Ukraine phải bỏ Crimea nếu muốn gia nhập NATO

Anh Tú |

Quốc hội mới của Ukraine vừa thông qua việc cho phép nước này từ bỏ tình trạng không liên kết để mở đường gia nhập NATO. Nhưng như vậy thì chưa đủ một khi Ukraine vẫn khăng khăng Crimea là một phần lãnh thổ của mình.

Khi vận động tranh cử và sau khi đắc cử làm tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko đã nhiều lần nói về mục tiêu của mình.

Trước hết là phải tìm cách lấy lại bán đảo Crimea vốn đã tách khỏi Ukraine sau một cuộc trưng cầu và gia nhập Nga hồi tháng ba.

Thứ hai là giúp Ukraine hội nhập với châu Âu mà cụ thể là gia nhập EU và NATO.

Về chuyện thứ nhất, ông Poroshenko làm khá nửa vời.

Một mặt, ông khoe là đi đâu cũng đề cập đến chuyện Crimea và kiên trì đòi lại bán đảo này.

Thế nhưng mặt khác là khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin thì ông không đề cập trực tiếp chuyện này, kể cả trong các thỏa thuận tại Geneve và Minsk.

Về chuyện thứ hai, chính quyền ông Poroshenko tỏ ra rất quyết tâm gia nhập NATO.

Nếu NATO yêu cầu các nước thành viên phải chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng (hầu như các thành viên đều không thực hiện) thì Ukraine cam kết chi đến 5% GDP cho chuyện súng ống.

Thậm chí, để phục vụ nhu cầu tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng vào năm sau và chuẩn hóa theo yêu cầu của NATO, Kiev không ngần ngại cắt giảm tiền chi cho giáo dục và khoa học.

Thủ tướng Ukraine thủ tướng Arseniy Yatsenyuk còn quyết tâm theo đuổi dự án Wall đầy phiêu lưu để làm đẹp lòng NATO.

Đó là dự án xây tường hào dài hàng ngàn cây số dọc biên giới với Nga để thể hiện quyết tâm quay lưng với Nga mà ông Yatsenyuk nói rằng hoàn thành Dự án tường  biên giới (được gọi là dự án Wall) sẽ tăng tốc độ hội nhập của Ukraine vào NATO.

"Nếu một nhà nước không kiểm soát nổi biên giới của mình thì không thể là thành viên NATO".

Ông Yatsenyuk có lẽ vẫn nhớ rằng để làm thành viên của NATO thì không thể có chuyện nhập nhằng biên giới.

Theo quy chế kết nạp thành viên của NATO thì tất cả các quốc gia còn tranh cãi về lãnh thổ đều không được gia nhập tổ chức này.

Macedonia sở dĩ chưa được vào NATO cũng chỉ vì tên nước trùng với tên một tỉnh của Hy Lạp (thành viên NATO).

Chỉ khi nào Macedonia chịu đổi tên nước thì họ mới rộng đường vào NATO.

Trong khi đó, Ukraine vẫn chưa rạch ròi được việc giải quyết Crimea và coi đó là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, tức là có tranh chấp.

Do vậy, nếu họ quyết giữ Crimea (dù trên giấy tờ) thì còn lâu mới được vào NATO.

Các nước NATO cũng ủng hộ quan điểm Crimea là lãnh thổ của Ukraine và đó chính là cái cớ để họ khỏi cần kết nạp Ukraine vào khối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại