực diệt hạm vượt trội hoàn toàn Su-30MK2, thậm chí cả Su-35S do Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO) chế tạo, vốn chỉ mang được tên lửa Kh-31AKh-59MK.

Rõ ràng việc Việt Nam lựa chọn Su-30SM thay vì Su-35S là hoàn toàn đúng đắn, có thể áp đảo hoàn toàn đối phương trong tác chiến không đối hải trong khi vẫn duy trì được khả năng chiếm ưu thế trên không cần thiết.

>>> Cận cảnh một chuyến bay huấn luyện của "Hổ mang chúa" Su-30MK2

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại