Ngày 8.2, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động phòng chống lạm dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ - “đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Cùng ngày này (8.2), nhà hàng số 42 Tăng Bạt Hổ, TP.Hà Nội đã bắt đầu thực hiện dịch vụ, khách hàng uống say được nhân viên của quán đưa về nhà.
Đây cũng là nhà hàng đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm dịch vụ này.
Khách say được đưa về tận nhà
Anh Phan Đoàn Lâm, Quản lý nhà hàng tại số 42 Tăng Bạt Hổ cho hay, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp với nhà hàng thực hiện thí điểm dịch vụ khách say được đưa về nhà.
Trước khi thực hiện, nhân viên của nhà hàng được phổ biến quy định, việc làm cụ thể khi đưa khách say về nhà.
“Nếu thấy khách hàng say, nhân viên nhà hàng sẽ có trách nhiệm tuyên truyền, giới thiệu tới khách về việc không nên lái xe sau khi sử dụng rượu.
Đặc biệt, sẽ tư vấn cho khách gửi xe ô tô tại nhà hàng, đi taxi về. Hoặc nhân viên bảo vệ của quán sẽ đưa khách về tận nhà bằng ô tô của nhà hàng”, anh Lâm nói.
Anh Lâm cho biết, hiện tại nhà hàng có 1 ô tô, 2 nhân viên bảo vệ (lái được ô tô) thực hiện dịch vụ đưa khách say về nhà.
Bãi gửi xe của nhà hàng có thể chứa được 50 chiếc ô tô. Ngoài đội ngũ bảo vệ, nhà hàng còn liên kết trực tiếp với hãng taxi để đưa khách hàng say về nhà.
Chi phí đi taxi sẽ do nhà hàng, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia thực hiện chi trả.
“Khách hàng say mà muốn đi ô tô riêng của mình về nhà, nhân viên nhà hàng sẽ đề nghị lái xe thay cho khách. Khi chở khách về tới nhà, nhân viên sẽ bàn giao phương tiện, đồ đạc cho người thân của khách.
Khi người thân khách say xác nhận đã nhận đủ đồ đạc thì nhân viên mới bắt xe ôm quay trở lại nhà hàng”, anh Lâm nói thêm.
Theo anh Lâm, nếu khách say chọn phương án đi taxi về nhà, ô tô của khách sẽ được gửi tại nhà hàng.
Trước khi khách lên xe, nhân viên nhà hàng sẽ bàn giao đồ đạc của khách cho lái xe taxi và yêu cầu lái xe ký xác nhận vào giấy ngày, giờ, đồ đạc, của khách. Việc làm này, nhằm mục đích tránh thất lạc đồ của khách.
Còn trong trường hợp, có nhiều khách say tại nhà hàng cùng một thời điểm, nhân viên của nhà hàng không chở hết khách say về nhà được thì sẽ gọi xe taxi để đưa khách về nhà.
Dịch vụ đưa khách say về nhà áp dụng đối với những khách ở trong nội đô Hà Nội.
Dịch vụ mới, cảm xúc lạ
Anh Lâm cho hay, thông thường khi nhân viên nhà hàng đề nghị đưa khách say về nhà, khách hàng đều hợp tác, đặc biệt người thân của khách cảm thấy rất vui vẻ.
Anh Lâm kể, tháng 1.2015, một công ty điện lực tổ chức ăn uống ở nhà hàng anh quản lý.
Kết thúc cuộc nhậu, có một khách hàng bị say. Anh Lâm đã đề nghị vị khách này để anh đưa bằng ô tô của nhà hàng về nhà.
“Nhà vị khách say này ở gần bến xe Nước Ngầm, Hà Nội. Khi tôi đưa khách về tới nhà thì người vợ rút tiền ra bảo trả tôi phí chở về nhà.
Lúc đó tôi có giải thích là việc đưa khách say về nhà nằm trong dịch vụ của nhà hàng thì người vợ tỏ ra ngạc nhiên và khá vui vẻ. Trước khi tôi về, họ còn nói lời cảm ơn”, anh Lâm kể.
Anh Phạm Anh Tuấn (SN 1987), nhân viên của nhà hàng thông tin, anh và một bảo vệ khác được giao nhiệm vụ đưa khách say về nhà khi có yêu cầu. Trước khi triển khai dịch vụ này, anh đã đưa nhiều khách say về nhà.
“Nhà hàng mới mở được khoảng 6 tháng nay. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã đưa được khoảng 30 khách hàng say tại quán về nhà.
Trong những lần đưa khách say về nhà, tôi thấy người thân của họ đều phấn khởi, đồng tình với dịch vụ này”, anh Tuấn nói.
Việc thí điểm mô hình kinh doanh rượu, bia an toàn giao thông được kỳ vọng làm giảm các vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Hiện tại, dịch vụ đưa khách say về nhà sẽ được thí điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.