Chiếc ghế đá cổ ở Hồ Gươm bị đâm vỡ: "Nhà rùa học" lên tiếng

Hoàng Đan |

PGS. TS Hà Đình Đức nhận định, chiếc ghế đá bị vỡ ở Hồ Gươm có từ khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đây có thể coi là chiếc ghế độc nhất vô nhị ở Hà Nội.

Không phải từ thời Lê

Sau khi chiếc ghế đá đang giữ “kỷ lục” lớn nhất Hà Nội nằm ngay trước Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam (số 16 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và sát Hồ Gươm bị một chiếc xe đâm vỡ, nhiều người đã cho rằng, chiếc ghế này có từ thời Lê.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đăng Long, Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay, mặc dù, chiếc ghế đá này có thể đã được đặt ở khu vực đó từ lâu, nhưng chắc chắn không phải thời Lê.

"Chúng ta nên nhớ rằng, theo sử sách kể lại thì vào thời Lê, khu vực Hồ Gươm còn có tên khác là hồ Lục Thủy và thời đó ở đây rất hoang vu.

Với văn hóa phương Đông lúc bấy giờ thì ghế đá, vườn hoa công cộng là không có mà chỉ có trong phủ chúa, cung vua, nhà giàu có mà thôi.

Còn vườn hoa, ghế đá công cộng là văn hóa phương Tây và xuất hiện ở Hà Nội từ sau khi người Pháp vào.

Thêm vào đó, nếu nhìn chiếc ghế đá này, dù có thể đã có từ lâu đời nhưng bề mặt trên của ghế nhẵn bóng, trống trơn, viền bên cạnh và mặt dưới thô ráp, được đẽo thủ công.

Phần chân ghế cũng được đẽo đơn giản, không hề có hoa văn họa tiết gì đặc sắc, ghi dấu thời Lê cả.

Có thể, chiếc ghế đá này có cùng với việc Pháp cho xây dựng nhà Khai Trí Tiến Đức vào đầu thế kỷ XX..." - ông Long nói.

Ông Phan Đăng Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Ông Phan Đăng Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Cũng theo ông Long, dù không biết có từ bao giờ nhưng ông cũng đã có rất nhiều kỷ niệm với chiếc ghế đá này.

"Nhà tôi ở gần khu vực bờ Hồ nên tôi biết chiếc ghế đá này. Thời còn nhỏ, khi đi dạo chơi quanh đây, lúc mệt, tôi đã nhiều lần ngồi, nằm nghỉ và đứng xem các cụ già chơi cờ ở đây.

Đây đúng là chiếc ghế đá hiếm có ở Hà Nội, nhưng nói từ thời nhà Lê là không chính xác. Các tài liệu lịch sử về Hà Nội cho đến nay cũng không hề nhắc gì về chiếc ghế đá này" - ông Long nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Long cũng thông tin thêm, theo những gì ông nắm được thì ngoài chiếc ghế đá bị đâm vỡ này, ở Hà Nội vẫn còn một chiếc ghế khác tương tự như vậy.

Ông Long cũng khẳng định, sau khi được hỏi, các cơ quan quản lý văn hóa của Hà Nội cũng cho biết, không có thông tin gì về việc ghi nhận chiếc ghế đá này từ thời Lê.

Chiếc ghế bị vỡ. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)
Chiếc ghế bị vỡ. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Đồng quan điểm đó, là người gắn bó nhiều năm với Hồ Gươm, PGS.TS Hà Đình Đức (người được biết đến như là "nhà rùa học", ông có nhiều nghiên cứu về rùa Hồ Gươm) cũng cho rằng, không có tài liệu lịch sử nào về chiếc ghế đó cả.

"Chắc chắn không phải thời Lê. Thời Lê có khi Hồ Gươm còn ra đến tận Bệnh viện Việt Đức. Còn về chiếc ghế, tôi nhận định nó có từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Còn nói ghế đó từ thời Lê là không có căn cứ, nhưng có thể coi là chiếc ghế độc nhất vô nhị ở Hà Nội" - PGS Đức chia sẻ.

Cần xử lý nghiêm hành vi của tài xế

Liên quan đến hành vi của tài xế lái xe đâm vỡ chiếc ghế đá này, ông Long cho rằng, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xác minh và tùy theo mức độ sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Ông nói: "Dù thế nào đây cũng là một chiếc ghế đá có từ lâu đời, hiếm có của Hà Nội, nên việc nó bị đâm vỡ là rất đáng tiếc.

Tuy nhiên, ở đây, các cơ quan chức năng sẽ phải xem xét kỹ xem hành vi của tài xế đâm vỡ chiếc ghế đá này là cố ý hay vô ý.

Khi xác minh được rồi thì tùy vào mức độ sẽ cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".

Trước câu hỏi, liệu có nên bắt tài xế đó phải đền một chiếc ghế đá tương tự như vậy không? Ông Long bày tỏ, việc đền như vậy sẽ rất khó.

"Ở đây, hành vi cố tình hay vô ý hủy hoại tài sản đều có trong quy định của pháp luật nên các cơ quan chức năng sẽ căn cứ để xử lý" - ông Long nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại